Sau khi ra trường, các cựu học sinh MC đã khẳng định bản thân như thế nào ở môi trường mới? Những năm tháng tại đây đã mang đến cho họ những kỹ năng, bài học gì? Hãy theo chân PV MCer Link tìm hiểu 6 nhà lãnh đạo của những dự án, tổ chức, CLB “đình đám” nhé!
“Profile” nhà lãnh đạo trẻ * Hà Phương Phương (CHS G1, 14 - 18; 12 Văn, trường THPT chuyên Hà Nội Amsterdam): Chủ tịch Hanoi Food Rescue (HFR). Với 8 năm hoạt động, HFR là tổ chức từ thiện đi đầu trong việc tận dụng đồ ăn thừa (còn nguyên vẹn hình thức và chất lượng) từ các nhà hàng, khách sạn để chia sẻ cho những người khó khăn; đồng thời nâng cao ý thức của cộng đồng về việc tiết kiệm lương thực, thực phẩm. Không chỉ là một nhà lãnh đạo tài ba, cô bạn còn giành giải Nhì HSG môn Ngữ văn cấp thành phố năm lớp 11. * Kiều Mạnh Linh (CHS G1, 14 - 18; 12 Lý, trường THPT chuyên Hà Nội Amsterdam): Trưởng ban Hậu cần Humanoid - dự án ảnh gồm 2 sự kiện chính: cuộc đua nhiếp ảnh (kết hợp giữa format thi chụp ảnh theo nhóm & thi giải mã của The Amazing Race) và triển lãm những sản phẩm xuất sắc từ cuộc đua. * Trần Hương Thảo (CHS M1, 14 - 18; 12 Địa, trường THPT Chu Văn An): người sáng lập, trưởng BTC - trưởng ban Design dự án La Beauté. Với châm ngôn: “Art is a harmony parallel with nature” (Nghệ thuật là bản hòa tấu đồng điệu với tự nhiên), cô bạn quyết định thành lập dự án để truyền tải thông điệp môi trường tới cộng đồng. * Nguyễn Đỗ Khánh Hà (CHS P1, 14 - 18; 12 Trung, trường THPT chuyên Hà Nội Amsterdam): Phó Chủ tịch CLB Green Hanoi Ams hoạt động về mảng môi trường và xã hội. * Quách Trọng Phú (CHS M1, 14 - 18; 12E4, trường Marie Curie): Chủ tịch Marie Curie Phôtography Club - CLB nhiếp ảnh đầu tiên của MC. * Trần Minh Hiển (CHS M1, 14 - 18; 12 Toán, trường THPT chuyên Hà Nội Amsterdam): Đội trưởng Hanoi Amsterdam Basketball Club. |
Theo các bạn, để trở thành nhà lãnh đạo tốt, cần hội tụ những yếu tố nào?
Phương Phương: Mình nghĩ, người đứng đầu cần có tinh thần trách nhiệm cao và quan tâm sát sao từng thành viên. Công việc của mình khá bận. Có nhiều hôm, mình cùng các bạn trong ban điều hành phải thức đêm để chỉnh sửa từng chi tiết trong bản thảo, nét vẽ trong thiết kế hay có những cuộc gọi bàn công việc kéo dài hơn 3 tiếng đồng hồ… Hơn nữa, là “chị cả” nên mình không chỉ quan tâm tới tiến độ công việc mà còn sức khỏe, tinh thần của các thành viên. Bởi mình luôn mong muốn mang tới cho các bạn khoảng thời gian, kỷ niệm đáng nhớ khi gắn bó với CLB. Từng chiếc thiệp, món quà… đều được mình chuẩn bị tỉ mỉ và gửi tới tận tay từng bạn. Mình hy vọng, HFR thực sự là một mái nhà, chứ không chỉ là nơi các bạn trau dồi kinh nghiệm.
Hà Phương Phương
Mạnh Linh: Đây không phải là dự án đầu tiên mình phụ trách hậu cần. Mình rất hứng thú với việc trang trí. Vì mỗi sự kiện có ý tưởng, cách bài trí khác nhau. Để tạo ra món đồ trang trí đẹp, không chỉ cần khả năng vẽ, cắt, dán, pha, tô màu, bồi giấy, cắt xốp… mà còn đòi hỏi tư duy nghệ thuật, sáng tạo. Mình rất tự tin ở mảng nghệ thuật bởi đây là đam mê của bản thân. Mình nghĩ, công việc hậu cần giúp các thành viên gắn kết với nhau hơn. Chính vì thế, mình luôn cố gắng tạo ra bầu không khí, tinh thần làm việc hứng khởi, vui vẻ cho mọi người.
Hương Thảo: Có rất nhiều yếu tố để trở thành nhà lãnh đạo tốt. Tuy nhiên, theo mình, yếu tố cần có là “một trái tim ấm và một cái đầu lạnh”. Nếu người đứng đầu có tầm nhìn xa, trông rộng thì sẽ nắm bắt và xử lý nhanh nhạy các tình huống. Đồng thời, sự tin tưởng, đồng cảm cũng là những tố chất không thể thiếu của “leader”. Bởi khả năng lắng nghe, thấu hiểu người khác sẽ giúp kết nối những con tim và đưa ra hướng đi đúng đắn cho CLB.
Minh Hiển: “Leader” của đội bóng sẽ hơi khác so với người đứng đầu một dự án. Trước tiên, đội trưởng đội bóng cần có thể chất tốt. Trong những buổi tập, họ phải đôn đốc, xốc tinh thần cho mọi người; đồng thời phải khắt khe để tạo kỷ luật cho toàn đội, giúp các thành viên tập luyện nghiêm túc nhằm đối mặt với áp lực thi đấu.
Minh Hiển
Hơn nữa, tinh thần đồng đội là điều không thể thiếu. Vì thế, đội trưởng cần chú ý đến từng thành viên lúc ở trong và ngoài buổi tập để kịp thời động viên, giúp mọi người vượt qua khó khăn, thử thách. Ngoài ra, việc thắng thua trong thể thao là chuyện bình thường. Vì thế, đội trưởng cần giữ vai trò kết nối, tạo động lực, xốc tinh thần thi đấu cho cả đội; tuyệt đối không đổ lỗi, trách móc thành viên.
Các bạn có thể chia sẻ về những khó khăn phải đối mặt khi đảm nhận vị trí “leader”?
Phương Phương: Nhiều bạn nói, khó khăn lớn nhất là đảm bảo kết quả học tập khi tham gia hoạt động ngoại khóa. Theo mình, để làm tốt, bạn cần phân bổ hợp lý thời gian học và quản lý CLB. Bạn cũng cần thường xuyên đánh giá những việc nào quan trọng để ưu tiên làm trước. Khi đó, bạn nên tập trung cao độ và nỗ lực hết sức để hoàn thành mục tiêu đặt ra.
Hương Thảo: Khi mới thành lập dự án, mình gặp vô vàn khó khăn. Đầu tiên là việc tuyển người đồng hành bởi mình không có quá nhiều mối quan hệ. Sau quá trình tìm kiếm, mình rất may mắn khi tìm được ban điều hành cùng chí hướng. Vấn đề tiếp theo là mình chưa có kinh nghiệm làm việc với cơ quan bảo trợ nên mất khá nhiều thời gian học hỏi. Nhiều hôm, mình phải thức tới sáng để nghiên cứu tài liệu. Tuy mệt nhưng mình không bỏ cuộc bởi mình tin, chỉ cần lạc quan và nỗ lực thì có thể vượt qua mọi thử thách. Bên cạnh đó còn là khó khăn khi thiết kế logo. Chúng mình đã phải làm việc trong 14 ngày với 20 bản thiết kế để chọn ra logo ưng ý nhất.
Hương Thảo
Khánh Hà: Việc giữ cương vị Phó Chủ tịch khiến mình thay đổi rất nhiều. Áp lực, lo lắng tăng lên khi mình ở vai trò mới. Vì CLB có nhiều sự kiện xuyên suốt năm nên mình và ban quản trị phải chú ý từng chi tiết nhỏ, ví dụ: tài liệu gửi các tổ chức, “post” dặn dò, nhắc nhở “deadline”… Đồng thời, mình phải luôn theo sát và kịp thời động viên thành viên để họ phát huy hết khả năng trong mỗi hoạt động. Ngoài ra, mình thường xuyên lập thời gian biểu và danh sách những việc cần làm để quản lý chúng tốt hơn, khoa học hơn.
Khánh Hà
Trọng Phú: MCPC là CLB đầu tiên mình tham gia thời đi học. Ban đầu, mình gia nhập với tư cách thành viên ban Truyền thông, đảm nhận việc quản lý bài viết trên mạng xã hội và viết “content” cho các dự án. Bước ngoặt lớn nhất với mình là dự án trailer phim ngắn Halloween: My (2019). Từ đó, mình nhận ra, công việc đằng sau ống kính thực sự thú vị. Vì thế, mình bắt đầu học chụp ảnh, quay phim, dựng “content”… Mình mua rất nhiều sách nhiếp ảnh để học hỏi rồi mày mò tập quay, dựng. Mình chủ yếu học từ các video nước ngoài nên phải học tiếng Anh và dựng phim song song. Vì thế, việc thức đến 2, 3h sáng là điều bình thường với mình. Tiếp đó, mình nhận đi quay và dựng “video” cho bạn bè để lấy thêm kinh nghiệm. Hiện với cương vị Chủ tịch MCPC, mình luôn tự nhắc bản thân phải cố gắng không ngừng để hoàn thiện chính mình và phát triển CLB hơn.
Trọng Phú
Khi trở thành “leader”, mình khá đau đầu bởi CLB có nhiều thành viên “không phù hợp”. Mình phải sàng lọc ra những thành viên cốt cán, có năng lực và đam mê thực sự. Vấn đề thứ 2 là CLB thiếu hụt người “design”, “edit”. Vì thế, hiện mình vẫn phụ trách hai mảng đó trong quá trình gấp rút tìm thành viên mới phù hợp.
Minh Hiển: Khó khăn ban đầu của mình là làm thế nào để đội bóng chơi đoàn kết. Bởi lúc đó, một số bạn có lối chơi cá nhân, thiếu tính đồng đội; khiến các buổi tập xảy ra xích mích. Ngay lập tức, mình đã nói chuyện riêng với những thành viên ấy, đồng thời động viên các bạn còn lại. Sau một thời gian, mọi người đã gắn kết và chơi ăn ý hơn.
Bên cạnh đó, thành tích của lứa trước khiến các thành viên bị căng thẳng. Để giảm áp lực, mình đã tổ chức buổi nói chuyện để định hướng lại mục tiêu cho mùa giải tới. Chúng mình không để những kết quả của khóa trước gây áp lực lớn đến tinh thần thi đấu mà quan trọng là chơi hết mình.
Mạnh Linh
Môi trường MC đã mang lại cho các bạn những điều gì?
Mạnh Linh: 4 năm học ở Marie Curie thực sự giúp mình rất nhiều trong vai trò trưởng ban Hậu cần. MC có rất nhiều sự kiện và khi chứng kiến thầy cô và bạn bè chuẩn bị, mình học được cách lên ý tưởng, dựng sân khấu với đèn led, loa đài, bố trí gian hàng… Các chương trình của trường còn giúp chúng mình có cơ hội thể hiện khả năng, rèn luyện các kỹ năng. Ví dụ, ở lễ hội Bánh chưng, chúng mình tự chuẩn bị ruy băng đính vào bánh, tự tay gói, luộc rồi vớt bánh. Hay đêm Noel, chúng mình được thỏa sức trang trí gian hàng lộng lẫy, tham gia trình diễn thời trang tái chế… Nhờ đó, mình được rèn tay nghề làm đồ “hand-made” khéo léo, độc đáo, biết cách giao tiếp với mọi người và phân chia công việc để đạt hiệu quả cao nhất.
THIÊN AN
(CHS M1, 14 - 18)