Chiều 20/1, phòng Tham vấn học đường MC (TVHĐ) đã tổ chức toạ đàm “Viết lên hy vọng” với mục tiêu cùng thầy cô giáo tìm thêm các phương pháp, kỹ thuật để truyền động lực và tương tác hiệu quả với học sinh.
Theo cô Đỗ Trang (Trưởng phòng TVHĐ), chủ đề đó được lấy cảm hứng từ cuốn sách cùng tên, đã làm “rung chuyển” nền giáo dục Mỹ với những trang nhật ký xúc động viết bởi những học sinh từng bị coi là cá biệt. “Chúng tôi tổ chức chương trình với mong muốn mỗi thầy cô MC sẽ là người viết lên hy vọng của học trò”, cô cho biết.
Trong buổi toạ đàm, phòng TVHĐ đã diễn một vở kịch sống động, kịch tính về một học sinh cá biệt, có những hành động, lời nói chưa đúng mực với giáo viên, khiến các bạn khác mất tập trung, lớp học trở nên bất ổn…
Thầy cô MC đã tham gia xử lý tình huống ấy bằng kinh nghiệm đứng lớp. Sau đó, các chuyên gia tâm lý cùng thầy cô “mổ xẻ” vấn đề để có phương pháp tương tác hiệu quả nhất với học sinh.
Cô Trịnh Huế (GVCN 7P4) nói: “Câu hỏi mang tính gợi mở đầu chương trình: “Khó khăn trong việc quản lý lớp học của thầy cô là gì?” đã chạm được nút giao cảm xúc, khiến buổi chia sẻ cởi mở, thân thiện hơn. Sau khi nghe chia sẻ, tôi đã tìm được sự kết nối trong mình. Đó là thấu hiểu và yêu thương đúng cách.
Buổi toạ đàm đã giúp thầy cô có kỹ thuật, chiến lược chuyển dịch, gỡ rối những vấn đề tâm lý của từng đối tượng học trò. Mỗi đứa trẻ có một thế giới nội tâm riêng. Khi ta kích hoạt và “bẻ khoá” được thế giới ấy bằng những phương pháp phù hợp thì sẽ dễ làm “bạn” của trò.
Kỹ thuật khích lệ được cung cấp trong chương trình càng khiến tôi vững tin vào mục tiêu xây dựng lớp học tích cực mà tôi đang thực hiện: dạy học tích cực, kỷ luật tích cực, động lực tích cực… Sau buổi chia sẻ, tôi sẽ tiếp tục thực hành phương pháp ấy. Bởi mỗi lời khích lệ chân thành sẽ giúp “đánh thức” những cảm xúc tích cực lớn lên từng ngày và “nở hoa””.
Cô Thu Hà (GVCN 7G7) cho biết: “Chương trình vô cùng thiết thực từ nội dung đến cách truyền tải thông điệp. Điều tôi ấn tượng nhất là bản tổng hợp những kiểu học sinh thường gặp và sự thể hiện của các em ấy trong lớp. Hoá ra, đó là những cơ chế, cách thể hiện cá nhân của các em. Hiểu được như vậy thì việc chấp nhận và tìm cách hoà nhịp với các em sẽ dễ dàng hơn nhiều.
Ngoài ra, tôi còn được hướng dẫn những kỹ thuật nhằm giao tiếp hiệu quả và cải thiện hành vi của học sinh. Tôi rất tâm đắc với phương pháp “Thay vì chỉ nhổ cỏ dại, hãy trồng nhiều hoa!”. Theo đó, tôi sẽ tập trung nhiều thời gian hơn vào việc chăm sóc những “hạt giống tốt đẹp” ở học trò”.