Trong tiết học về phòng, chống và ứng phó với bạo lực học đường (BLHĐ), các MCer 6 hiểu rõ hơn khái niệm, các hình thức BLHĐ, cũng như thấu hiểu tâm lý của người gây ra bạo lực, người bị bạo hành. Đặc biệt, các bạn học được cách xử lý mâu thuẫn sao cho ổn thỏa.
Bằng những câu chuyện thiết thực cùng cách truyền đạt sâu lắng, các thầy cô phòng Tham vấn học đường đã mang đến tiết học thật thú vị, bổ ích. Các bạn nhận thức rõ rằng, BLHĐ là hành vi ngược đãi, đánh đập làm tổn hại sức khỏe, thân thể; sỉ nhục, lăng mạ tới danh dự và nhân phẩm; cũng như tẩy chay, cô lập, ruồng rẫy.
Bên cạnh bạo lực thể chất, còn rất nhiều hình thức BLHĐ khác như: bạo lực bằng lời nói, bằng lực qua mạng Internet hay bạo lực bằng các mối quan hệ (xã hội)...
Với những phân tích về tâm lý của người gây ra bạo lực và người bị bạo lực, các bạn đã biết cách xử lý mâu thuẫn sao cho khéo léo và êm đẹp. Để khuấy động không khí, tăng hứng thú cho tiết học, thầy cô còn kết hợp các minigame như: Đuổi hình bắt chữ, xem kịch ứng tác, nhìn hành động đoán từ khóa...
Ngoài cung cấp các kiến thức và kỹ năng cần thiết, thầy cô còn khích lệ các bạn tăng tinh thần đoàn kết, yêu mến, giúp đỡ nhau để cùng xây dựng lớp học an toàn, trường học thân thiện. “Mình yêu thương, mình hạnh phúc, mình an toàn” là thông điệp mà thầy cô muốn các bạn ghi nhớ.
Hạnh Lâm (6M5) cho biết: “Mình thấy kiến thức về BLHĐ rất cần thiết và quan trọng, nhất là với những bạn mới chuyển cấp, còn nhiều bỡ ngỡ như mình. Hành động cả nhóm quây lại, bắt nạt một bạn nào đó thực sự rất phản cảm và sẽ khiến các bạn khác có tâm lý lo sợ. Còn bạn bị bắt nạt sẽ tự ti, cô đơn, căng thẳng, từ đó ảnh hưởng tới kết quả học tập”.
“Nhờ tiết học, chúng mình hiểu, nếu né tránh thì bạo lực vẫn tiếp diễn; nếu đối chọi thì bạo lực sẽ nặng nề hơn. Bạo lực có thể chấm dứt khi chúng ta biết trao đổi, tìm kiếm sự hỗ trợ. Các cách giải quyết mà thầy cô đưa ra rất hay và bổ ích. Chúng mình mong mỗi ngày đến trường là một ngày vui, không phải lo sợ vì những chuyện không đáng có”, Minh Quang, Bảo Long (6I5) chia sẻ.