Hưởng ứng phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” do Thủ tướng Chính phủ phát động, tối 17/10, tại Thủ đô Hà Nội, Ủy ban TƯ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ban Chỉ đạo TƯ các Chương trình mục tiêu quốc gia và Đài Truyền hình Việt Nam phối hợp tổ chức chương trình truyền hình trực tiếp “Cả nước chung tay vì người nghèo” năm 2020.
Với chủ đề “Hướng về ánh mặt trời”, chương trình là một bức tranh với nhiều nhân vật đặc biệt, mỗi nhân vật là một mảnh ghép độc đáo mang đến câu chuyện lay động và cảm xúc.
Khán giả theo dõi chương trình như vỡ oà khi những lão nông xây cầu bước lên sân khấu. Đó là những người đàn ông da rám nắng, với nụ cười hồn hậu đã mang tinh thần lạc quan gửi tới tất cả những ai xem chương trình.
Được biết đây là đội xây cầu đặc biệt gồm hơn 30 nông dân hiền lành, chất phác thuộc huyện Cái Bè tỉnh Tiền Giang. Họ là những “hai lúa”, tuổi đã cao (trên dưới 60 tuổi), vì việc nghĩa nhóm họp lại rồi bỏ công, bỏ sức, không lấy tiền công đi xây cầu cho bà con miền Tây quê hương...
Hơn 10 năm qua họ đã kiên trì và vô tư xây hơn 400 cái cầu bắc qua kênh rạch, giúp trẻ con đi học, người lớn đi làm an toàn và thuận lợi...
Với clip ngắn về công việc xây cầu và mấy phút giao lưu trên sân khấu, những “hai lúa” dễ thương đã làm hàng triệu con tim xao động.
Ngồi xem chương trình, thầy Nguyễn Xuân Khang (Hiệu trưởng trường Marie Curie, Hà Nội) không cầm được nước mắt. Với sự ngưỡng mộ và xúc động, thầy đã tìm cách liên lạc với ông Phạm Văn Mảnh (hay còn gọi là Sáu Mảnh) - đội trưởng đội xây cầu từ thiện và đóng góp 1 tỷ đồng ủng hộ xây thêm một vài cái cầu nữa cho bà con miền Tây.
Ba tháng sau, vào ngày 28/1/2021, CẦU KINH ÔNG HUYỆN và CẦU 7 KHAO chính thức khánh thành.
“Tôi cứ nghĩ đến ngày ngày trẻ con đi học, người lớn đi làm qua những chiếc cầu rộng rãi, vững chắc mà xúc động vô cùng!
Việc trường Marie Curie tặng bà con 2 cái cầu là món quà rất ý nghĩa, lâu dài và đến được với nhiều người! Tết Tân Sửu này, mọi người trong trường Marie Curie có thêm niềm vui.
Và câu chuyện làm cầu để lại cho tôi nhiều suy nghĩ sâu sắc. Đặc biệt là việc đầu tư.
Với 1 tỷ chia cho 2 cầu, mỗi cầu trên dưới 500 triệu. Số tiền này dùng vào việc mua nguyên liệu và nấu ăn cho thợ làm cầu. Đội xây cầu từ thiện không lấy tiền công...”, thầy Khang cho biết.
Trong buổi lễ khánh thành, ông Sáu Mảnh thông báo còn dư hơn 100 triệu đồng và đã chi viện cho những cái cầu khác.
Không chỉ dừng lại việc góp tiền xây cầu, khi biết thông tin đội xây cầu từ thiện cần tiền mua xe cứu thương chở từ thiện cho bà con, thầy Khang đã đóng góp thêm 550 triệu đồng.
Thầy Khang vui vẻ kể: “Từ nay, đội của ông Sáu còn làm thêm một việc thiện nữa là đưa bà con đi viện miễn phí”.
Theo Giáo dục Việt Nam
Xem thêm tại: https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/tre-em-mien-tay-duoc-di-hoc-tren-nhung-cay-cau-moi-thay-khang-vui-khon-xiet