Không chỉ là gần 1,5 tỉ đồng cho 1 năm học
"Cơ duyên" bắt đầu bằng một nghĩa cử của trường Marie Curie (Hà Nội) khi nhà trường chủ động liên hệ, tặng sách giáo khoa và rất nhiều sách truyện, đồ dùng học tập cho một số trường khó khăn ở huyện Mèo Vạc (Hà Giang).
Sau những lần gặp gỡ, trao đổi và trở nên thân tình, lãnh đạo Phòng GD-ĐT huyện Mèo Vạc chia sẻ với thầy Nguyễn Xuân Khang (Hiệu trưởng trường Marie Curie) về vấn đề bức thiết mà ngành giáo dục huyện đang phải đối mặt. Đó là việc thiếu giáo viên dạy Tiếng Anh trầm trọng ở huyện này. Trong khi bắt đầu từ năm học 2022 - 2023, cả nước thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới đến lớp 3, bắt buộc học sinh phải được học 4 tiết Tiếng Anh/tuần.
Học sinh huyện Mèo Vạc trong giờ học Tiếng Anh trực tuyến với giáo viên trường Marie Curie (Hà Nội)
Ông Bùi Văn Thư (Trưởng phòng GD-ĐT huyện Mèo Vạc) cho biết, năm học 2022 - 2023, toàn huyện có 2.609 học sinh với 76 lớp 3. Tuy nhiên, hiện Mèo Vạc chỉ có 25 giáo viên dạy Tiếng Anh, trong đó duy nhất 1 giáo viên Tiếng Anh cấp Tiểu học.
Trong khi đó, số lượng giáo viên Tiếng Anh ở cấp THCS cũng chưa đáp ứng nhu cầu. Huyện cũng lên kế hoạch bố trí 1 - 2 giáo viên dạy trực tuyến đến 76 điểm cầu cùng thời điểm. Tuy nhiên, phương án này bộc lộ nhiều hạn chế.
Biết Tiếng Anh là môn học thế mạnh, được đầu tư ở trường Marie Curie, Trưởng Phòng GD-ĐT huyện Mèo Vạc đề nghị trường Marie Curie hỗ trợ dạy trực tuyến 3 tiết/tuần từ điểm cầu Hà Nội, 1 tiết còn lại do các thầy cô huyện Mèo Vạc phụ trách.
Theo tính toán, với 3 tiết/tuần/lớp x 35 tuần thực học x 76 lớp, trường Marie Curie sẽ hỗ trợ dạy trực tuyến cho tất cả trường học ở huyện Mèo Vạc là 7.980 tiết/năm học. Kinh phí cho việc trả lương giáo viên ở trường Marie Curie là 160.000đ/tiết, với 7.980 tiết sẽ cần 1,276 tỉ đồng.
Dự kiến tổng kinh phí để giúp dạy tiếng Anh cho học sinh lớp 3 của huyện Mèo Vạc sẽ khoảng gần 1,5 tỉ đồng cho riêng năm học 2022 - 2023.
Nếu nhận lời, không chỉ vấn đề kinh phí, trường Marie Curie sẽ phải thêm nhiều việc khi chịu trách nhiệm về đội ngũ giáo viên, quản lý để đảm bảo dạy đúng, dạy có chất lượng số tiết theo quy định.
"Nhận lời rồi tôi lo đến mất ngủ mấy đêm"
Trao đổi với phóng viên Thanh Niên, thầy Nguyễn Xuân Khang (Hiệu trưởng trường Marie Curie) chia sẻ: “Nghe đề xuất của lãnh đạo huyện Mèo Vạc, ý nghĩ đầu tiên của tôi là cần giúp nhưng đây là việc khó khăn, phức tạp nên vẫn băn khoăn: nhận lời hay không? Sau khi quyết định nhận lời thì lo đến mất ngủ mấy đêm liền, không biết có làm được không và hiệu quả thế nào, chứ không chỉ giúp cho có đủ tiết dạy theo quy định...”.
Thầy Hiệu trưởng trường Marie Curie xác định dù trợ giúp nhưng cần nghiêm túc ngay từ đầu
Thầy Khang nhấn mạnh, đây là một việc làm rất nghiêm túc. Cho dù là trợ giúp nhưng là công việc dạy học chính khoá, không như dạy “bổ túc”, “xoá mù”… Thái độ của người tổ chức, người thực hiện cần được xác định ngay từ đầu. Dù phòng GD-ĐT huyện đề xuất có thể cùng một lúc, một giáo viên dạy trực tuyến cho một cụm 5 - 6 lớp.
"Nhưng, tôi và tổ Anh ngữ của trường họp, không đồng ý phương án này vì mấy lý do: chất lượng không tốt, nếu dạy một lúc quá nhiều học sinh thì sự tương tác với học sinh sẽ rất hạn chế; lứa tuổi lớp 3 còn nhỏ, chưa học tiếng Anh bao giờ nên khả năng tập trung kém… Vì vậy, chúng tôi quyết định phải dạy riêng từng lớp cho dù số lượng giáo viên phải nhiều, khối lượng công việc lớn", thầy Khang cho hay.
Ngay sau đó, thầy Khang quyết định tuyển riêng giáo viên dạy Tiếng Anh cho huyện Mèo Vạc, thay vì sử dụng đội ngũ hiện có. Trường Marie Curie thông báo tuyển dụng giáo viên tham gia “dự án cộng đồng - giảng dạy trực tuyến ngoại ngữ cho học sinh ở huyện Mèo Vạc”.
Dù thời điểm thông báo tuyển dụng ngay sát ngày Khai giảng nhưng kết quả vẫn vượt mong đợi khi nhiều ứng cử viên dự tuyển.
Khi biết tin, có một số người Việt Nam đang sinh sống ở nước ngoài cũng ngỏ ý sẵn sàng tham gia giúp sức mà không quan tâm đến thù lao. Tuy nhiên, dự án ưu tiên tuyển người trực tiếp làm việc tại Hà Nội và trả đủ kinh phí theo số giờ dạy để đảm bảo người trực tiếp giảng dạy có trách nhiệm và quyền lợi tương xứng.
Sau rà soát hồ sơ, phỏng vấn, tổ chức dạy thử…, trường Marie Curie tuyển được 20 người có đủ điều kiện tham gia. Trong bức thư gửi các thầy cô tham gia dự án cộng đồng này, thầy Khang viết: “Chúng tôi xác định, đây là một việc không dễ dàng nhưng đã vào cuộc thì phải vượt qua mọi khó khăn để có kết quả tốt nhất… Hy vọng với “ngọn lửa nồng nàn trong tim”, chúng ta sẽ có một năm học thành công, để lại dấu ấn sâu sắc trong sự nghiệp giáo dục của mỗi người”.
Chỉ trong vòng 2 tuần trước khai giảng năm học mới, công tác chuẩn bị đã được thực hiện gấp rút nhưng chu đáo, từ phòng học, thiết bị máy móc, tuyển dụng, tập huấn giáo viên, liên hệ các trường lập thời khóa biểu, chuyển sách giáo khoa, tài liệu học tập, kiểm tra đường truyền…
Không có cảm giác gì là "dạy hộ"
Ngày 9/9, những tiết dạy thử đầu tiên đã được thực hiện khá suôn sẻ. Ngày 12/9, việc dạy - học tiếng Anh trực tuyến nối từ điểm cầu trường Marie Curie đến các trường học xa xôi của huyện Mèo Vạc chính thức bắt đầu.
Giáo viên ở điểm cầu trường Marie Curie giới thiệu môn học với học sinh ở Mèo Vạc qua giờ học trực tuyến
Cô Hồng Nhung đảm nhận dạy tại trường Tiểu học Khâu Vai cho biết, không khí buổi học hào hứng, các học sinh rất nhiệt tình tham gia. Khác với học sinh ở Hà Nội, được học tiếng Anh từ khi còn học Mẫu giáo, học sinh lớp 3 ở Mèo Vạc lần đầu tiếp cận với tiếng Anh. Vì vậy, cô Nhung phải dành thời gian hướng dẫn thật kỹ, nhắc lại các câu khẩu lệnh đơn giản nhiều lần, thật chậm để các con bắt kịp, hào hứng theo dõi bài học.
“Việc dạy trực tuyến khó khăn hơn trực tiếp do liên quan tới tín hiệu đường truyền, hạn chế tương tác... nhưng mình rất hy vọng, dự án thành công để giúp được các em học sinh vùng cao học tiếng Anh hiệu quả hơn”, cô Hồng Nhung chia sẻ.
Vì dạy trực tuyến có nhiều hạn chế nên đòi hỏi các thầy cô phải xây dựng bài giảng hấp dẫn, có phương pháp truyền đạt phù hợp để lôi cuốn học trò. Cô Huyền Mai phụ trách trường Tiểu học Lũng Pù nói rằng, việc dạy tiếng Anh cho học sinh Tiểu học, lại ở miền núi không đơn giản. Dù có sách giáo khoa, phần mềm nhưng cô vẫn cần chuẩn bị bài giảng trước 1 tuần.
Cô Huyền Mai chia sẻ cách làm như: lồng ghép nhiều tranh, ảnh cho sinh động; sử dụng từ ngữ dễ hiểu, phù hợp với khả năng của các con; tăng cường các hoạt động tương tác với học sinh. “Buổi dạy thử diễn ra khá suôn sẻ, tôi đã có trải nghiệm khó quên trong đời”, cô Mai nói.
Ở “điểm cầu” huyện Mèo Vạc, chia sẻ với phóng viên Thanh Niên, thầy Cao Duy Chương (Hiệu trưởng trường Tiểu học Sủng Mán) cho biết, năm nay, trường có 2 lớp 3 với 77 học sinh. Do không có giáo viên dạy tiếng Anh nên từ lớp 1, các em không hề được học môn này như môn học tự chọn giống các trường ở miền xuôi; tuần vừa qua là những tiết học đầu tiên mà các em được làm quen với tiếng Anh.
“Do vậy, không chỉ các em háo hức mà cả Ban giám hiệu và các giáo viên chủ nhiệm cũng tham gia vào giờ học và hồi hộp không kém”, thầy Chương nói.
Thầy Chương cho biết: “Giáo viên dự giờ, thấy học sinh hào hứng với môn học mới mẻ, thấy các giáo viên trẻ ở Hà Nội say sưa, nhiệt huyết tìm mọi cách dạy thật hấp dẫn, dễ hiểu cho các em mà chúng tôi rất cảm động. Không hề có cảm giác gì là dạy hộ, cũng không có khoảng cách nào giữa các thầy cô ở Thủ đô với học sinh dân tộc ở nơi xa xôi này".
Thầy Nguyễn Thanh Sơn (Hiệu trưởng trường Tiểu học Thượng Phùng) cho biết, trường có tới 200 học sinh với 5 lớp 3, nghĩa là mỗi tuần sẽ phải có tối thiểu 20 tiết Tiếng Anh, trong khi nhà trường không có bất cứ 1 giáo viên nào cho môn học này. Do vậy, sự giúp đỡ dạy tới 3/4 số tiết học của trường Marie Curie thực sự quý giá trong bối cảnh nhà trường chưa biết xoay xở thế nào.
Theo thầy Sơn, với cách làm đã được thống nhất trong toàn huyện, đến giờ học Tiếng Anh trực tuyến, ở các “điểm cầu” tại trường học Mèo Vạc sẽ có giáo viên chủ nhiệm của từng lớp tham gia hỗ trợ với giáo viên ở điểm cầu trường Marie Curie, kịp thời nhắc nhở, động viên, giúp đỡ học sinh khi cần thiết.
Thầy trò ở Mèo Vạc cảm nhận được sự tận tụy, thân thiện của giáo viên ở trường Marie Curie dù dạy trực tuyến cho học sinh không phải của trường mình
Thầy Sơn cũng cho hay, chỉ qua vài tiết học đầu tiên nhưng thầy trò ở trường học Mèo Vạc đã cảm nhận được sự tận tâm, thân thiện của các thầy cô ở trường Marie Curie. Họ như đang nỗ lực dạy cho chính học sinh của mình. Dù có những khó khăn đặc thù về hình thức dạy trực tuyến, máy móc, thiết bị, đường truyền… nhưng theo các thầy cô ở Mèo Vạc, quan trọng nhất là học sinh được hưởng thụ những giờ học có chất lượng mà rất vui.
Bản thân giáo viên chủ nhiệm, giáo viên Tiếng Anh tại địa phương khi chịu trách nhiệm hỗ trợ học sinh trong giờ học Tiếng Anh cũng cho biết, họ rất mừng vì đây là cơ hội để học ngôn ngữ mới, học hỏi kinh nghiệm, phương pháp giảng dạy của đồng nghiệp ở nơi có điều kiện rất tốt về dạy môn học này.
Ngoài 3 tiết học tiếng Anh trực tuyến với thầy cô ở Hà Nội, 1 tiết còn lại trong tuần sẽ do giáo viên môn học này của trường THCS trên cùng địa bàn xã, thị trấn, xuống trường Tiểu học đảm nhiệm theo hình thức trực tiếp.
Giáo viên tại địa phương cũng sẽ chịu trách nhiệm phối hợp với giáo viên ở Hà Nội ra đề, kiểm tra, đánh giá và cho điểm học sinh ở các bài kiểm tra thường xuyên và định kỳ theo quy định của Bộ GD-ĐT.
Cần “lửa ở trong tim” “Đến giờ, tôi đã bớt lo nhiều rồi. Những khó khăn ban đầu, chúng tôi đã vượt qua. Trong thư ngỏ gửi các thầy cô tham gia dự án, tôi nói đến “ngọn lửa nồng nàn trong tim” nhưng trước hết phải là trong tim của chính tôi và tôi muốn những người đồng hành cũng phải có “lửa trong tim”. Tôi có niềm tin sẽ có kết quả tốt đẹp vào cuối năm học...” Thầy Nguyễn Xuân Khang (Hiệu trưởng trường Marie Curie, Hà Nội) |
Trăn trở về nguồn tuyển giáo viên ở miền núi
Thầy Cao Duy Chương nêu thực tế: dù đã nỗ lực nhưng việc tuyển giáo viên ở trường rất khó khăn, dù thông báo tuyển dụng cả mấy năm nay nhưng vẫn không tuyển được. Người ứng tuyển thì không đủ điều kiện theo quy định. Dù mức lương hợp đồng giáo viên Tiếng Anh cũng được nâng cao hơn môn khác 2 triệu đồng, khoảng 8 triệu đồng/tháng nhưng vẫn không tuyển được.
Theo thầy Chương, cách đây vài năm cũng có giáo viên hợp đồng dạy môn Tiếng Anh nhưng sau một thời gian ngắn làm việc, do không chịu được điều kiện làm việc ở nơi quá xa và khó khăn nên giáo viên này đã xin chấm dứt hợp đồng.
Dù khẳng định sự hỗ trợ kịp thời, quý báu của trường Marie Curie nhưng lãnh đạo các trường học ở Mèo Vạc cũng cho rằng, không thể đòi hỏi sự hỗ trợ lâu dài mà chỉ nên coi đây là giải pháp trước mắt, trong lúc “nước sôi, lửa bỏng”. Tỉnh và huyện cần có giải pháp ưu tiên tuyển giáo viên cho những môn học còn thiếu trầm trọng để đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục phổ thông trong thời gian tới.
Báo cáo của Sở GD-ĐT Hà Giang, để dạy tiếng Anh bắt buộc từ lớp 3, toàn tỉnh thiếu 93 giáo viên cho năm học này. Dù có chỉ tiêu và thông báo tuyển dụng nhưng khó khăn lớn nhất là không có nguồn tuyển cho môn Tin học và Ngoại ngữ.
Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học lên Mèo Vạc dự giờ, mong mô hình được lan tỏa
Những ngày trung tuần tháng 9 vừa qua, ông Thái Văn Tài (Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học, Bộ GD-ĐT) đã dẫn đầu đoàn công tác của Bộ GD-ĐT, dành 4 ngày lên Hà Giang, trực tiếp tới một số trường xa nhất của Mèo Vạc để dự giờ một số tiết học Tiếng Anh do trường Marie Curie hỗ trợ giảng dạy.
Trao đổi với phóng viên Thanh Niên sau chuyến công tác, ông Thái Văn Tài đặc biệt trân trọng và đánh giá rất cao sự hỗ trợ, tinh thần vì cộng đồng của trường Marie Curie và cho rằng, qua dự giờ, trực tiếp trao đổi với thầy trò ở cả 2 điểm cầu thì thấy học sinh Mèo Vạc đã có may mắn được học những giáo viên có trình độ, chuyên môn rất cao, rất tâm huyết với công việc này.
"Trao đổi với giáo viên ở điểm cầu trường Marie Curie, tôi rất vui khi biết họ mong muốn sẽ những đợt sinh hoạt chuyên môn để lên trường học ở Mèo Vạc, giao lưu trực tiếp với thầy trò ở đây", ông Tài nói.
Về phía huyện Mèo Vạc, Vụ trưởng Thái Văn Tài cho rằng, địa phương đã rất nỗ lực tuyển giáo viên nhưng do khó khăn về nguồn tuyển nên trong lúc khó khăn đã rất linh hoạt tìm kiếm sự giúp đỡ của cộng đồng, cụ thể ở đây là trường Marie Curie.
Sau khi được trường bạn nhận lời, UBND huyện đã gấp rút đầu tư, trang bị các thiết bị cần thiết để đảm bảo việc dạy học trực tuyến diễn ra hiệu quả, chất lượng nhất.
Ông Tài cũng cho hay, nhiều địa phương có các biện pháp khác nhau để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên như: điều động, biệt phái giáo viên từ vùng thuận lợi này sang vùng khó, từ trường này sang trường khác...
Tuy nhiên, việc một trường học ở Hà Nội giúp đảm nhiệm dạy môn học chính khóa cho cả một huyện ở tỉnh khác theo cách rất bài bản như vậy thì đây là lần đầu tiên Bộ GD-ĐT ghi nhận.
Những giờ học khiến học sinh hào hứng dù không phải trực tiếp
"Do vậy, chúng tôi rất trân trọng sự đồng hành cùng ngành giáo dục, địa phương vùng khó của trường Marie Curie", ông Tài chia sẻ.
Ông Tài cho rằng, hình thức dạy học này không khác biệt nhiều so với hình thức dạy học trực tiếp, học sinh tham gia rất hào hứng, tự nhiên vì các em được tương tác với giáo viên, tương tác với bạn bè trong lớp học, chứ không phải mỗi em ngồi tại nhà học trực tuyến như trong bối cảnh dịch bệnh.
Vụ trưởng Thái Văn Tài cũng thông tin, qua buổi làm việc, đoàn công tác của Bộ đã yêu cầu, sắp tới, Sở GD-ĐT Hà Giang và Phòng GD-ĐT Mèo Vạc cần có thêm những văn bản hướng dẫn, phân định rõ trách nhiệm của các nhà trường, giáo viên chủ nhiệm lớp, giáo viên Tiếng Anh của địa phương trong việc giảng dạy, hỗ trợ, kiểm tra đánh giá thường xuyên, đánh giá định kỳ, đảm bảo đúng quy định của Bộ GD-ĐT. Bên cạnh đó, tiếp tục nỗ lực tìm các giải pháp để tuyển dụng giáo viên.
Nói về tình trạng thiếu giáo viên dạy Tiếng Anh, Tin học cho học sinh lớp 3 trên cả nước hiện nay, Vụ trưởng Thái Văn Tài chia sẻ khó khăn khách quan của nhiều địa phương, một số nơi đã rất cố gắng nhưng vẫn gặp khó khăn trong việc chuẩn bị đội ngũ.
Do vậy, ông Tài cho rằng, cách làm của trường Marie Curie trong việc hỗ trợ các trường rất khó khăn, thiếu thốn về giáo viên ở vùng sâu, vùng xa có thể được lan tỏa để mô hình “trường giúp trường”, trường học có điều kiện giúp đỡ trường khó khăn sẽ được nhân lên như một giải pháp tình thế nhưng đặc biệt có ý nghĩa trong bối cảnh nhiều nơi còn thiếu cả giáo viên mà chưa thể tuyển dụng ngay.
Để tránh tình trạng bị động, ông Thái Văn Tài cho hay, Bộ cũng yêu cầu các địa phương phải thực hiện các giải pháp để đảm bảo đội ngũ giáo viên Tiếng Anh, Tin học dạy Tiểu học lớp 4 cho năm học 2023 - 2024; xác định lộ trình cụ thể để bố trí đủ giáo viên (tuyển dụng, ký hợp đồng lao động, hợp đồng thỉnh giảng, biệt phái); chủ động nguồn tuyển dụng giáo viên thông qua hình thức đặt hàng, đào tạo mới, đào tạo liên thông; đào tạo nâng trình độ chuẩn và một số giải pháp khác phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương...
Theo Thanh niên
(https://thanhnien.vn/thieu-giao-vien-tieng-anh-mot-truong-ha-noi-cuu-nguy-gan-20-truong-o-meo-vac)