Trong cuộc thi Khoa học kỹ thuật Olympic Phát minh và Sáng chế quốc tế (WICO) 2023, Bùi Lê Minh (CHS M1, 17 - 21) cùng nhóm nghiên cứu đã xuất sắc giành huy chương Vàng (HCV). Sáng chế thùng đựng vaccine cho vùng sâu, vùng xa của các bạn được hội đồng giám khảo đánh giá cao về sự sáng tạo và tính ứng dụng thực tiễn.
Khi biết tin phát minh của nhóm đoạt HCV, Lê Minh rất vui vì đã hoàn thành mục tiêu và cảm thấy những cố gắng nỗ lực mà mình bỏ ra được đền đáp xứng đáng. Theo cậu, nhóm bắt đầu thực hiện đề tài từ tháng 6/2023 và kéo dài gần 2 tháng ở ĐH Sư phạm Hà Nội. Lê Minh là nhóm trưởng nên tham gia tất cả nhiệm vụ, từ làm thí nghiệm, lắp mô hình đến thiết kế poster, viết báo cáo.
Với mong muốn giải quyết những khó khăn trong quá trình bảo quản và vận chuyển vaccine đến vùng sâu, vùng xa, các bạn đã sáng chế ra loại thùng đựng đặc biệt. Lê Minh cho biết, hiện vaccine thường được để trong bình giữ nhiệt bằng nước đá để vận chuyển đến các địa phương miền núi. Điểm hạn chế của phương pháp này là không thể vận chuyển được những loại yêu cầu bảo quản ở nhiệt độ dưới 0 độ C. Ngoài ra, một số phương thức có thể giữ vaccine ở nhiệt độ thấp nhưng hầu hết rất đắt đỏ và cồng kềnh. Vì thế, người dân ở vùng sâu, vùng xa gặp rất nhiều khó khăn trong việc tiếp cận vaccine. Nhận thấy thực trạng đó, nhóm đề xuất giải pháp sử dụng hiệu ứng nhiệt điện để giữ vaccine ở nhiệt độ thấp mà không tốn quá nhiều chi phí; đồng thời, thùng chứa có kích thước nhỏ gọn để di chuyển một cách thuận lợi đến miền núi. Các bạn mong muốn đề tài này sẽ giúp giải quyết tình trạng thiếu vaccine được đưa tới vùng sâu, vùng xa.
Để hoàn thiện đề tài, các bạn đã tiến hành thí nghiệm và thử đi, thử lại nhiều cách làm giảm nhiệt độ của thùng xuống mức thấp nhất có thể. Đến tận những ngày cuối trước khi thi, nhóm mới tiến hành thành công thí nghiệm. Lê Minh kể: “Trong quá trình thực hiện, nhóm đã gặp không ít khó khăn về việc thử nghiệm và lắp mô hình. Ví dụ: việc cháy con sò nhiệt hoặc hỏng một số bộ phận… khiến chúng mình tốn rất nhiều thời gian để làm lại. Nhưng may mắn, nhóm được các thầy cô ở ĐH Sư phạm Hà Nội tận tình hỗ trợ nên vượt qua được thử thách đó. Sự động viên, ủng hộ của bố mẹ cũng giúp nhóm yên tâm và thoải mái hoàn thiện đề tài”.
Qua cuộc thi, Lê Minh vừa có nhiều kỷ niệm vừa thu được những bài học quý giá. “Không chỉ dừng lại ở khoảng thời gian làm thí nghiệm và cùng nhau trải qua nhiều khó khăn, chuyến đi tới Hàn Quốc cũng là ký ức không thể nào quên với chúng mình. Khi tới xứ sở Kim chi, cả nhóm có dịp đi chơi, trải nghiệm văn hoá, ẩm thực ở Seoul. Bên cạnh đó, chúng mình còn trau dồi thêm kinh nghiệm làm việc từ các thầy cô, bạn bè quốc tế”, cậu vui vẻ nói.
Để có được thành tích đáng tự hào ấy, Lê Minh vô cùng biết ơn những năm tháng theo học dưới mái trường Marie Curie. Cậu bồi hồi chia sẻ: “Mình may mắn được trở thành một phần của M1, 17 - 21. Chúng mình được ở trong môi trường mà mọi người đều nghiêm túc học tập nhưng cũng hết mình với việc… chơi. Nhờ thế, mình biết được cách học, nghỉ ngơi, giải trí chủ động và thoải mái. Lớp mình có rất nhiều bạn giỏi giang với những sở trường khác nhau. Điều ấy trở thành động lực lớn để mình cố gắng tìm ra đam mê và kiên trì theo đuổi tới cùng. Tất cả đam mê và nhiệt huyết của chúng mình đều được cô chủ nhiệm Thu Bích ủng hộ. Bạn bè ở M1 đến nay vẫn giữ liên lạc và giúp đỡ nhau khi cần. Chẳng hạn như trong cuộc thi vừa qua, Vy Anh đã giúp mình thiết kế poster”.
Với Lê Minh, MC chính là mái nhà thứ hai. Tại đây, cậu đã trải qua 4 năm thật trọn vẹn với thầy cô nhiệt tình, tận tâm; bạn bè giỏi giang, vui vẻ cùng nhiều hoạt động ngoại khóa thú vị. Điều đó đã góp phần giúp cậu phát triển toàn diện. Theo Lê Minh, từng giây phút trôi qua ở MC đều đáng nhớ. Cậu nhớ nhất những ngày ôn thi cấp 3 vừa căng thẳng vừa tràn đầy sự háo hức xen lẫn hồi hộp. Trong không khí mà ai cũng nghiêm túc, chăm chỉ cố gắng để đạt được nguyện vọng thì cả lớp đã hoà hợp, hiểu và thân thiết với nhau hơn bao giờ hết.
Lê Minh muốn nhắn nhủ tới các MCer khóa sau rằng: “Để biến đam mê của bản thân thành hiện thực, điều quan trọng nhất là sự cố gắng và kiên trì. Khi đã có đam mê thì mình không được từ bỏ, kể cả bị hạn chế bởi môi trường. Khi mình đam mê đủ, đào sâu đủ thì tự khắc sẽ có cơ hội biết tới môi trường hội tụ những con người cùng đam mê. Đó chính là lúc mình tìm được các thầy cô, anh chị, những người hướng dẫn hay đi trước chỉ dạy cho mình; tìm được những đồng đội đồng hành với mình. Mình tin là không chỉ với lĩnh vực khoa học nói chung và những cuộc thi học thuật nói riêng, bất cứ ngành nghề hay đam mê nào cũng có thể vun đắp ngay từ lúc ngồi trên ghế nhà trường theo cách ấy”.
Cô Thu Bích (GVCN M1, 17 - 21) luôn nhớ và tự hào về cậu học trò đáng yêu, sống chân thành và tình cảm. Cô xúc động nói: “Dù ra trường đã lâu nhưng con vẫn thường tới thăm cô. Có lúc đi với các bạn, có khi tới một mình. Minh hỏi han, quan tâm sức khỏe của tôi rất nhiều. Từ phong thái học tập tới lối sống, từ lúc còn học MC cho đến nay, tôi rất cảm phục con. Tôi hãnh diện và cảm thấy may mắn khi có những học trò như Lê Minh”.
Cô Lê Dung (mẹ của Lê Minh và Khoa Nguyên, 7G1) chia sẻ thêm: “Ở nhà, Minh là cậu bé vui vẻ, có tính kỷ luật cao, thích nghiên cứu các lĩnh vực về sáng tạo khoa học và làm việc nhóm. Từ cuối cấp 2, khi bố mẹ định hướng con thi vào chuyên Lý và chuyên Toán, con trả lời thi chuyên Tin, không phải vì chuyên Tin dễ hơn mà vì con thích khám phá thế giới công nghệ, lập trình code… Khi con đỗ vào chuyên Tin - Nguyễn Huệ, các bạn cùng lớp gọi đùa con là “ông hoàng code”. Những ngày đi học ở MC là khoảng thời gian hạnh phúc nhất thời học sinh của con. Khi con vào cấp 3, dù vẫn được thầy cô, bạn bè tín nhiệm nhưng hễ có bất kỳ dịp gì của MC là con xốn xang rủ bạn bè về trường như về chính nhà mình vậy. Đặc biệt, Minh luôn nhắc đến cô chủ nhiệm như nhắc về người thân”.