Yêu thích trang phục truyền thống của Việt Nam, Nhật Minh (CHS G3, 13 - 16) đang tham gia các dự án giới thiệu tới công chúng những sản phẩm vừa thấm đượm hồn dân tộc vừa không tác động nhiều đến môi trường.
Hiện Nhật Minh làm việc tại Vi Workshops, thuộc Trung tâm Bảo tồn bản sắc Việt Vi House (71 Hàng Buồm, Hà Nội). Không gian văn hoá thuần Việt này là nơi chia sẻ, thực hành, trải nghiệm các làng nghề thời trang thủ công truyền thống của nước ta. Cậu cho biết: “Mình phụ trách truyền thông, hỗ trợ nghiên cứu các phương pháp sản xuất, cũng như các chất liệu thời trang truyền thống mang tính bền vững. Mình bắt đầu theo đuổi công việc này sau khi tốt nghiệp THPT. Sở dĩ mình chọn con đường này vì bị cuốn hút bởi các vấn đề liên quan tới môi trường và thời trang”.
Vi Workshops thường xuyên tổ chức các buổi trao đổi về kỹ thuật nhuộm chàm, củ nâu, lá xuôi; dệt vải lanh, vải bông; vẽ sáp ong (vẽ batik) và thêu tay của dân tộc Dao, H’Mông, Thái. Để tổ chức thành công những hoạt động này, cậu cùng cộng sự phải đến các vùng dân tộc thiểu số Tây Bắc để khảo sát thực tế và nghiên cứu văn hóa truyền thống của họ. Các bạn tìm gặp những nghệ nhân lâu đời để nghe chia sẻ chuyện nghề, về những kỹ thuật gia truyền; đồng thời mời họ ra Hà Nội để tham gia các xưởng thực hành tại Vi Workshops.
Mỗi ngày, nơi này đón rất nhiều khách nước ngoài và các bạn trẻ đam mê sáng tạo tới trải nghiệm. Khách tham quan đánh giá rất cao tính chuyên nghiệp trong khâu tổ chức. Họ khẳng định, những hoạt động của Vi Workshops đang mang lại những giá trị tốt đẹp cho xã hội, góp phần bảo tồn, phát triển bản sắc văn hoá Việt và bảo vệ môi trường.
Từ khi tìm hiểu và tiếp cận sâu những giải pháp thời trang mang tính bền vững, Nhật Minh nhận thấy, việc sản xuất quần áo hàng loạt đã gây ảnh hưởng lớn tới môi trường. Các loại sợi và thuốc nhuộm hóa học cùng những bộ quần áo thừa, bị thải ra làm cho Trái đất nóng lên. Trước tình hình việc sản xuất các sản phẩm may mặc đang gây ô nhiễm môi trường, nhiều hãng thời trang đã thay đổi chiến lược và nguyên tắc kinh doanh, từ thời trang nhanh chuyển sang thời trang xanh. Họ bắt đầu hướng tới những sản phẩm thân thiện môi trường với nguyên liệu có nguồn gốc tự nhiên, không lạm dụng phẩm màu độc hại hoặc tận dụng tái chế các nguồn nguyên liệu.
Việc theo đuổi thời trang bền vững cũng khiến Nhât Minh thay đổi thói quen tiêu dùng cá nhân. Cậu biết được nhu cầu nào thực sự cần thiết để tránh mua sắm lãng phí. Hơn nữa, công việc này còn giúp Nhật Minh trau dồi và biết thêm những câu chuyện thú vị về thời trang truyền thống của Việt Nam. Cậu nhớ nhất lần tham gia buổi trình diễn bộ sưu tập “Phiêu” từ thương hiệu Kilomet109 của nhà thiết kế Vũ Thảo trong khuôn khổ ELLE Fashion Journey 2017.
“Sự kiện này quy tụ những nhà thiết kế thời trang nổi tiếng trong nước. Họ mang tới những bộ sưu tập truyền tải thông điệp về thời trang bền vững. Được tận mắt chiêm ngưỡng những trang phục ý nghĩa đó trên sàn diễn hiện đại, mình càng thêm yêu các chất liệu truyền thống và có động lực dấn thân vào nghề hơn. Bởi mình biết, hiện có rất nhiều người trẻ cũng trân trọng nét đẹp truyền thống và yêu môi trường”, Nhật Minh nói.
Để làm về thời trang truyền thống, Nhật Minh cho rằng, MCer phải thực sự yêu thích và quan tâm nghiêm túc tới văn hóa cổ truyền Việt Nam. Khi đó, bạn mới có đủ tâm trí dành cho thời trang. Hơn nữa, công việc này đòi hỏi bạn phải luôn chủ động nghiên cứu, tìm tòi; đồng thời kiên trì, tỉ mẩn ghi chép những điều tìm hiểu được. Bởi kiến thức về lịch sử truyền thống vô cùng sâu rộng, không thể trong ngày một, ngày hai mà có thể thấu hiểu, phục dựng lại được như nguyên bản. Bên cạnh đó, MCer cần trau dồi thêm hiểu biết về vấn đề môi trường để thay đổi suy nghĩ và hành động của bản thân trước.
Cậu “bật mí” một số “tip” để theo đuổi lối sống xanh trong thời trang. Đầu tiên là bạn hãy sẵn sàng trao đổi, cho những trang phục ít dùng đến của mình một cuộc đời mới. Việc này sẽ góp phần hạn chế rác thải và giúp Trái đất xanh hơn. Thứ hai, đừng ngại mua trang phục “second-hand”!
Tuy nhiên, để tránh mua sắm quá nhiều và khiến sản phẩm có vòng đời ngắn, bạn nên mua những món đồ chất lượng, phù hợp túi tiền. Mặt khác, hãy chọn sản phẩm được sản xuất tại địa phương! Bởi chỉ riêng việc vận chuyển một chiếc áo đến chỗ bạn cũng tạo ra lượng khí CO2 đáng kể trong bầu không khí. Chưa hết, bạn hãy hướng đến phong cách sống tối giản, sở hữu lượng quần áo ít nhất có thể. Chỉ mua khi cần thiết đồng nghĩa với việc sản xuất ít hơn, ô nhiễm ít hơn và vứt bỏ ít hơn.
Ngoài niềm say mê thời trang, Nhật Minh còn thích tham gia các hoạt động nghệ thuật liên quan đến thị giác. Dù làm công việc nào, cậu cũng luôn hướng đến lối sống tối giản và thân thiện với môi trường.
MC luôn trong tim Nhắc tới Marie Curie, tôi bồi hồi nhớ lại những năm tháng thanh xuân tươi đẹp. Ở đó, tôi có những người bạn là anh chị em thân thiết, thầy cô là bố mẹ với trái tim đong đầy yêu thương. Nhờ có nơi này, tôi biết cách biến ước mơ thành hiện thực. Những lần tham dự lễ hội Halloween, Bánh chưng… đã giúp tôi đã trang bị những kỹ năng sống hữu ích. Những bài giảng trong giờ Ngữ văn của cô Phương Nguyên giúp tôi biết cách trả lời phỏng vấn báo chí; diễn đạt ý tưởng một cách logic, mạch lạc, dễ hiểu và gãy gọn. Dù đã rời xa nơi đây gần ba năm nhưng trái tim tôi vẫn vẹn nguyên tình yêu với MC. Tôi hy vọng, các thế hệ học trò hôm nay và mai sau sẽ luôn sống hết mình, trở thành người tử tế để xứng đáng với danh xưng MCer. |