Sáng 16/5, trường Marie Curie mời GS.TS. Lê Phương Nga và PGS.TS. Trần Diên Hiển đến tập huấn, trao đổi với các giáo viên khối 1 về bộ sách giáo khoa mới mang tên “Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục”. Đây là một trong 5 bộ sách được Bộ GD-ĐT thông qua để các trường lựa chọn sử dụng, do chính hai chuyên gia làm chủ biên.
Từ năm học 2020 - 2021, học sinh lớp 1 sẽ học sách giáo khoa mới do Hội đồng giáo dục của mỗi trường lựa chọn trong số những bộ sách được Bộ GD-ĐT phê duyệt. Sau quá trình tham khảo và nghiên cứu, trường Marie Curie đã lựa chọn bộ sách Toán, Tiếng Việt 1 của NXB Giáo dục Việt Nam.
Nhà trường đã mời hai chủ biên sách Toán, Tiếng Việt 1 đến để trao đổi, giải đáp những thắc mắc cho giáo viên để phục vụ công tác chuẩn bị thiết kế bài giảng của năm học tới.
GS.TS. Lê Phương Nga và PGS.TS. Trần Diên Hiển là chủ biên của nhiều cuốn sách giáo khoa, có nhiều năm kinh nghiệm trong việc giảng dạy, nghiên cứu SGK. Vì thế, họ rất tâm huyết khi thiết kế bộ sách này.
PGS.TS. Trần Diên Hiển
GS.TS. Lê Phương Nga
Thầy Diên Hiển chỉ ra những điểm mới của môn Toán trong chương trình giáo dục phổ thông, sự thay đổi về cấu trúc, nội dung. Ví dụ: những bài học lồng ghép hình ảnh vùng miền, dân tộc, giải toán có lời văn... được trình bày như thế nào.
“Bộ sách này tập trung phát triển năng lực cho học sinh. Tôi hy vọng, buổi trao đổi này sẽ giúp thầy cô MC có sự hình dung chung nhất về bộ sách. Những nội dung trong SGK Toán 1 mới đã được chúng tôi lựa chọn sau quá trình nghiên cứu rất kỹ lưỡng, gần gũi với thực tế”, PGS.TS. Diên Hiển nói.
Việc thiết kế chương trình SGK là thách thức đối với những nhà làm sách. Đó là thành quả của quá trình nghiên cứu, chắt lọc từ kinh nghiệm giảng dạy, thử nghiệm lấy ý kiến từ giáo viên, học sinh - đối tượng chính sử dụng SGK. GS.TS. Lê Phương Nga rất tâm huyết với bộ sách Tiếng Việt về sự bình đẳng và dân chủ.
Cô quan niệm, khi viết sách, cần phải đặt tiêu chí dễ hóa, thú vị hóa lên hàng đầu. Cô cho rằng, SGK cần đạt yêu cầu là đối tượng học sinh nào cũng hiểu được. Hơn nữa, bộ sách của cô nhắm tới việc xây dựng môi trường giáo dục giúp học sinh tự chủ học tập, tự do trong sáng tạo và chủ động giải quyết vấn đề.
Giải thích cấu trúc về phần âm, chữ và vần, cô Phương Nga cho biết, giáo viên cần giúp học sinh khám phá việc đọc âm mới, đọc từ ngữ ứng dụng, viết âm mới; không nên đóng khung sự khám phá của trẻ khi các con tạo ra tiếng mới.
Ngoài ra, cuốn Tiếng Việt mới còn lồng ghép những nội dung về giáo dục phẩm chất đạo đức cho học sinh. Ví dụ như: lòng biết ơn, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, quyền con người (quyền được yêu thương, chăm sóc, quyền tự chủ, thể hiện cảm xúc…).
Cũng trong buổi tập huấn, các giáo viên khối 1 đã đặt cho hai chuyên gia nhiều câu hỏi về bộ SGK mới. Các cô đều đánh giá cao nội dung, thiết kế của bộ sách. Cô Lan Anh (PCN 1P3, 1P1) nhận xét: “SGK Toán, Tiếng Việt lớp 1 có nhiều hình ảnh sinh động, phong phú hơn và được in màu rất đẹp. Những hình ảnh đó rất quen thuộc, chắc chắn sẽ khiến học sinh tò mò, hứng thú hơn so với sách hiện hành. Hơn nữa, bộ sách mới đã giải quyết được những vấn đề đang vướng mắc trong việc dạy và học. Ví dụ, giải toán có lời văn đã được thay đổi, giúp học sinh dễ dàng làm bài hơn. Ngoài ra, còn có rất nhiều dạng bài hay, chẳng hạn như tìm vần trong từ, dạy trẻ cách tư duy logic…”.
Kết thúc buổi tập huấn, hai chuyên gia bày tỏ: “Cảm ơn thầy Hiệu trưởng đã là cầu nối giúp chúng tôi được trao đổi trực tiếp với các giáo viên của trường! Chúng tôi luôn sẵn sàng cởi mở, chia sẻ với các thầy cô khi sử dụng bộ sách Toán, Tiếng Việt mới này”.