Say mê ngành khoa học robot nói riêng và các hoạt động ngoại khóa nói chung, Phạm Bùi Bình An và Nguyễn Lân Trung (CHS I1, 12 - 16) đã có nhiều trải nghiệm quý giá ở các đấu trường trong và ngoài nước. Hãy cùng lắng nghe những chia sẻ thú vị của các bạn nhé!
Lớp trưởng MC ở đấu trường robot quốc tế
Lý do nào khiến Bình An dành nhiều tâm huyết cho các hoạt động ngoại khóa đến vậy?
Bình An: Mình nhận thấy rằng, thông qua những hoạt động ngoại khóa, mình có nhiều cơ hội được tiếp xúc với thầy cô, bạn bè hơn và bản thân trở nên năng động hơn, có thêm nhiều trải nghiệm trong cuộc sống.
Bình An làm thế nào để vừa giữ phong độ học tập (điểm tổng kết trung bình 9,6) vừa trở thành người năng động, nhiệt tình trong các hoạt động ngoại khóa?
Bình An: Mình thường đánh giá mức độ quan trọng của công việc cần làm để đưa ra kế hoạch phù hợp cho từng giai đoạn. Cụ thể, trước mỗi sự kiện, mình tập trung toàn bộ sức lực sao cho dự án chạy trôi chảy; sắp đến mùa thi thì giảm bớt thời gian tham gia hoạt động ngoại khóa để ôn thi đạt kết quả tốt nhất.
Là thành viên đại diện cho Việt Nam thi đấu robot ở đấu trường quốc tế, Bình An nhớ nhất điều gì về chuyến đi FIRST Robotics 2018?
Bình An: Đó là lần đầu tiên mình được trực tiếp lắp ráp một con robot để đi thi quốc tế. Thời điểm ấy gần Tết, cả đoàn phải ở lại muộn, có hôm đến 0h đêm. Chúng mình được hướng dẫn tỉ mỉ cách cưa, cắt, lắp ráp bản mạch và lập trình robot chạy. Việc lắp ráp, chạy thử tốn rất nhiều thời gian và công sức của cả đoàn trong khi chỉ có hơn một tháng chuẩn bị. Thời gian gấp quá nên sau khi gửi sản phẩm sang trước cho đúng thời hạn, chúng mình vẫn tiếp tục nghiên cứu, tìm kiếm thêm vật tư để lúc qua Úc chỉnh sửa nốt cho robot chạy tối ưu nhất.
Mỗi trận đấu là bao sự hồi hộp, lo lắng. Tuy các đội bạn có công nghệ hiện đại, điều kiện vật chất tốt hơn nhiều nhưng chúng mình vẫn tự hào rằng, sản phẩm của Việt Nam không hề thua kém. Kết quả đội nước mình đứng thứ 24/40 là minh chứng cho điều ấy.
Qua cuộc thi, Bình An rút ra được bài học gì cho bản thân?
Bình An: Mình rất ngạc nhiên và thực sự thán phục khi nhìn thấy robot của các nước bạn. Chúng trông đơn giản nhưng hiệu quả đến không ngờ. Lần đầu tiên tiếp cận với những robot đến từ nhiều nước, mình đã được mở mang đầu óc về sự đa dạng vật liệu, ý tưởng lập trình. Mình rất ấn tượng với robot của đội Úc sử dụng tay gắp, cơ chế gắp và bắn nên giúp tiết kiệm nhiều thời gian, tối ưu hóa công đoạn, tăng tính chính xác và ghi được nhiều điểm trong giai đoạn cuối.
Với robot Việt Nam, chúng mình hơi tiếc do chiến thuật thi đấu vòng cuối chưa hợp lý nên đã không thể sang Mỹ thi đấu Chung kết. Đây cũng là bài học để đội cố gắng hơn trong những lần đi thi tiếp theo.
Bình An là một lớp trưởng tài năng, năng động ở MC; giờ lại trở thành một người trưởng thành và tự tin ở môi trường mới. Bạn có thể chia sẻ bí quyết giúp phát triển tối đa khả năng của bản thân?
Bình An: Ở Marie Curie, thầy Khang và các thầy cô mang đến cho học sinh rất nhiều hoạt động ngoại khóa như: lễ hội Bánh chưng, Noel, Halloween, giải bóng “Marie Curie Cup”…, giúp chúng mình học cách làm việc nhóm, biết quan tâm mọi người, thích nghi nhanh và dễ dàng hòa nhập, chứ không “hòa tan” ở môi trường mới.
Chính vì thế, mình muốn nhắn nhủ với các MCer rằng, hãy tham gia nhiệt tình các hoạt động do nhà trường tổ chức; đến năm lớp 8, 9 thì chọn cho mình một môn học yêu thích để theo đuổi. Các em đang được sống trong môi trường rất tuyệt vời mà sau này ra trường rồi sẽ thấy, không nơi đâu có tình yêu thương, sự chăm sóc tận tình của các thầy cô như ở MC.
Phạm Bùi Bình An hiện là học sinh lớp 12 Tin, trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam. - Giải Ba cuộc thi giải Toán qua mạng Internet cấp quận (lớp 8, 9), cấp thành phố (lớp 9). - Thi vào lớp 10 đạt 57,5 điểm. - Giải Khuyến khích phần thi chung hội thi Tin học trẻ quận Cầu Giấy năm lớp 10. - Lớp 11: nhận học bổng Vallet và giành 2 HCĐ cuộc thi “The 9th Asean +3 student camp & teacher workshop for the Gifted in Science”. Là thành viên đại diện cho Việt Nam tham gia cuộc thi “2018 FIRST Robotics Southern Cross Regional” tại Úc. - Hiện là Phó Chủ tịch CLB “Leaders of The Future”, Phó Trưởng BTC “Bão”, đồng sáng lập dự án “High School Help Kit”. |
“Cậu bé vàng” MC trở thành Trưởng BTC Robotics
Nguyễn Lân Trung được mệnh danh là “cậu bé vàng” của MC khi 4 năm học cấp 2 là Thủ khoa trung bình các môn, trong đó điểm tổng kết môn Toán luôn đạt 10,0. Ngoài ra, cậu còn giành giải Nhất HSG Toán cấp thành phố, đỗ 4 trường chuyên với điểm số cao và là 1 trong 10 Thủ khoa của TP. Hà Nội với số điểm tuyệt đối 60/60 ở kỳ thi vào lớp 10. Hiện Lân Trung theo học lớp 12 Toán, trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam.
Không chỉ “đỉnh” ở thành tích học tập và hoạt động ngoại khóa tại MC, cậu còn khiến mọi người nể phục khi tiếp tục giữ vững phong độ ở ngôi trường cấp 3. Điển hình, cậu là thành viên ban lập trình GART và Trưởng BTC của “GART Robotics Camp”.
“Khi còn ở MC, mình đã đam mê hoạt động ngoại khóa. Sau những hoạt động ấy, điều mình nhận được là sự trưởng thành, tiến bộ và động lực để giúp bản thân hiện thực hóa ước mơ. Ngoài ra, mình thấy cuộc sống của mình tự cân bằng và không hề có áp lực gì cả. Theo mình, mỗi bạn đều có quỹ thời gian dành cho việc học và chơi. Chỉ cần làm hết mình, các bạn sẽ cân bằng được cuộc sống”, Lân Trung chia sẻ.
Vừa qua, Lân Trung đã tổ chức thành công “GART Robotics Camp”. Đây là trại hè dành cho học sinh cấp 2 với mục đích truyền niềm đam mê với robot, STEM. Cậu kể lại, làm chương trình cho học sinh cấp 2 không hề dễ. 5 ngày trại hè là chuỗi ngày tương đối “ác mộng” với toàn bộ 30 con người trong ban tổ chức. Nhưng tất cả đã vượt qua được với niềm vui vẹn nguyên từ ngày đầu chuẩn bị cho đến ngày bế mạc.
Dù không phải lần đầu tiên làm trại hè nhưng với Lân Trung, “GART Robotics Camp” là tất cả tâm huyết, là “đứa con tinh thần” lớn của cậu. Vì vậy, cậu đã dồn 200% nỗ lực để đem đến những gì hay nhất về robot cho các em học sinh. Quá trình làm trại hè cũng đã thay đổi cậu rất nhiều, trở nên trưởng thành hơn, tích lũy được nhiều kinh nghiệm hơn và đáng quý nhất là có những người bạn thân thiết như anh chị em ruột thịt.
Lân Trung cho biết: “Với những dự án phi lợi nhuận, điều khó nhất là giữ chân nhân sự. Chúng mình bắt đầu làm với nhau đơn thuần vì niềm đam mê và tinh thần học hỏi. Nhưng điều giữ mọi người ở lại chính là vì niềm vui và tình cảm như một gia đình. Mình nghĩ rằng, với người đứng đầu, khó khăn trong công tác tổ chức thì sẽ dần giải quyết ổn thỏa, còn cái khó nhất là làm sao tìm cách “giữ lửa” đam mê trong mỗi thành viên của BTC.
Một năm ở GART, hai tháng rưỡi làm trại hè, mình vẫn nhớ như in căn phòng thí nghiệm nhỏ bụi bặm, chỉ có tiếng máy chạy. Không khí ồn ào, náo nhiệt của 60 con người (cả trại viên) là cả sự thay đổi đáng kinh ngạc. Trong đó, 30 thành viên ban tổ chức dần trách nhiệm hơn, đam mê hơn, vị tha hơn và đoàn kết hơn. Mình trân trọng tất cả những điều đáng quý ấy. Có những ngày thực sự vất vả, phải đi lại nhiều trong American Centre để lắp lego từ 8h đến 18h rồi chạy qua, chạy lại với bên Octopus để lấy đồ, phỏng vấn... Nhưng chưa một lần thiếu nhân sự, chưa một lần mọi người hời hợt, 19h mà vẫn làm việc hăng say. Động lực duy nhất chính là niềm vui khi chứng kiến các em nhỏ được học, được chơi vui vẻ với robot.
Những tháng ngày với cờ lê, mỏ lết, java, lego, robot… và những con người GART mang lại cho mình rất nhiều thứ. Mình biết lắng nghe, hiểu mọi người hơn và điều quan trọng là bản thân có đam mê, trách nhiệm với những gì đang làm. Mình đã chứng kiến niềm đam mê vô hạn đã thay đổi bản thân như thế nào, biết cách thay đổi đám đông và đưa mọi người xích lại gần nhau hơn”.
“Mình đang hiện thực hóa ước mơ du học. Đó là quá trình chuẩn bị dài, rất mệt nhưng lại đem đến cho mình nhiều niềm vui, bài học và sự bất ngờ thú vị. Quãng thời gian đi học, mình chưa bao giờ thấy nhàm chán vì không bao giờ đặt nặng chuyện thành tích mà chỉ luôn cố gắng hết mình vì đam mê”, Lân Trung bày tỏ. |