Sáng 3/7, các MCer khối THCS - Văn Phú đã tới thăm Bảo tàng Hà Nội và được tận mắt ngắm nhìn nhiều hiện vật, cổ vật quý. Đồng thời, các bạn được lắng nghe phần thuyết minh đầy hấp dẫn, từ đó tăng thêm vốn hiểu biết về lịch sử của mảnh đất Thủ đô.
Các bạn đã ồ lên ngạc nhiên khi chiêm ngưỡng bức thêu tay rất đẹp và tinh xảo về một đầm sen trắng tinh khiết, xa xa phía trên là phố cổ, bên trái là mái đình cong vút. Đặc biệt, các “cư dân” MC trầm trồ khi cô hướng dẫn viên “bật mí” rằng, bức tranh dài 4m, rộng 3m, nặng 167,5kg đã được 10 nghệ nhân thực hiện miệt mài trong 1.000 ngày để chào mừng 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.
Không chỉ vậy, hình ảnh 3D sinh động về rồng thời Lý bay lơ lửng trong không gian, mô hình đầu rồng đất nung hay phần đánh trống đồng để nghe tiếng vọng từ ngàn xưa cũng rất thu hút sự chú ý của các bạn.
Bên cạnh đó, các MCer được dẫn đi khám phá một vòng không gian xưa thông qua mô hình trưng bày phòng khách với sập gụ, tủ chè, bàn gỗ cổ... được chạm khắc tỉ mỉ, sáng tạo. Tinh hoa làng nghề cũng hiện lên đầy thú vị trước mắt các cô, cậu học trò khi tham quan gian hàng tơ lụa, các sản phẩm thủ công được "ra đời" dưới bàn tay khéo léo, điêu luyện của các nghệ nhân. Ví dụ: những chiếc sừng trâu, bò thô cứng được mài giũa sáng bóng thành vòng tay, lược chải, thìa; đất sét, cao lanh được nhào nặn thành những món đồ mang nét đặc trưng riêng…
Phương Diễn, Ngân Khánh (6A) nói: "Chuyến tham quan thật thú vị, giúp chúng mình “vỡ” ra nhiều điều hay. Các cô hướng dẫn nói rất hay, truyền cảm. Chúng mình ấn tượng với bức tranh thêu tay khổng lồ với nhiều chi tiết đẹp, ẩn chứa những thông điệp sâu sắc: con đường chia đôi đầm sen mang hình chữ S giống như cánh cung hướng ra biển Đông, thể hiện sự tri ân với thế hệ trước.Chúng mình cũng hiểu hơn nét văn hoá xưa thông qua việc quan sát cách bài trí, thú vui tao nhã của người Hà Nội xưa hay cách chọn mâm ngũ quả bày trên bàn thờ như thế nào để thể hiện sự sum vầy, đoàn kết, hạnh phúc...".
"Tớ học được nhiều điều thú vị sau chuyến đi: cờ mặt trời, rồng từ các triều đại, tác phẩm ước nguyện ngàn năm Thăng Long, lát cắt không gian rừng Ba Vì…; đặc biệt là những kiến thức lôi cuốn về trống đồng Cổ Loa hay chiến thắng Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không. Thông qua chuyến tham quan, tớ càng thấy yêu và tự hào về quê hương Việt Nam", Bảo An (6C) chia sẻ.
Cô Trịnh Huế (GVCN 6C) cho biết: "Chuyến đi đã mang lịch sử đến gần hơn với các con khi tận mắt nhìn ngắm, lắng nghe câu chuyện về các hiện vật, hòa mình vào không gian văn hoá được tái hiện ở Bảo tàng Hà Nội. Các bạn nhỏ đã lắng nghe, ghi chép các thông tin rất say sưa. Đây là cách học lịch sử theo hướng mở, rất thú vị khi kích thích niềm hứng thú, nuôi dưỡng tình yêu với lịch sử của gen Z".