Một sự kiện được chuẩn bị vài tháng, thậm chí cả năm nhưng đổi lại chỉ là 1 - 2 tiếng thăng hoa. Đằng sau thành công của sự kiện là sự cống hiến âm thầm của những người tổ chức. Hãy tìm hiểu về những điều “được”, “mất” của nghề này thông qua cuộc trò chuyện với anh Trịnh Anh Dương (CHS P, 95 - 99), hiện là CEO Công ty Quảng cáo và Truyền thông C.E.S Việt Nam!
Profile Anh Trịnh Anh Dương tốt nghiệp Thạc sỹ Quản trị kinh doanh tại ĐH Latrobe (Úc). Năm 2015, anh sáng lập Công ty Quảng cáo và Truyền thông C.E.S Việt Nam. Anh đã có thâm niên 12 năm trong nghề tổ chức sự kiện, truyền thông, quảng cáo. |
Những điều thú vị
Anh Dương kể rằng, ngày học ở MC, anh chuyên “cầm đầu” những trò nghịch ngợm. “Có lẽ do có năng khiếu tổ chức “ăn chơi” từ hồi đó nên giờ, mình mới gắn bó với nghề event”, anh dí dỏm nói.
Sau đó, anh thi vào khoa Anh, ĐH Hà Nội vì ngành đó “hot”, dễ xin việc. Nhưng khi biết tin ngành Quản trị kinh doanh của ĐH Latrobe (Úc) tuyển sinh, anh quyết định “apply” học bổng du học. Sau khi nhận bằng cử nhân, anh học tiếp Thạc sỹ ngành này.
Trở về nước, anh công tác tại ban Quan hệ quốc tế và phụ trách thị trường Mỹ, WTO của Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam. Anh trực tiếp tham gia tổ chức các hội nghị quốc tế lớn như: APEC, ABAC... hay các hội thảo khoa học. Nhờ đó, anh bắt đầu có tình yêu với nghề tổ chức sự kiện và ấp ủ mở một công ty truyền thông.
Năm 2008, anh mở công ty tổ chức sự kiện Hasaico Media. Năm 2011, biến cố xảy ra, anh “nhượng” lại công ty và chuyển về làm tại Tổng công ty thương mại Hà Nội. Tuy phụ trách ban Thương hiệu marketing của một doanh nghiệp lớn với mức lương cao nhưng anh vẫn cảm thấy thiêu thiếu khi nhiều dự định, ước mơ vẫn còn dang dở. Vì thế, năm 2015, anh quyết định làm lại từ đầu, mở Công ty C.E.S Media Việt Nam với “slogan”: Creative Event Solution. Anh nói, đam mê thôi chưa đủ mà chính tính cách quyết đoán, dám chấp nhận rủi ro và luôn khao khát làm điều mới mẻ đã giúp anh vượt qua bao sóng gió.
Càng dấn thân vào nghề, anh càng thấy thú vị khi được trải nghiệm cảm giác chinh phục những ý tưởng mới. “Những năm gần đây, nghề này trở nên “hot”. Đối với các bạn trẻ thì học được cách bao quát công việc, chạy “deadline”, điều phối; giúp bản thân thêm tự tin, năng động và mang lại thu nhập tốt. Thử tưởng tượng, nếu ngày nào đó được góp sức vào các sự kiện lớn như: “show” thời trang Victoria Secret, “show” ca nhạc của nhóm Big Bang, BTS, BlackPink..., bạn sẽ vui sướng thế nào. Đối với mình, 12 năm gắn bó với nghề, điều nhận được thì không thể cân đo đong đếm. Đó là những mối quan hệ từ nhà sản xuất, ca sỹ, nghệ sỹ... Đặc biệt là cảm xúc thăng hoa khi “concept” của mình được trình diễn thành công trên sân khấu”, anh chia sẻ.
Để có chỗ đứng trong nghề, anh đã không ngừng học hỏi, sáng tạo. Với khả năng quan sát, bao quát tốt, anh mày mò tự học từ những điều nhỏ nhất như: cách làm báo giá, lên kịch bản... Mỗi bài học mà anh nhận được đều là từ những trải nghiệm thực tế mà đôi khi phải trả giá đắt. Có lẽ vì thế mà nghề này giúp anh tôi luyện rất nhiều kỹ năng trong cuộc sống.
“Nghề “event” vất vả, rủi ro cao. Mình đã có 2 lần bỏ dở, chuyển hướng sang nghề khác. Nhưng rồi, vì nghề đã “ngấm” vào máu nên mình quyết tâm gây dựng lại, đi theo đúng đam mê. Mình chẳng bao giờ hối hận khi sống chết với nó dù trong hoàn cảnh Việt Nam, thế giới bị ảnh hưởng rất lớn bởi dịch Covid-19”, anh Dương nói thêm.
... và “góc khuất”
Không thực sự dấn thân thì không thể hiểu hết những “góc khuất” của nghề như: bị cạnh tranh không lành mạnh, những chuyến công tác dài ngày, nhiều đêm không ngủ, ảnh hưởng sức khỏe...; trong khi đó, giá trị mang lại thì vô hình. Ví dụ, một sự kiện chuẩn bị vài tháng, thậm chí cả năm nhưng đổi lại chỉ là 1 - 2 tiếng thăng hoa. Không những thế, trong quá trình thực hiện mà xảy ra bất kỳ vấn đề gì thì xem như “mất trắng”. Hay có những “event” chạy xong, anh bị mất giọng 3 ngày, phải đi viện truyền nước.
“Mình nhớ mãi kỷ niệm năm 2008, khi làm “event” đầu tiên của công ty - khởi công nhà máy đạm Ninh Bình. Sự kiện ấy có Phó Thủ tướng và các quan chức cấp cao tham dự nên không được để xảy ra sơ suất. Nhưng chiều hôm ấy, sau khi “set up” sân khấu thì mưa bão lớn, khiến cả khu đất biến thành hồ, nhà bạt chìm trong nước. Đó là sự kiện lớn nên không thể hủy hay hoãn. Cả công ty suy nghĩ phương án 2, rất may là tìm được đơn vị khác hỗ trợ. Đêm đó, cả tấn trang thiết bị được chuyển đến, hơn 70 người làm việc không nghỉ, dựng lại toàn bộ sân khấu. 8h sáng hôm sau, sự kiện vẫn diễn ra đúng như dự kiến. Đó là “event” để lại cho mình nhiều tổn thất và bài học nhất”, anh Dương nhớ lại.
Hiện nay, ngành tổ chức sự kiện đang thay đổi không ngừng, theo hướng chuyên nghiệp hóa, áp dụng công nghệ nhiều hơn. Hơn nữa, ngày càng có nhiều đơn vị tổ chức sự kiện nước ngoài vào Việt Nam, dẫn đến sự cạnh tranh lớn hơn. Với vai trò là người điều hành một công ty, anh Dương phải luôn “làm mới” bản thân để đứng vững trước những thách thức của nghề. Hiện nay, anh còn làm thêm mảng công nghệ led về trang phục, đạo cụ trong biểu diễn. Khi được hỏi về ước mơ, anh Dương “bật mí”: “Mình luôn ấp ủ tổ chức một đại nhạc hội như Tomorrowland diễn ra nhiều ngày với sự tham dự của hàng trăm nghìn người”.
Đưa ra lời khuyên dành cho MCer yêu thích ngành nghề này, anh nói: “Nếu muốn trau dồi, rèn luyện kỹ năng thì bạn chỉ cần “apply” vào các công ty tổ chức sự kiện. Nhưng để theo đuổi thành sự nghiệp thì cần tính toán, suy nghĩ thật kỹ. Trước tiên, bạn nên tìm hiểu các đơn vị tổ chức sự kiện trong và ngoài nước, sau đó xin vào làm để học hỏi kinh nghiệm. Từ đó, bạn có thể tìm ra được thế mạnh, mảng chuyên sâu trong nghề để đi theo như: đạo diễn, nhà sản xuất, kỹ thuật viên... Còn nếu ôm đồm nhiều mảng, bạn sẽ làm việc không hiệu quả và dễ nản chí, mất phương hướng. Với lứa tuổi học sinh, hiện trường có rất nhiều hoạt động ngoại khóa và CLB, bạn có thể đăng ký tham gia để làm quen”.
Nếu muốn tìm hiểu và thử sức với nghề tổ chức sự kiện, bạn hãy liên hệ với anh Dương theo thông tin sau: FB cá nhân: Lucastrinh311 Hoặc Công ty Quảng cáo và Truyền thông C.E.S: Hotline: +84.84.89.3333 Website: www.cesmediavn.com Facebook: cesmediavn YouTube: CES Media Vietnam |
Khi nhen nhóm ý tưởng tổ chức hội khóa 95 - 99 Marie Curie mang tên “Gọi ký ức quay về”, mình được mọi người giới thiệu Anh Dương - “ông trùm” trong làng tổ chức sự kiện. Sau khi gặp nhau trò chuyện, mình và Dương khá hợp tính nhau. Dương đồng ý cùng mình tổ chức chương trình này để tạo không gian cho mọi người được trở lại tuổi học trò đúng nghĩa ở MC, có nước mắt, nụ cười. Ấn tượng ban đầu của mình về Dương là một người vui vẻ, thân thiện. Trò chuyện nhiều hơn, mình thấy cậu ấy sống rất tình cảm, chân thật và hết lòng với bạn bè. Trong quá trình cùng chuẩn bị cho chương trình, mình nhận thấy, Dương rất quyết đoán, trách nhiệm, nhiệt tình. Mình rất thích phong cách làm việc của cậu ấy. Trước ngày diễn ra hội khóa, Dương huy động cả ê-kíp công ty đến hỗ trợ “set up” sân khấu, “background” ở trường. Tối hôm đó, nhìn lên sân khấu, mình và Dương cảm thấy hạnh phúc vì sự kiện đã thành công ngoài mong đợi. Đến giờ, điều chúng mình nhận được sau hội khóa là tình bạn gắn kết, sự kết nối các cựu học sinh khóa 95 - 99. Chúng mình đã trở thành những người bạn thân thiết sau 20 năm ra trường. Cô HỒNG NHUNG (GV Tiếng Anh) |
Hội khóa 95 - 99 mang tên “Gọi ký ức quay về” được tổ chức để gắn kết những người bạn 20 năm mới gặp lại. Khi lên ý tưởng, chúng mình đã nhìn thấy nhiệt huyết ở nhau nên cùng nỗ lực xây dựng một chương trình ý nghĩa. Mình đã dành nhiều thời gian, tâm huyết với mong muốn mang đến những cảm xúc thăng hoa cho mỗi cựu MCer khi trở về. Ngày về trường, không gian MC đã khiến mình hồi tưởng những năm tháng học trò với chuyến xe buýt, bữa ăn MC... Hội khóa kết thúc trong nước mắt, nụ cười của những người đến dự. Là thành viên trong BTC, mình thực sự xúc động. Mình chỉ ước có thêm thời gian ngồi bên nhau để tâm sự, ôn lại kỷ niệm xưa. Điều mình trân quý nhất chính là dù chúng mình không chung lớp nhưng khi gặp nhau thì rất thân thiết, yêu thương, gắn bó. Chắc hẳn, điều đó chỉ có ở MC - nơi chúng mình thực sự được sống những năm tháng tuổi học trò đúng nghĩa. Anh ANH DƯƠNG |