Đó là câu chuyện của Lại Hồng Toàn (CHS G, 09 - 13), hiện làm nghiên cứu sinh khoa học tại Pháp, đồng thời là nhạc sỹ sáng tác ca khúc “Thơm” do MCer Hồng Khanh thể hiện, gây “hot” trong giới trẻ gần đây.
Profile Nghệ danh: Lê Khánh Toàn Sở thích: hát, sáng tác nhạc, ham tìm hiểu Châm ngôn sống: “Hãy làm nghệ thuật một cách khoa học và làm khoa học với nhiều ước mơ” Thành tích: giành học bổng toàn phần hệ Cử nhân và Thạc sỹ ngành Sinh học tế bào, Sinh trưởng học và Tế bào gốc tại ĐH Sorbonne (Paris, Pháp). Hiện anh chuẩn bị làm nghiên cứu Tiến sỹ về di truyền phân tử trong ung thư tại Viện nghiên cứu Gustave Roussy - viện nghiên cứu ung thư lớn nhất châu Âu. |
“Cháy” với đam mê
Cơ duyên nào khiến bạn trở thành người nghiên cứu khoa học?
Hồi nhỏ, mình có nhiều vấn đề về sức khỏe nên mơ ước trở thành bác sỹ. Nhưng càng lớn, mình nhận ra, nghiên cứu khoa học mới là gốc rễ của vấn đề khi đưa ra các số liệu thống kê, giải pháp hàn lâm và công nghệ đối với các khía cạnh của sức khỏe. Vì thế, đam mê nghiên cứu khoa học ngày càng được định hình rõ trong mình. Bước chuyển giao lớn trong sự nghiệp có thể kể đến của mình là năm lớp 8 khi xác định thi vào chuyên Sinh, trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên.
17 tuổi, mình rời Việt Nam sang Pháp học Cử nhân và Thạc sỹ ngành Sinh học phân tử và tế bào. Năm ấy, dù được tuyển thẳng vào khoa Y, ĐH Khoa học Tự nhiên nhưng mình vẫn tìm kiếm cơ hội du học. Vì thế, mình quyết định đi học tiếng Pháp vì sớm muộn gì cũng sử dụng trong quá trình học y. Tình cờ, giáo viên ngoại ngữ đã nộp hồ sơ của mình sang trường bên Pháp. Thật may mắn là mình nhận được học bổng toàn phần cho hệ đào tạo Cử nhân của ĐH Nimes, sau đó đến ĐH Montpellier và giờ là Thạc sỹ tại ĐH Sorbonne.
Bạn nhận được điều gì khi dấn thân vào nghiên cứu, đặc biệt là lĩnh vực ung thư - căn bệnh gây đau khổ cho rất nhiều người hiện nay?
Theo mình, giá trị nằm ngay trong bản chất của từng công việc. Nghiên cứu thỏa mãn cái tâm của bản thân. Mình khao khát được làm gì đó để giúp đỡ người bệnh bởi hiện nay, ung thư chưa chữa trị được. Hơn nữa, mình muốn truyền cho những bệnh nhân ung thư, cũng như thế hệ trẻ niềm tin về những điều tốt đẹp phía trước.
Vậy điều gì đã đưa bạn đến với con đường nghệ thuật?
Mình nghĩ do di truyền biểu sinh (epigenetics), nghĩa là tiếp xúc với môi trường bên ngoài. Hồi bé, nhạc Trịnh Công Sơn đã đưa mình vào giấc ngủ. Từ đó, mình rất mê nhạc Jazz, Bossa Nova, nhạc dân ca và các loại hình nghệ thuật đương đại…
Mình từng mày mò trên YouTube để học chơi guitar và tập tành hát hò. Lên lớp 10, mình bắt đầu viết nhạc giống như viết nhật ký. Có lẽ vì thích nghe nhiều thể loại nhạc nên khả năng cảm thụ âm nhạc của mình khá tốt. Nhưng mình bắt đầu chuyên nghiệp hoá việc sáng tác khoảng 3 năm nay. Rồi tới một ngày, mình nhận được nhiều lời phản hồi tích cực và ngỏ ý hợp tác nên thành duyên với sáng tác nhạc. Chính tình yêu âm nhạc đã đưa mình đến và giữ mình ở lại với nghệ thuật. Khi có tâm trạng, mình giải tỏa bằng cách viết nhạc. Ví dụ, lúc buồn, mình gửi gắm những tâm sự khó nói ra bằng lời qua những giai điệu, từ đó “refesh” bản thân.
Bạn có cho rằng, người làm khoa học và người làm nghệ thuật có tính cách xung đột nhau không?
Tất nhiên là có rồi nhưng mình luôn làm hai việc song song. Bởi nếu thiếu một trong hai, cuộc sống của mình sẽ bị mất cân bằng. Đối với mình, nếu nghệ thuật là trái tim thì nghiên cứu là bộ não. Làm nghệ thuật là để biết mình còn cảm xúc, biết yêu và được yêu. Hơn nữa, nghệ thuật khiến cuộc sống của mình đa dạng màu sắc, đồng thời là người bạn bên trong luôn biết lắng nghe, an ủi. Còn khoa học giúp mình sống có kỷ luật, trách nhiệm. Thực sự, khoa học và nghệ thuật gắn liền với cuộc sống của mình, góp phần hoàn thiện phiên bản Hồng Toàn một cách tốt nhất.
Trên con đường theo đuổi đam mê nghiên cứu và nghệ thuật, bạn từng gặp thất bại chứ?
Mình có thể tự tin nói rằng, mình chưa từng thất bại. Bởi với mình, chúng chỉ là những vấp ngã, là những bài học trong cuộc sống. Theo con mắt nghệ thuật, thất bại là một điều đẹp đẽ mà mình trải qua; còn theo khoa học, đó là cố gắng chưa đủ.
Bạn có thể “bật mí” dự định sắp tới của bản thân?
Mình hiện theo học bậc Tiến sỹ và cố gắng trở thành giáo sư đại học, đồng thời làm nghiên cứu đề tài của bản thân tại một phòng thí nghiệm. Bên cạnh đó, mình sẽ tìm kiếm những người trẻ có tài năng để hỗ trợ các bạn “cháy” hết mình trong âm nhạc. Mình đang cảm thấy rất an nhiên vì được là chính mình, được sống với khoa học, nghệ thuật và giúp đỡ những người xung quanh.
Niềm hạnh phúc ở MC
Những điều nào đọng lại trong trái tim của bạn khi nghĩ về mái trường MC?
Đó chính là sự đoàn kết của lớp G ngày ấy và “nàng thơ” của tuổi học trò. Hiện những người bạn của mình ở MC vẫn giữ liên lạc với nhau. Mỗi lần mình về Việt Nam, mọi người lại tụ họp, hàn huyên. Mình luôn tự hào là học sinh MC dù đi bất cứ đâu. Bởi MCer được đánh giá là linh hoạt trong công việc, đa tài và kiên định với đam mê. Hơn nữa, MC là nơi đã bao bọc, nuôi dưỡng mình.
Vậy nên, các em đang học dưới mái trường này hãy hun đúc những tình bạn thuần khiết nhất trong cuộc đời nhé! Nếu sự cố gắng của mình chưa được đền đáp xứng đáng thì đừng bi quan mà từ bỏ. Rồi sau này, các em sẽ nhận ra, khoảng thời gian ở MC thật đẹp và đáng nhớ mà không có sự hối tiếc nào. Do đó, hãy sống những năm tháng tươi đẹp tại đây!
Rất nhiều bạn bối rối, lo lắng, thậm chí không dám sống với đam mê của bản thân hoặc loay hoay chưa tìm được ngành nghề yêu thích để theo đuổi. Vậy bạn có lời khuyên nào dành cho họ?
Năm 2018, mình thực tập tại một công ty “spin-off” từ phòng thí nghiệm của ông Jean Dausset - người đoạt giải Nobel Y học năm 1980. Người sếp của mình đã chia sẻ rằng, nếu chưa thấu hiểu thì chưa được quyền nói thích hay không. Vì thế, với các bạn đã tìm được đam mê, điều đầu tiên cần làm là thử sức với nó một cách thật chậm rãi. Bởi đam mê phải đi kèm năng lực. Khi đã xác định được đam mê và năng lực thì cần nghiêm túc theo đuổi. Còn bạn nào đang loay hoay tìm kiếm thì hãy đi chậm lại, dành thời gian thử nghiệm, luôn đặt câu hỏi và xác định với những khó khăn đang chờ ở phía trước, liệu bản thân có vượt qua được không.