Trong tháng hoạt động hè, các MCer được tham gia nhiều chương trình ngoại khóa nhằm nâng cao kỹ năng sinh tồn. Trong đó, tiết học “Sơ cứu và phòng chống một số tai nạn thương tích” đã mang tới cho các bạn vô vàn kiến thức bổ ích.
Ngay khi chương trình bắt đầu, các bạn chăm chú lắng nghe các cán bộ y tế hướng dẫn. Rất nhiều tai nạn hàng ngày được đưa ra như: say nóng, say nắng, bỏng, chấn thương nhẹ ngoài da - bong gân, giãn cơ - gãy xương, trật khớp, cấp cứu ngừng hô hấp, ngừng tuần hoàn... Ở mỗi trường hợp, các cô đều nêu rõ biểu hiện đặc trưng, cách xử lý và phòng chống…
Để các bạn dễ hình dung và ghi nhớ kiến thức, các cô đã liên hệ với những ví dụ gần gũi thường ngày. Sau đó, các bạn được chia thành nhiều nhóm thực hành. Khi nhìn thấy dụng cụ y tế, các bạn nhanh chóng thay phiên nhau vào vai “nạn nhân”, “bác sĩ”, “y tá” để thực hiện việc sơ cứu. Không chỉ các bạn nữ mà các bạn nam cũng rất khéo léo xử lý những vết thương.
Đặc biệt, trong phần cấp cứu ngừng hô hấp, các bạn được thực hành trên mô hình và nghe hướng dẫn cách đặt tay ở vị trí như thế nào để lực ấn đủ mạnh, hiệu quả.
Diệp Anh (6A) cho hay: “Các kiến thức về sơ cứu thực sự cần thiết và hữu ích. Ví dụ: khi mới đi từ ngoài nắng về nhà và bị ra nhiều mồ hôi, cần tránh tắm nước lạnh, đổ nước từ đỉnh đầu xuống, để điều hòa lạnh, quạt hướng thẳng vào người… Ngoài ra, cần uống đủ nước, bổ sung dinh dưỡng từ rau, củ, quả và uống bổ sung dung dịch bù nước, điện giải. Không chỉ vậy, việc thực hành cách ép tim khiến mình cảm thấy tự tin hơn để trợ giúp người khác trong tình huống cấp bách”.
Chí Trung, Lê Quang (7A) nói: “Các cô Y tế hướng dẫn rất nhiệt tình để chúng mình có thể thực hiện được các thao tác cơ bản như: bôi thuốc sát trùng, dùng băng nén/băng cuộn băng bó vết thương sao cho không quá chặt, cũng không quá lỏng để tránh bị tuột, gây nhiễm trùng.
Khi thấy nạn nhân bất tỉnh, chúng mình cần bình tĩnh xem xét. Nếu họ còn thở thì nhẹ nhàng đặt nằm nghiêng, còn không thì hô hào người giúp rồi tiến hành hô hấp nhân tạo. Cách ép tim đúng, xử lý kịp thời rất quan trọng vì liên quan tới tính mạng. Buổi học này thực sự rất thiết thực và bổ ích”.
Gia Nghi (5H2) hào hứng chia sẻ: "Tớ rất vui vì được thực hành. Nhờ đó, tớ biết thêm kỹ năng sơ cứu cần thiết khi không may gặp tai nạn hàng ngày. Tớ cũng sẽ ghi nhớ thật kỹ cách xử trí và phòng tránh khi bị hóc dị vật. Nhà bạn nào có em bé thì đây là kiến thức rất quan trọng. Nếu bị hóc dị vật mà không được xử lý ngay thì sẽ rất nguy hiểm".
Cô Phạm Hiền (GVCN 5H2) cho biết: "Tiết trải nghiệm “Sơ cứu y tế” thực sự cần thiết, gần gũi và ý nghĩa. Tiết học mang tính thực tế với các bạn nhỏ, nhất là khi được nghỉ hè, thường về quê hoặc ở nhà một mình. Ngay khi nghe cô giới thiệu về chủ đề, các con rất hào hứng và tò mò muốn tham gia giờ học. Các con chăm chú nghe cán bộ y tế hướng dẫn và tích cực thực hành".