“Con đường hạnh phúc” thứ hai qua qua đỉnh Mã Pí Lèng

2609 học sinh lớp 3 của huyện Mèo Vạc với 90% là người dân tộc H'mông cần học tiếng Anh theo chương trình Giáo dục phổ thông mới. Nhưng cả huyện chỉ có một giáo viên tiếng Anh tiểu học. Hành trình "hành khất" tiếng Anh của thầy Bùi Văn Thư - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang - bắt đầu trong bối cảnh khốn khó như vậy.

Huyện Mèo Vạc nằm trên cao nguyên địa chất Đồng Văn, bốn bề là núi. Phía đông và phía bắc giáp Trung Quốc, phía tây giáp hai huyện Đồng Văn và Yên Minh, phía nam giáp Cao Bằng, mật độ dân số theo thống kê năm 2021 là 112 người/km2.

Trước đây, Mèo Vạc là nơi tận cùng của Hà Giang khi quốc lộ 4C dừng lại ở cửa khẩu Săm Pun, xã Xín Cái. Sau này, 4C phóng hướng tuyến mới về phía Nam gặp quốc lộ 34, Mèo Vạc có thêm một cánh cửa thông sang Bảo Lâm, Cao Bằng.

Dẫu vậy, miền viễn xứ xa xôi trập trùng núi đá tai mèo vẫn là nơi khó khăn nhất của tỉnh Hà Giang - một trong năm tỉnh thành có số hộ nghèo cao nhất cả nước.

98% học sinh tại Mèo Vạc là người dân tộc thiểu số, trong đó chủ yếu là người H'mông. Học sinh ở đây lên lớp 6 mới được học tiếng Anh. Tuy nhiên, kể từ năm học 2022-2023, theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, tiếng Anh trở thành môn học bắt buộc từ lớp 3.

Cả huyện chỉ có một giáo viên tiếng Anh tiểu học, dạy tại Trường tiểu học Thị trấn Mèo Vạc. Tính đến tháng 8/2022, khi chỉ còn một tháng là đến ngày khai giảng năm học mới, Mèo Vạc không tuyển dụng được thêm giáo viên tiếng Anh nào.

149 lớp 2 tương ứng với 2609 học sinh chuẩn bị lên lớp 3 đứng trước nguy cơ "thất học" tiếng Anh. Không một ai có thể tưởng tượng được về điều kỳ diệu xảy ra vào một tháng sau đó. Điều kỳ diệu bắt đầu từ người thầy đi xin chữ về cho hàng nghìn học trò đang "đói" tiếng Anh của mình, thầy Bùi Văn Thư - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mèo Vạc…

Con đường chúng tôi đi chưa từng có trước đó

Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 đã được triển khai từ năm học 2021-2022. Công tác chuẩn bị nhân sự để triển khai chương trình tại huyện Mèo Vạc có những khó khăn như thế nào thưa ông?

- Hai năm trước khi triển khai chương trình, huyện Mèo Vạc đã tích cực chuẩn bị nhân sự. Nhưng cái khó là hiếm giáo viên muốn lên vùng đất có điều kiện kinh tế khó khăn như thế này công tác. Giáo viên tiếng Anh càng ít ỏi. Việc thiếu giáo viên tiếng Anh và tin học không phải vấn đề cục bộ của Mèo Vạc mà của cả Hà Giang cũng như các tỉnh vùng cao.

Với giáo viên tin học, chúng tôi giải quyết bằng việc tận dụng nguồn nhân lực tại chỗ, cử một số thầy cô đi học văn bằng 2 về dạy kiêm nhiệm. Nhưng tiếng Anh thì không ai chịu đi. 

Tới khi triển khai, trong tay Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) có 24 giáo viên tiếng Anh THCS và duy nhất một giáo viên tiếng Anh tiểu học. Ngoại trừ Trường học Thị trấn Mèo Vạc, 100% các trường tiểu học còn lại chưa dạy và học tiếng Anh bao giờ.

Năm học 2022-2023, chúng tôi có 149 lớp 2 chuyển lên lớp 3. Chúng tôi dự tính chỉ có thể dạy trực tuyến. Hình dung của chúng tôi khi đó là phát bài giảng của cô giáo tới tất cả các lớp. Đồng thời điều động 24 giáo viên THCS xuống hỗ trợ. Dù thực tế, bậc THCS cũng đang thiếu giáo viên tiếng Anh.

Nghĩ thế nhưng chúng tôi thực sự rất loay hoay và lúng túng, không biết mọi việc sẽ như thế nào. Trong lúc loay hoay, tháng 7/2022, qua một chương trình kết nối, tôi được gặp thầy Nguyễn Xuân Khang - Hiệu trưởng Trường Marie Curie, Hà Nội - qua điện thoại. Cơ duyên tốt đẹp đến từ đây.

Tại Hà Nội, khi chia sẻ câu chuyện về "cơ duyên" này cũng như hành trình mang tiếng Anh lên Mèo Vạc, thầy Khang đã khóc. Ở góc nhìn của những người thầy ở Mèo Vạc như ông, hành trình đó hẳn là cũng đong đầy cảm xúc?

Cuộc nói chuyện đầu tiên của tôi với thầy Khang liên quan tới chương trình trồng rừng cho Mèo Vạc do trường của thầy tài trợ. Nhân đó, tôi và thầy trao đổi về giáo dục vùng cao.

 Thầy Khang nói muốn hỗ trợ sách vở, đồ dùng học tập cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn và hỏi trên Mèo Vạc còn thiếu gì không. Tôi thưa với thầy, rằng thiếu thì thiếu nhiều nhưng chỉ dám nhờ thầy tài trợ cho trẻ con ít sách truyện để đọc. Thầy bảo việc đó đơn giản, mỗi học trò Marie Curie góp hai cuốn truyện là học sinh Mèo Vạc thoải mái đọc.

Giữa tháng 8/2022, đoàn của thầy Khang lên Mèo Vạc để trao sách vở, đồ dùng học tập và hàng ngàn cuốn sách truyện như lời hứa.

Khi xong việc, cả đoàn ăn cơm, nói chuyện thân tình. Trong đầu tôi bỗng nảy lên một ý nghĩ. Tôi mạnh dạn nêu lời đề nghị tới thầy Khang, xin Trường Marie Curie dạy trực tuyến môn tiếng Anh cho học sinh lớp 3 ở Mèo Vạc.

Hai ngày sau đó, khi đoàn đã về, thầy Khang gọi cho tôi nói nhất trí với việc đó. Lòng tôi tràn ngập sung sướng và bất ngờ. Dù đã đưa ra lời đề nghị, tôi không dám nghĩ là thầy Khang lại đồng ý. Thầy nhất trí rồi nhưng cả thầy và tôi đều chưa hình dung được là sẽ làm như thế nào.

Phòng GD&ĐT huyện Mèo Vạc và Trường Marie Curie lúc này mới bắt tay vào chuẩn bị, mất ăn mất ngủ nhiều ngày để bàn bạc, thảo luận. Con đường chúng tôi sắp đi chưa từng có trước đó.

Nửa năm học, cô trò mới gặp nhau, bật khóc

Vì chưa từng có con đường nào trước đó, có thời điểm nào ông lo lắng rằng việc dạy tiếng Anh trực tuyến như vậy, nhất là dạy cho hầu hết trẻ em dân tộc thiểu số, học, nói tiếng Việt đã là chuyện khó khăn, sẽ không thể khả thi trên thực tế?

Tôi chưa từng nghĩ thế. Vì tất cả đều rất đồng lòng, quyết tâm làm bằng được, tìm ra mọi giải pháp phù hợp nhất.

Đầu tiên, chúng tôi tham mưu cho huyện chuyển toàn bộ học sinh lớp 2 lên lớp 3 về các điểm trường chính để học. Các điểm trường lẻ, cơ sở vật chất rất hạn chế, nhiều điểm trường không có mạng internet, không có điện, không thể triển khai dạy trực tuyến được. Với việc chuyển học sinh về 18 điểm trường chính, 149 lớp chỉ còn 76 lớp. 

76 lớp học trực tuyến thì cần 76 phòng học. Mỗi phòng học cần trang bị đầy đủ tivi màn hình lớn, máy tính, loa, mic. Như thế số tiền đầu tư lên đến vài tỷ, rất tốn kém. Tuy nhiên, thầy Khang đã tuyển dụng 22 giáo viên chỉ để dạy tiếng Anh cho Mèo Vạc. Tức mỗi điểm trường có ít nhất 1 giáo viên của riêng mình. Vậy thì chỉ cần 1 phòng học thôi. 18 điểm trường là 18 phòng học, số tiền đầu tư rút xuống còn vài trăm triệu. Huyện đồng ý ngay.

Chính sách gom học sinh lớp 3 về điểm trường chính được cấp ủy chính quyền các xã đồng thuận, hỗ trợ vận động các gia đình đồng ý cho con em đi học. Những đứa trẻ mới 8, 9 tuổi phải xa bố mẹ cả tuần, không phải điều dễ dàng. Chúng tôi vừa phải làm tâm lý cho gia đình, vừa phải lo chỗ ăn ở cho các con. Trẻ học ở trường từ thứ 2 đến trưa thứ 6. Chiều thứ 6, gia đình đón trẻ về và chiều chủ nhật lại đưa trẻ ra.

Khi mọi thứ đã chuẩn bị xong, chúng tôi quyết định dạy thử 1 lớp xem vướng mắc ở đâu, cách thức triển khai đã được chưa và cần làm thêm những gì. Đó là ngày 9/9/2022, 4 ngày sau lễ khai giảng và 24 ngày kể từ lúc thầy Khang nhận lời.

Ngày 12/9, dự án triển khai đồng loạt dạy cho tất cả 76 lớp 3 tại 18 trường tiểu học tại Mèo Vạc.

24 ngày để chuẩn bị tất cả, từ trang bị 18 phòng học trực tuyến, gom học sinh từ các điểm trường lẻ về trường chính, chuẩn bị giáo trình, sách vở, đội ngũ giáo viên hỗ trợ… thực sự là một dự án thần tốc. Có điều gì nằm ngoài sự hình dung của ông không?

Như tôi chia sẻ, ban đầu tôi chỉ nghĩ cho các con học trực tuyến theo hình thức xem tivi, tức là không có tương tác hai chiều, chủ yếu tiếp cận, làm quen với tiếng Anh chứ không kỳ vọng gì hơn. Tuy nhiên, lớp học trên thực tế không khác gì một lớp học trực tiếp, chỉ là thầy và trò không chạm được vào nhau.

Mỗi lớp học do cô chủ nhiệm quản lớp. Cô cùng học tiếng Anh với trò để hỗ trợ trò và "phiên dịch tiếng phổ thông" với cô giáo tiếng Anh khi cần. Vậy là trò học, thầy cô cũng học, thầy trò đồng hành học tiếng Anh. Chúng tôi dự tính sẽ đặt hàng các thầy cô có khả năng tiếp cận tiếng Anh tốt để chọn làm giáo viên tiếng Anh cho những năm học sau. 

Một số vấn đề kỹ thuật cũng nảy sinh trong quá trình triển khai. Ban đầu việc kết nối được thực hiện qua ứng dụng miễn phí như google meet, zalo, đường truyền không ổn định, phải chuyển sang mua tài khoản zoom. Chúng tôi đề nghị mỗi trường mua 1 tài khoản riêng và kéo đường truyền internet trực tiếp đến phòng học đó.

Bên cạnh đó, thiết bị thu hình đa năng không thu được tiếng ở khoảng cách xa, nhiều trò ngồi cuối lớp khi đứng lên trả bài cô giáo không nghe được. Do đó, các trường phải đầu tư thêm một chiếc loa kéo có gắn mic để âm thanh được rõ nét.

Ngoài ra, việc chỉ có 1 phòng học cũng không đảm bảo được thời lượng tiết học khi các con ra vào, di chuyển đầu và cuối mỗi tiết mất khá nhiều thời gian. Chúng tôi khuyến khích các trường đầu tư thêm phòng học để đảm bảo điều kiện dạy và học tốt nhất.

Nói chung, Phòng GD&ĐT, các trường duy trì trao đổi thường xuyên, khó khăn, vướng mắc ở đâu là khắc phục ngay. Tổng kết học kỳ I, chúng tôi mời các thầy cô Trường Marie Curie lên để thầy và trò được gặp nhau bằng xương bằng thịt. Buổi gặp gỡ đó vô cùng xúc động.

Quốc lộ 4C mới hay “con đường hạnh phúc” trong giáo dục

Năm nay, Trường Marie Curie tiếp tục hỗ trợ dạy tiếng Anh trực tuyến cho Mèo Vạc, đón học sinh khối 3 năm ngoái lên lớp 4. Vậy với học sinh khối 3 mới, Phòng GD&ĐT tìm nguồn giáo viên ở đâu để dạy, thưa ông?

Dự án của Trường Marie Curie đã có sự lan tỏa vô cùng lớn. Nhờ đó mà nhiều đơn vị đã kết nối để làm dự án tương tự cho Mèo Vạc.

Năm nay, chúng tôi có 78 lớp 3, gần 3000 học sinh. Một nhóm thiện nguyện tại TPHCM hỗ trợ dạy cho 48 lớp của 10 trường. Sở GD&ĐT tỉnh Lâm Đồng thông qua một chương trình hỗ trợ tỉnh Hà Giang đã cử 16 thầy cô dạy cho 16 lớp của 4 trường.

14 lớp còn lại ,chúng tôi dùng giáo viên tại chỗ giảng dạy. Tháng 4 vừa qua, chúng tôi tuyển được 2 giáo viên, vậy là cả huyện đã có 3 giáo viên tiếng Anh.

Ngoài ra, CLB tiếng Anh của các học sinh trường FPT tại Hà Nội hỗ trợ dạy cho học sinh lớp 5 của Mèo Vạc 2 buổi/tuần. Theo chương trình, học sinh lớp 5 chưa phải học tiếng Anh. Nhưng mỗi trường chúng tôi chọn ra 25-30 em có khả năng tiếp thu tốt và thích thú với việc học tiếng Anh tham gia lớp học này để làm quen dần với ngoại ngữ trước khi lên lớp 6.

Chúng tôi xác định, Mèo Vạc không thể lo được nguồn nhân sự giáo viên tiếng Anh trong một vài năm tới. Phương án căn cơ là kêu gọi tài trợ cho học sinh học hết lớp 12 đi học tiếng Anh và về phục vụ quê nhà. Mỗi năm động viên 5-10 em đi. 4-5 năm nữa các em ra trường, Mèo Vạc sẽ có một đội ngũ giáo viên tiếng Anh mới.

Từ việc không có đường nay đã có đường, hành trình dạy tiếng Anh cho học sinh Mèo Vạc theo chương trình Giáo dục phổ thông mới được ví giống như "Con đường hạnh phúc" - quốc lộ 4C - của Hà Giang?

Cảm ơn về nhận xét rất chuẩn đó. Khó khăn vẫn còn rất nhiều, nhưng năm nay việc dạy tiếng Anh của Mèo Vạc đã có… đường đi. Nhiều huyện của Hà Giang đã tới Mèo Vạc khảo sát, đánh giá để học cách vận hành và nhân rộng mô hình dạy trực tuyến này. Chúng tôi cũng đón một đoàn của Cao Bằng sang học tập kinh nghiệm để triển khai. Tôi được biết một số tỉnh thành cũng làm giống Mèo Vạc và công tác đang có hiệu quả tốt.

Với riêng học trò Mèo Vạc, kết quả việc học tiếng Anh nằm ngoài mong đợi. Các con rất hứng thú với môn học. Một số học sinh đã được cử đi thi học sinh giỏi của tỉnh Hà Giang và đạt thành tích đáng khích lệ.

Các con phần đông là người H'mông. Tiếng Việt với các con không phải tiếng mẹ đẻ. Dùng tiếng Việt để học tiếng Anh là dùng ngoại ngữ để học thêm một ngoại ngữ khác. Do đó, tôi thương các con và cũng tự hào về các con rất nhiều. Các con thực sự rất giỏi.

Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!

Dự án dạy tiếng Anh trực tuyến chính khóa cho học sinh Mèo Vạc do nhóm 25 giáo viên Trường Marie Curie thực hiện, trong đó có 22 giáo viên trực tiếp giảng dạy, 3 giáo viên làm công tác điều phối.

Theo quy định, học sinh lớp 3 học 4 tiết tiếng Anh/tuần. Nhóm dự án phụ trách dạy 3 tiết. 1 tiết còn lại do huyện Mèo Vạc tự thu xếp, điều động giáo viên tiếng Anh cấp 2 xuống tăng cường, chủ yếu làm công tác kiểm tra định kỳ.

Thầy Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng Trường Marie Curie, bật khóc khi chia sẻ về buổi tổng kết học kỳ I, năm học 2022-2023, ngày mà các thầy cô của dự án được gặp trực tiếp 2609 học trò của mình tại Mèo Vạc: "Các vị không hình dung được cô trò ôm nhau sung sướng như thế nào. Suốt 4 tháng trời chỉ thấy nhau qua màn hình tivi, bây giờ cô ngửi được mồ hôi của học trò, trò ngửi được mùi thơm của cô giáo. Cô trò xúc động vô cùng".

Kết thúc năm học, dự án được đánh giá thành công đặc biệt. 2609 học sinh hoàn thành môn học theo yêu cầu đề ra. Có 4 học sinh tham gia kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh tại Hà Giang và được nhận bằng khen.

Sở GD&ĐT Hà Giang đã tặng bằng khen cho tập thể giáo viên Trường Marie Curie vì tính hiệu quả, nhân văn của dự án đặc biệt này.

 

Theo Dân trí

(https://dantri.com.vn/giao-duc/con-duong-hanh-phuc-thu-hai-qua-dinh-ma-pi-leng)

21

Tháng 11/2024

SÔI NỔI HOẠT ĐỘNG VĂN NGHỆ CHÀO MỪNG NGÀY NHÀ GIÁO VIỆT NAM

SÔI NỔI HOẠT ĐỘNG VĂN NGHỆ CHÀO MỪNG NGÀY NHÀ GIÁO VIỆT NAM

SÔI NỔI HOẠT ĐỘNG VĂN NGHỆ CHÀO MỪNG NGÀY NHÀ GIÁO VIỆT NAM

Thứ năm, 21 Tháng 11 2024 08:17 Viết bởi TRUONG MARIE
Hòa chung không khí hân hoan của cả nước hướng tới kỷ niệm 42 năm ngày Nhà giáo Việt Nam, tại hệ thống giáo dục Marie Curie, Hội diễn văn nghệ lần thứ 32 diễn ra sôi nổi với gần 240 tiết mục từ các lớp mầm non đến THPT. Chương trình này cũng là cơ hội để các MCer, thầy cô và bố mẹ được toả sáng trên sân khấu lung linh.
Xem thêm

21

Tháng 11/2024

LỄ TRAO GIẢI HDVN32: ẤN TƯỢNG KHÓ QUÊN

LỄ TRAO GIẢI HDVN32: ẤN TƯỢNG KHÓ QUÊN

LỄ TRAO GIẢI HDVN32: ẤN TƯỢNG KHÓ QUÊN

Thứ năm, 21 Tháng 11 2024 08:10 Viết bởi TRUONG MARIE
Sáng 20/11, tại nhà hát Thăng Long - cơ sở Việt Hưng đã diễn ra chương trình tranh giải Đặc biệt và vinh danh các tập thể xuất sắc nhất Hội diễn văn nghệ lần thứ 32.
Xem thêm

20

Tháng 11/2024

MỘT NGƯỜI THẦY TRÂN QUÝ

MỘT NGƯỜI THẦY TRÂN QUÝ

MỘT NGƯỜI THẦY TRÂN QUÝ

Thứ tư, 20 Tháng 11 2024 15:26 Viết bởi TRUONG MARIE
Mang trong mình nhiệt huyết và đạo đức của nghề giáo, trong suốt 30 năm làm nghề, thầy Nguyễn Xuân Khang – Chủ tịch Hệ thống giáo dục Marie Cuire Hà Nội đã là người gieo mầm xanh của sự tử tế vào tâm hồn của biết bao thế hệ học sinh.
Xem thêm

20

Tháng 11/2024

CHUNG KHẢO HDVN32 K89-MĐ: TRÂN TRỌNG TỪNG KHOẢNH KHẮC BÊN NHAU

CHUNG KHẢO HDVN32 K89-MĐ: TRÂN TRỌNG TỪNG KHOẢNH KHẮC BÊN NHAU

CHUNG KHẢO HDVN32 K89-MĐ: TRÂN TRỌNG TỪNG KHOẢNH KHẮC BÊN NHAU

Thứ tư, 20 Tháng 11 2024 09:07 Viết bởi TRUONG MARIE
Những thước phim quay chậm trên sân khấu MC đã mang tới cho người xem cảm nhận sâu sắc hơn về ý niệm thời gian. Thông qua 26 tiết mục ý nghĩa, các MCer khối 8, 9 - Mỹ Đình đã lan tỏa thông điệp “Đừng bao giờ để đến ngày mai những việc có thể làm hôm nay!”.
Xem thêm

19

Tháng 11/2024

CHUNG KHẢO HDVN 32 THPT-VP: ĐÊM DIỄN VỚI NHIỀU DẤU ẤN RỰC RỠ

CHUNG KHẢO HDVN 32 THPT-VP: ĐÊM DIỄN VỚI NHIỀU DẤU ẤN RỰC RỠ

CHUNG KHẢO HDVN 32 THPT-VP: ĐÊM DIỄN VỚI NHIỀU DẤU ẤN RỰC RỠ

Thứ ba, 19 Tháng 11 2024 14:59 Viết bởi TRUONG MARIE
Tối 16/11, Chung khảo khối THPT - Văn Phú đã đưa mọi người trải qua nhiều cung bậc cảm xúc: từ háo hức, chờ đợi, lắng đọng khi từng lời ca, giai điệu được vang lên cho đến bồi hồi, suy ngẫm về hai chữ “Thời gian”.
Xem thêm