Từ “Một mẩu rừng cho bạn” đến trồng xong 2 vạn cây xanh của thầy trò Marie Curie

Hi vọng nhờ có sự trợ lực của Trường Marie Curie sẽ giúp bảo vệ nguồn nước, bảo vệ đất, chống hiện tượng xói mòn, sạt lở, lũ quét... tại Mèo Vạc, Hà Giang.

Những ý tưởng đầy nhân văn của học trò

Vào cuối tháng 7/2021, Trung tâm Truyền thông Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng Trung tâm Sống và Học tập vì Môi trường và Cộng đồng (Live&Learn) tổ chức giới thiệu cuốn sách “Một mẩu rừng cho bạn” của 3 tác giả Nguyệt Linh, Anh Kiệt, Khánh Ngọc.

Điều đặc biệt là cả 3 tác giả khi đó là học sinh lớp 7, trường Marie Curie, Hà Nội. Một trong 3 tác giả cuốn sách là Nguyệt Linh - cô học trò từng trở thành tâm điểm chú ý trên các diễn đàn về giáo dục khi trước ngày khai giảng năm 2019 đã viết tâm thư gửi rất nhiều hiệu trưởng trên địa bàn Thủ đô Hà Nội xin không thả bóng bay để bảo vệ môi trường và đã được lãnh đạo nhiều trường ủng hộ, thực hiện.

Thông điệp mà 3 tác giả “nhí” gửi gắm thông qua “Một mẩu rừng cho bạn” là nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm của thanh thiếu nhi và các tầng lớp nhân dân về vai trò, tác dụng của cây xanh; từ đó khuyến khích cộng đồng thực hiện các hành động xanh nhằm bảo vệ môi trường. Đây cũng là hoạt động hưởng ứng chương trình “Trồng mới 1 tỷ cây xanh - Vì một Việt Nam xanh” do Thủ tướng Chính phủ phát động hồi tháng 4/2021.

Tại lễ Khai giảng ngày 5/9/2021, Hiệu trưởng trường Marie Curie, Hà Nội - thầy Nguyễn Xuân Khang đã phát động dự án “Một vạn cây xanh cho Mèo Vạc”.

Buổi giới thiệu cuốn sách được thực hiện bằng hình thức trực tuyến với 2 điểm cầu. Một là Trung tâm Truyền thông Tài nguyên và Môi trường, điểm cầu còn lại là Ủy ban nhân dân huyện Mèo Vạc.

Thầy Nguyễn Xuân Khang - Hiệu trưởng trường Marie Curie, ngôi trường nơi Nguyệt Linh, Anh Kiệt, Khánh Ngọc đang theo học lấy làm bất ngờ khi được mời dự lễ ra mắt sách vì không hề biết kế hoạch làm sách của các học trò.

Khi trực tiếp đến dự, thầy Khang được biết, Trung tâm Truyền thông Tài nguyên và Môi trường phối hợp cùng 3 tác giả muốn ra mắt sách để bán lấy tiền góp vào chương trình “Trồng mới 1 triệu cây xanh” khôi phục rừng đầu nguồn Mèo Vạc - Hà Giang giai đoạn 2021 - 2025. Chính vì mục đích này nên giá bán của mỗi cuốn sách là 50.000 đồng - giá này tương ứng với việc mua được 1 cây xanh để trồng mới.

Khi đó, thầy Khang thay mặt nhà trường mua 2.000 cuốn sách để đưa vào thư viện và đưa tới các lớp trong toàn trường để lan tỏa thông điệp của 3 học trò.

Trong lễ ra mắt sách, khi lắng nghe chia sẻ về chiến dịch trồng mới 1 triệu cây xanh khôi phục rừng đầu nguồn của Hà Giang tại đầu cầu Ủy ban nhân dân huyện Mèo Vạc, thầy Khang thấy rất tâm đắc. Chính phủ phê duyệt đề án trồng mới 1 tỷ cây xanh, Hà Giang có chiến dịch trồng 1 triệu cây xanh cộng thêm cảm hứng từ cuốn sách về chủ đề rừng của 3 học trò đã khơi nguồn cảm hứng cho thầy Khang muốn và đề xuất tặng 1 vạn cây xanh cho Mèo Vạc để khôi phục rừng đầu nguồn ở đây. Lãnh đạo huyện Mèo Vạc rất vui vì chiến dịch mới phát động đã có đơn vị đầu tiên đồng hành.

Dự án “Một vạn cây xanh cho Mèo Vạc”

Thầy Khang cho biết, khi buổi ra mắt sách kết thúc, để hiện thực hóa những gì đã hứa, 3 ngày sau,  thầy chủ động liên hệ với Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Mèo Vạc - ông Nguyễn Cao Cường để trao đổi và thông tin nhà trường sẽ soạn thảo văn bản chính thức làm việc với Ủy ban. Khi đó, ông Cường rất vui. Tuy nhiên vì dịch Covid-19, thời điểm ấy, Thủ đô Hà Nội đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 của Chính phủ nên mọi trao đổi giữa nhà trường và Ủy ban thông qua hình thức email, điện thoại.

Trao đổi xong, nhà trường cụ thể hóa bằng một văn bản gửi Ủy ban nhân dân huyện, trong đó nêu rằng, dù nói là ủng hộ dự án “Một vạn cây xanh cho Mèo Vạc” nhưng thực tế dự kiến là sẽ nhiều vạn cây.

Dự án này dự kiến gồm 2 giai đoạn, trồng mới từ 2 đến 4 vạn cây xanh cho Mèo Vạc: Giai đoạn 1 (2021): trồng mới 1 đến 2 vạn cây xanh; giai đoạn 2 (2024): Sau 3 năm triển khai giai đoạn 1, đánh giá chất lượng và hiệu quả của dự án, nếu thành công thì tiếp tục giai đoạn 2 trong năm 2024 - trồng mới 1 đến 2 vạn cây xanh. Nếu không hiệu quả thì chỉ dừng lại ở giai đoạn 1.

Như vậy, toàn bộ dự án mà trường Marie Curie sẽ góp sức cùng Mèo Vạc bằng cách cấp toàn bộ kinh phí để trồng mới dự kiến 2 - 4 vạn cây.

Phía Ủy ban nhân dân huyện sẽ có nhiệm vụ xác định khu vực đất để trồng rừng, xác định loại cây trồng, đồng thời giới thiệu, tạo điều kiện để trường Marie Curie cùng đối tác thực hiện dự án tại Mèo Vạc.

Trao đổi xong nhiệm vụ của từng bên, phần của trường thì trường lên kế hoạch; phần của huyện thì huyện lên kế hoạch.

Tổ tổ công tác dự án “Một vạn cây xanh cho Mèo Vạc” của trường Marie Curie lên kiểm tra hồi đầu tháng 11/2021 khi bà con địa phương trồng xong 1 vạn cây, chuẩn bị trồng tiếp 1 vạn cây nữa.

Sau 1 tuần, huyện Mèo Vạc xác định khu đất trồng ở xã Khâu Vai và trồng cây sa mộc, giao cho đồng chí Hoàng Lê Duẩn - Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã trực tiếp liên hệ, làm việc với trường. Theo tìm hiểu, cây sa mộc là giống cây lâu năm, phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng vùng đất Hà Giang, là giống cây lấy gỗ, thường được trồng ở rừng phòng hộ.

Với vai trò là chủ đầu tư, trường Marie Curie bắt đầu tìm đối tác để triển khai dự án này. Qua tìm hiểu và liên hệ một vài đối tác, nhà trường nhận thấy, phương án chọn chính nhân lực là bà con ở xã Khâu Vai để thực hiện các công đoạn như: đào hố, trồng cây, ủ phân, chăm sóc, bảo vệ cây trồng là tốt nhất.

“Chúng tôi cho rằng, khi bà con là người trồng cây thì tinh thần trách nhiệm bảo vệ rừng sẽ là phương án tốt nhất”, thầy Khang chia sẻ.

Từ chỗ thường xuyên làm việc với Ủy ban nhân dân huyện thì nay chuyển sang làm việc với Ủy ban nhân dân xã Khâu Vai. Kể từ đó, Chủ tịch Hoàng Lê Duẩn trực tiếp làm việc với tổ công tác dự án “Một vạn cây xanh cho Mèo Vạc” của trường Marie Curie gồm 5 người, trong đó có 3 kiến trúc sư (Lê Duy Khoa, Nguyễn Việt Cường và Nguyễn Việt Nam) - những người có chuyên môn, năng lực về công trình, cũng như cây trồng.

Sau khi tiến hành phát cỏ, đào hố, mua cây giống, giữa tháng 10, khi có mưa phùn, bà con bắt tay vào công đoạn trồng cây. Đến cuối tháng 10, bà con đã trồng xong 1 vạn cây.

Khi cả nước thực hiện theo tinh thần Nghị quyết 128 của Chính phủ, việc lưu thông giữa các địa phương thuận lợi hơn nên ngày 1/11, tổ công tác của trường Marie Curie quyết định lên Khâu Vai để kiểm tra 1 vạn cây đã trồng xem tình hình như thế nào.

Lên đến nơi, các thành viên của tổ công tác gọi điện, gửi tin nhắn hình ảnh, quay video gửi về thấy mọi việc rất suôn sẻ. Dưới con mắt của người có chuyên môn về cây trồng, kỹ sư Nguyễn Việt Cường xác định 1 vạn cây đã trồng ổn định. Do đó, tổ công tác làm việc với lãnh đạo xã Khâu Vai kế hoạch triển khai trồng tiếp 1 vạn cây nữa trong tháng 11.

Cuối tháng 12/2021, trường Marie Curie thông báo đã trồng mới xong 2 vạn cây sa mộc trên diện tích 13 ha đất tại Mèo Vạc.

Như vậy, giai đoạn 1 của dự án hoàn thành, trách nhiệm của bà con địa phương giờ đây là tập trung trồng dặm, chăm sóc và bảo vệ để đảm bảo cây sống và phát triển. Theo hợp đồng, cây được bảo hành trong vòng 3 năm, tức là cây nào chết thì sẽ được thay thế. Sau 3 năm, nếu cây tốt tươi, hình thành một khu rừng thì nhà trường sẽ trồng thêm 2 vạn cây nữa.

Có thể nói, nhìn lại chương trình 1 triệu cây xanh của Mèo Vạc thì dự án của trường Marie Curie là dự án vào đầu tiên nên huyện rất phấn khởi.

Khu rừng mang tên “Trường Marie Curie” nơi địa đầu Tổ quốc

Nhìn lại hành trình: tháng 4, Thủ tướng Chính phủ phát động đề án trồng mới 1 tỷ cây xanh trong giai đoạn 2021 - 2025; tháng 7, huyện Mèo Vạc phát động dự án trồng mới 1 triệu cây xanh trong 5 năm; thế mà cuối năm 2021, trường Marie Curie đã trồng được 2 vạn cây xanh cho Mèo Vạc, thầy Hiệu trưởng Nguyễn Xuân Khang rất vui và nhớ lại quá trình từ khi phát động dự án.

Thầy Khang kể, nhân dịp năm học mới, tại lễ Khai giảng ngày 5/9/2021, thầy đã phát động dự án “Một vạn cây xanh cho Mèo Vạc” và được cán bộ, giáo viên, học sinh và phụ huynh trường Marie Curie hưởng ứng nhiệt liệt. Chính vì vậy, năm học 2021 - 2022, thầy và trò trường Marie Curie xác định vừa chống dịch Covid-19 vừa chung tay trồng 1 vạn cây xanh cho Mèo Vạc.

Ngay sau đó, mọi người ủng hộ rất nhanh bằng cách gửi tiền về tài khoản của dự án, đặc biệt có nhiều phụ huynh trong và ngoài trường gửi tin nhắn động viên bởi giai đoạn cuối tháng 8, đầu tháng 9, cả nước đang gồng mình chống dịch với nhiều “điểm nóng” như: TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai…; trong bối cảnh đó, trường Marie Curie không những đồng hành cùng bà con Mỹ Đình 1 thông qua việc trao hơn 1.000 suất quà (mỗi suất tương ứng 5 kg gạo và 400.000 đồng) mà còn nghĩ đến chuyện tương lai là trồng rừng. Điều này cho thấy nhà trường không chỉ đồng hành trong công tác phòng chống dịch mà còn triển khai kế hoạch cho tương lai, góp phần bảo vệ môi trường.

Trong tương lai không xa, sẽ có một “Khu rừng Marie Curie” ở biên cương của Tổ quốc, góp phần giữ đất, giữ nước.

Đối với thầy Khang, việc phát động dự án trồng cây có ý nghĩa rất lớn trong giáo dục học sinh thông qua việc làm cụ thể. Lâu nay, chúng ta dạy học trò cách bảo vệ, giữ gìn môi trường… nhưng cụ thể như thế nào thì nhóm học trò đã suy nghĩ và viết sách; nhân việc này, nhà trường triển khai dự án trồng cây vừa giúp Mèo Vạc vừa có tác động đến tâm lý của học sinh, cha mẹ học sinh trong việc góp phần bảo vệ môi trường, cụ thể là trồng rừng phòng hộ.

Là tổ trưởng tổ công tác dự án “1 vạn cây xanh Mèo Vạc” của trường Marie Curie, kỹ sư Lê Duy Khoa chia sẻ, khi được nhà trường giao nhiệm vụ, tổ công tác đã liên hệ với địa phương và tìm hiểu, tham khảo nhiều nơi về cách trồng rừng làm sao để có hiệu quả nhất bằng việc trồng cây là phải có cây, chi phí bỏ ra trồng cây thì phải vào cây, tránh thất thoát.

Qua quá trình liên hệ, trao đổi với địa phương, tổ công tác nắm được thông tin rằng, lâu nay, diện tích đất rừng được giao cho các hộ dân. Do đó, hộ thì dùng để chăn thả gia súc, hộ thì dùng để trồng ngô…; giờ đây, khi có dự án trồng cây của nhà trường thì sẽ được phủ kín cây, trong vòng 3 năm, nếu trở thành khu rừng xanh tốt thì toàn bộ đất trồng rừng này sẽ được đưa vào đất rừng phòng hộ.

Khi trở thành đất rừng phòng hộ, đất đó sẽ được hưởng quy chế bảo vệ, ưu đãi theo đúng quy định của pháp luật về bảo vệ, phát triển rừng. Khi ấy, các hộ dân sẽ được hưởng tiền gạo do Chính phủ cấp và tiền do hội thủy lợi cấp hằng năm để thực hiện bảo vệ rừng.

Là đơn vị đầu tiên tham gia cùng Mèo Vạc trong dự án 1 triệu cây nên phía nhà trường gặp nhiều bỡ ngỡ, khó khăn khi triển khai. Tuy nhiên đến nay, khi đã nắm được mọi thông số, cách thức triển khai thì công việc đã trơn tru hơn. Tổ công tác của trường Marie Curie sẵn sàng hỗ trợ, tư vấn và chia sẻ những kinh nghiệm mà mình đã làm đối với đơn vị nào muốn thực hiện dự án trồng cây tại Hà Giang giống như trường.

Trong tương lai không xa, sẽ có một “Khu rừng Marie Curie” ở biên cương của Tổ quốc, góp phần giữ đất, giữ nước. Và dự án của Trường Marie Curie đã tạo công ăn việc làm, thu nhập cho bà con địa phương, cũng như hứa hẹn một tương lai tươi sáng nếu đất rừng này trở thành rừng phòng hộ sau 3 năm nữa.

Kết quả đang ở phía trước nhưng chúng ta hi vọng, sự trợ lực của trường Marie Curie sẽ giúp bảo vệ nguồn nước, bảo vệ đất, chống hiện tượng xói mòn, sạt lở, lũ quét, lũ ống, chống sa mạc hóa, hạn chế các thiên tai, góp phần điều hòa khí hậu, không khí, bảo vệ môi trường, quốc phòng an ninh nơi biên cương Tổ quốc.

Theo Giáo dục Việt Nam

(https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/tu-mot-mau-rung-cho-ban-den-trong-xong-2-van-cay-xanh-cua-thay-tro-marie-curie)

31

Tháng 10/2024

TRẢI NGHIỆM THÚ VỊ CÙNG “INTERNATIONAL WEEK”

TRẢI NGHIỆM THÚ VỊ CÙNG “INTERNATIONAL WEEK”

TRẢI NGHIỆM THÚ VỊ CÙNG “INTERNATIONAL WEEK”

Thứ năm, 31 Tháng 10 2024 19:20 Viết bởi TRUONG MARIE
Các MCer nhí khối Oxford đã có trải nghiệm khó quên trong mùa Halloween năm nay với nhiều hoạt động sôi nổi như: I-Speak, ThanksGiving: Turkey Challenge, Halloween's Puzzle, Festival Booth…
Xem thêm

31

Tháng 10/2024

MCER LÀM THÍ NGHIỆM VỀ NÚI LỬA PHUN TRÀO

MCER LÀM THÍ NGHIỆM VỀ NÚI LỬA PHUN TRÀO

MCER LÀM THÍ NGHIỆM VỀ NÚI LỬA PHUN TRÀO

Thứ năm, 31 Tháng 10 2024 19:12 Viết bởi TRUONG MARIE
Vừa qua, ở môn Khoa học, các MCer 4G, 4I đã cùng tìm hiểu chủ đề “Thảm họa thiên nhiên“ và những ảnh hưởng của chúng tới đời sống con người. Đặc biệt, các bạn đã được thầy cô hướng dẫn làm thí nghiệm về sự phun trào của núi lửa.
Xem thêm

31

Tháng 10/2024

MC-VH XUẤT SẮC GIÀNH GIẢI NHÌ HỘI THI ATGT

MC-VH XUẤT SẮC GIÀNH GIẢI NHÌ HỘI THI ATGT

MC-VH XUẤT SẮC GIÀNH GIẢI NHÌ HỘI THI ATGT

Thứ năm, 31 Tháng 10 2024 17:50 Viết bởi TRUONG MARIE
Lần đầu tham gia hội thi tuyên truyền về an toàn giao thông, các “nghệ sĩ” MC-VH đã xây dựng tiểu phẩm hấp dẫn, lôi cuốn, ý nghĩa và “rinh” về giải Nhì.
Xem thêm

30

Tháng 10/2024

MCER MẠNH DẠN LIÊN HỆ NHÀ THƠ ĐỂ TÌM HIỂU TÁC PHẨM

MCER MẠNH DẠN LIÊN HỆ NHÀ THƠ ĐỂ TÌM HIỂU TÁC PHẨM

MCER MẠNH DẠN LIÊN HỆ NHÀ THƠ ĐỂ TÌM HIỂU TÁC PHẨM

Thứ tư, 30 Tháng 10 2024 09:19 Viết bởi TRUONG MARIE
“Tôi thấy rất vui khi các con chủ động liên lạc với tác giả để hỏi nội dung bài thơ. Đây là sự tương tác thú vị!” là chia sẻ của nhà thơ Bình Nguyên Trang về việc nhóm học sinh 11E0 liên hệ để tìm hiểu tác phẩm, phục vụ cho bài thuyết trình trên lớp.
Xem thêm

28

Tháng 10/2024

MCER NHÍ VUI HẾT CỠ VỚI “INTERNATIONAL WEEK”

MCER NHÍ VUI HẾT CỠ VỚI “INTERNATIONAL WEEK”

MCER NHÍ VUI HẾT CỠ VỚI “INTERNATIONAL WEEK”

Thứ hai, 28 Tháng 10 2024 17:48 Viết bởi TRUONG MARIE
Các MCer 1 - Việt Hưng đã được “đi vòng quanh thế giới”, tìm hiểu lễ hội Halloween, Thanksgiving thông qua thử thách làm sản phẩm, thuyết trình và chơi nhiều trò thú vị.
Xem thêm