Diệc Phàm (4I) cho biết: “Mình không đi xe buýt trường nhưng cũng đã được học nhiều điều bổ ích. Các bác lái xe hướng dẫn trước hết phải bình tĩnh nếu bị mắc kẹt; sau đó hãy bấm còi, đèn và sử dụng búa đập vỡ cửa kính… Mình nghĩ những kiến thức này không chỉ hữu ích với việc đi xe buýt mà còn cả khi di chuyển bằng các loại ô tô khác. Cảm ơn nhà trường đã tạo cơ hội để chúng mình có những trải nghiệm thiết thực như vậy!”.
Cô Mầu Hồng (Trưởng xe tuyến 05) chia sẻ thêm: “Các bạn nhỏ đều hăng say tìm hiểu. Bạn nào cũng muốn được thực hành để biết cách xử lý tình huống. Bản thân chúng tôi cũng luôn ý thức việc đảm bảo an toàn cho các con. Vì thế, trước khi xe lăn bánh, chúng tôi đều điểm danh. Kết thúc hành trình, chúng tôi cũng đi kiểm tra từng ghế ngồi để tránh xảy ra sự cố”.
Kết thúc buổi tập huấn, các MCer đã kịp "bỏ túi" một số lưu ý khi đi xe buýt:
- Cố gắng giữ bình tĩnh. Không khóc/la hét để tránh bị mất sức. Nhìn xem trên xe có cửa sổ nào gắn nút hay tay nắm thì mở ra.
- Trèo lên ghế lái xe và mở cửa cạnh đó. Thông thường, dù khoá bên ngoài thì vẫn có thể mở được cửa từ bên trong.
- Bấm còi xe để kêu gọi sự trợ giúp. Dù xe tắt máy, rút khoá điện thì còi vẫn luôn hoạt động do sử dụng nguồn điện trực tiếp từ ắc-quy.
- Bật đèn khẩn cấp (Hazard). Đèn này được cấp nguồn điện riêng để lúc nào cũng sẵn sàng hoạt động. Nút bật đèn có hình tam giác rất dễ thấy, gần vô lăng. Hãy bấm nút liên tục kết hợp ấn còi xe để gây chú ý.
- Dùng búa thoát hiểm. Hầu hết xe chở khách đều được trang bị búa thoát hiểm (có hai đầu nhọn, màu đỏ được gắn trên vách xe). Chỉ dùng một lực nhỏ là búa có thể đập vỡ kính thành dạng hạt ngô, không có mảnh sắc nên không gây tổn thương. Nếu không thấy búa, hãy tìm các dụng cụ/đồ vật khác trên xe để phá kính và thoát ra.
- Đứng ở phần kính trước vô lăng rồi vẫy tay/cầm đồ vật để báo hiệu cho người bên ngoài biết.
- Nếu có điện thoại, hãy nhanh chóng liên lạc với bố mẹ, thầy cô hoặc gọi cảnh sát (113), cứu thương (114) để được trợ giúp kịp thời.