Học hết THCS tại Huế, chị Đinh Trung Hằng (CHS M, 93 - 96) và anh Đinh Trung Hiếu (CHS M - P, 98 - 01) ra Hà Nội, nhập học trường Marie Curie. Quãng thời gian tại MC đã thay đổi cuộc đời anh chị. Hiện cả hai đang có cuộc sống ổn định ở nước Mỹ và vẫn luôn dành tình cảm dạt dào cho mái trường thân yêu này.
Từ Huế tới Marie Curie
Ở cách Việt Nam nửa vòng Trái đất, chị Trung Hằng và anh Trung Hiếu luôn đau đáu nỗi nhớ MC. Chị Trung Hằng kể: “Vào học Marie Curie là bước ngoặt quan trọng trong cuộc đời tôi. Đó là lúc tôi bắt đầu sống xa gia đình. Năm 16 tuổi, tôi kết thúc lớp 9 chuyên Toán, trường Quốc học Huế với giải Nhì Học sinh giỏi môn Toán toàn quốc. Mẹ quyết định gửi tôi ra Hà Nội để có điều kiện học tập tốt hơn. Tôi được người nhà giới thiệu về trường Marie Curie. Với thành tích của mình, tôi được nhà trường tặng học bổng. Đến giờ, tôi vẫn luôn biết ơn MC và thầy Khang. Nếu không có những năm tháng đó thì không có tôi bây giờ”.
Ngày đầu tiên đi học ở MC, chị Trung Hằng khóc rất nhiều bởi hôm ấy, mẹ chị lên tàu về lại Huế. Nhưng dần dần, chị bắt đầu làm quen với bạn bè và hoà nhập vào môi trường mới. Chị nhớ lại: “Bạn bè MC rất dễ thương. Nhiều bạn chủ động bắt chuyện khi nghe tôi nói giọng Huế. Tôi nhớ hôm lên bảng kiểm tra miệng môn Văn. Cô giáo yêu cầu đọc bài thơ, trong đó có câu: “Áo anh sứt chỉ đường tà/ Vợ anh chưa có, mẹ già chưa khâu”. Đến đoạn đó, tôi đọc thành: “Áo anh sứt chỉ đường tà/ Mẹ anh chưa có, vợ già chưa khâu”. Thế là cả lớp được một trận cười nghiêng ngả. Tôi cũng nhớ những lần vào ký túc xá chơi với các bạn. Chúng tôi thường rủ nhau làm bánh rán, bánh trôi nước, vui ơi là vui! Nhờ có những niềm vui ấy mà tôi vơi đi nỗi nhớ nhà”.
Khi anh Trung Hiếu vào cấp 3, gia đình cũng quyết định chuyển anh ra Hà Nội. Với giải Nhì HSG môn Toán cấp tỉnh, anh được nhận vào học MC. Dù mới từ Huế ra nhưng anh rất nhanh chóng và dễ dàng kết bạn với hội con trai. Những năm tháng học trò của anh ở MC gắn liền với những trận đấu bóng cùng đám bạn sau giờ học. Anh cũng không quên những lần chơi Star Craft với cậu bạn Hoàng Long. Điều đó đã phần nào khơi gợi trong anh niềm say mê nghiên cứu phần mềm.
Theo anh chị, vào học MC là quyết định vô cùng đúng đắn. Bởi nơi đây không chỉ mang tới niềm vui, tiếng cười mà còn thay đổi cuộc đời anh chị. Chị Trung Hằng cho hay: “Chúng tôi thường được nghe thầy Khang kể về nhà bác học Marie Curie. Nhờ vậy mà cả hai có thêm động lực, niềm tin để phấn đấu đạt được ước mơ của mình. Không chỉ vậy, tôi đã thay đổi suy nghĩ về điểm số. Trước khi vào MC, tôi luôn xem việc đạt HSG là điều rất quan trọng. Nhưng rồi, tôi dần hiểu rằng, con người cần được phát triển toàn diện. Học giỏi thôi chưa đủ mà cần có sức khỏe, bản lĩnh và kỹ năng sống tốt. Đặc biệt ở MC, hai chị em tôi được nuôi dưỡng tình yêu với môn Toán. Tôi nhớ thời đó, nhà trường đặt báo Toán học Tuổi trẻ. Nhiều lần, chúng tôi đã đoạt giải trong các cuộc thi trên báo. Khi đó, cả hai thấy rất vui vì được thoả mãn niềm đam mê toán học”.
Cô Hồng Mai (GV Địa) xúc động nhớ lại năm đầu tiên công tác ở MC và được phân công chủ nhiệm lớp chị Trung Hằng. Cô bảo: “Lớp đó hội tụ nhiều bạn đạt giải HSG Quốc gia như: Thái Hà, Tường Vân, Trung Hằng, Minh Thuỳ, Thanh An... Các em rất thông minh và cá tính. Riêng Trung Hằng, tôi vẫn nhớ như in từ vẻ ngoài đến tính cách. Em có dáng người tròn trĩnh, hai má bánh bao đáng yêu, làn da trắng mịn, đôi mắt nâu sáng ngời và nụ cười rất tươi. Cứ nghĩ về em là tôi nhớ tới nụ cười trước tiên. Em là cô bé rất dễ thương, vui vẻ, hiền lành, hoà đồng với mọi người. Em giản dị lắm, lúc nào cũng kẹp tóc ba lá hoặc dây thun, chân đi dép xăng đan... Bất cứ khi nào gặp là tôi thấy em cười. Ngày đó, ai cũng thích nghe em nói giọng Huế, rất nhẹ nhàng và ấm áp”.
Chị Minh Thùy (CHS M, 93 - 96) nhớ lại những ngày cùng chị Trung Hằng xì xụp húp bát mỳ tôm trong ký túc xá. “Trung Hằng học giỏi và cá tính lắm! Chúng tôi đều mê Toán nên cứ gặp nhau là nói say sưa về nó. Sau này, bạn ấy ra nước ngoài, ít có cơ hội gặp mặt nhưng chúng tôi vẫn giữ liên lạc. Mỗi khi Trung Hằng về nước là mọi người lại tụ tập về thăm MC”, chị Minh Thùy kể.
... và cất cánh đến Mỹ
Để biến ước mơ thành hiện thực, chị Trung Hằng đã phải vượt qua không ít thử thách. Chị cho biết: “Sau khi tốt nghiệp Thạc sỹ tại Thái Lan, tôi được giới thiệu sang Mỹ làm Tiến sỹ ở ĐH Connecticut (UCONN). Tôi phải trải qua kỳ thi GRE và TOEFL. Kết quả TOEFL của tôi được trường UCONN chấp nhận. Nhưng lần thi GRE trắc trở hơn. Đợt đó, tôi đang ở Thái Lan thì nhận được tin bố đột ngột mất ở Việt Nam. Tâm trạng không tốt, hôm đi thi lại say xe do phải dậy sớm và di chuyển xa nên kết quả không như ý. Lúc đó, tôi đã nghĩ mình không còn cơ hội sang Mỹ. Nhưng rồi, tôi vỡ òa hạnh phúc khi trường vẫn chấp nhận. Bởi họ trân trọng khả năng và đam mê nghiên cứu của tôi”.
Hiện chị Trung Hằng là Phó Giáo sư (Associate Professor) ngành Khoa học máy tính và Công nghệ thông tin tại trường Indiana University South Bend. Chị được nhận vào đây công tác sau khi tốt nghiệp Tiến sỹ. Thông thường ở Mỹ, một người phải bắt đầu từ chức danh Assistant Professor, trải qua 6 năm thử thách trên các lĩnh vực nghiên cứu, giảng dạy, phục vụ xã hội thì mới được xét duyệt vào biên chế chính thức và nâng cấp lên thành Associate Professor. Chị là một trong số đó, được nền giáo dục Mỹ công nhận những thành tích nổi trội và đóng góp to lớn cho ngành Khoa học máy tính. Năm 2000, chị là cô gái Việt Nam duy nhất được nhận học bổng của Chính phủ Canada về lĩnh vực Công nghệ thông tin. Năm 2007, chị được Hiệp hội Vì sự tiến bộ của trí tuệ nhân tạo tặng giải thưởng AAAI Student Travel Award. Năm 2015, chị đoạt giải Báo chí xuất sắc nhất ở Hội nghị quốc tế về máy tính, quản lý và truyền thông IEEE ComManTel. Ngoài ra, trong suốt quá trình học tập và làm việc, chị có hàng trăm bài viết, công trình nghiên cứu được đăng trên các tạp chí uy tín của Mỹ về khoa học máy tình, công nghệ thông tin và trí tuệ nhân tạo.
Còn anh Trung Hiếu, sau khi hoàn thành chương trình Tiến sỹ, anh được nhận vào làm kỹ sư phần mềm ở công ty MathWorks. Sau hơn 1 năm làm việc và tích lũy kinh nghiệm tại đây, anh chuyển sang công tác ở Akamai Technologies với chức danh Kỹ sư phần mềm hệ thống cao cấp (Senior System Software Engineer). Trong khoảng thời gian này, dù được Google, Facebook và Amazon mời sang làm việc nhưng anh đều từ chối.
Song song với làm việc toàn thời gian tại Akamai, anh Trung Hiếu đã và đang xây dựng nền tảng mạng xã hội mua bán nội dung (content-trading social platform) mang tên ExtentWorld.com. Sản phẩm này có lẽ là thành tựu lớn nhất của anh bởi để xây dựng một hệ thống phức tạp như vậy, cần huy động nhiều kỹ sư công nghệ có tay nghề cao. Trong khi đó ở Mỹ, nhiều công ty công nghệ phải bỏ ra hàng trăm triệu đô la mới có thể lập trình được hệ thống như vậy.
“Trong tương lai gần, tôi có ý định lập công ty riêng và tập trung vào trang mạng này. Tôi muốn đem lại một sân chơi bình đẳng cho người dùng. Những người càng hoạt động nhiều trên ExtentWorld thì càng được thưởng nhiều và dữ liệu cá nhân của họ sẽ không bị lạm dụng vào quảng cáo như những mạng xã hội khác. Nếu bạn nào ở MC muốn tìm hiểu chi tiết về môi trường học tập, cũng như cuộc sống tại Mỹ, hãy truy cập đường link: https://www.extentworld.com/@/MarieCurieHN để đặt câu hỏi! Chúng tôi sẽ trực tiếp trả lời”, anh tiết lộ.
Theo anh chị, chính nhờ những buổi học lập trình Pascal ở trường MC mà cả hai yêu thích ngành Công nghệ thông tin và quyết tâm theo đuổi. Thế nên, dù ra trường đã hơn 20 năm nhưng anh chị vẫn luôn khắc ghi công ơn của thầy cô MC. Anh chị muốn nhắn nhủ tới các MCer thế hệ sau rằng: “Chúng ta thật may mắn khi được học tập và nuôi dưỡng ước mơ dưới mái trường Marie Curie. Các em hãy trân trọng từng khoảnh khắc ở nơi này. Hãy học vì đam mê, chứ đừng đặt nặng vấn đề điểm số nhé!”.