Sau gần 20 năm ra trường, anh Nguyễn Hiển (CHS P, 96 - 98) nói vui rằng, lời nhận xét của thầy Khang về anh năm nào: “Có người đến trường chỉ học” gần đúng thôi vì ngày ấy, anh cũng mê bóng đá, hay “tám chuyện” và nghịch lắm! Theo anh, từ giải thưởng Học sinh giỏi Quốc gia môn Hóa đến những thành công đạt được trong nghề giáo… đều có dấu ấn của những năm tháng theo học trường Marie Curie.
Chiếc xe đạp của thầy Hiệu trưởng
Chào anh! Anh có thể kể đôi chút về thời học trò Marie Curie của mình không ạ?
Ngày xưa, thầy Khang nhận xét mình “đến trường chỉ học” nhưng điều đó gần đúng thôi. Bởi mình từng bị các thầy cô “mách” với mẹ rằng, tưởng “nó hiền”, nào ngờ trong lớp cũng hay “tám chuyện” và nghịch ngợm lắm! Ngoài ra, mình từng là tiền vệ, hậu vệ cứng của đội bóng lớp P. Gần như mình không bỏ bất kỳ trận thi đấu nào của lớp. Mình còn nhớ không ít lần tụi con trai chúng mình bị phạt do đá bóng làm vỡ cửa kính của lớp.
Anh từng giành giải Ba kỳ thi HSG Quốc gia môn Hóa năm lớp 12. Bí quyết nào giúp anh đạt được kết quả đáng ngưỡng mộ đó?
Là một giáo viên của trường, mẹ thường kể cho mình nghe về các anh, chị lớp M học giỏi và rất thành công trong cuộc sống. Đó là anh Nguyễn Thái Hà - người giành HCV Toán quốc tế hay anh Nguyễn Hùng Huy - Phó giáo sư ngành Hóa vô cơ, hiện công tác ở khoa Hóa, ĐH Khoa học Tự nhiên… Những câu chuyện đó đã có ảnh hưởng nhất định đến mình.
Đến giờ, mình vẫn nhớ khoảnh khắc người bạn học cùng đội tuyển thông báo mình đoạt giải Ba kỳ thi HSG Quốc gia môn Hóa. Lúc đó vào khoảng 12h trưa ngày 20/4/1998, đúng sinh nhật của mẹ mình. Khi ấy, mình thấy vui lắm vì điều này chứng tỏ học sinh trường dân lập Marie Curie cũng có thể tranh tài với các bạn ở trường chuyên.
Năm ấy, thầy Khang đã tặng mình một chiếc xe đạp mới. Khi thầy gọi lên lấy xe, mình không khỏi bất ngờ, thậm chí còn hỏi thầy: “Em có được mang xe về nhà không ạ?”. Bật mí, chiếc xe ấy đã gắn bó với mình suốt ba năm học Đại học.
MC có ý nghĩa như thế nào đối với anh?
Mỗi khi nhắc đến thầy Khang, mình luôn thấy xúc động, trân trọng và biết ơn. Thực sự, thầy Khang và các thầy cô MC khác đã giúp đỡ, động viên mình rất nhiều trong học tập và cuộc sống.
Niềm vui từ nghề giáo
Tình yêu với nghề giáo của anh được bắt nguồn từ đâu ạ?
Trong quá trình học đội tuyển HSG môn Hoá, mình thần tượng các thầy giáo đến từ ĐH Sư phạm Hà Nội lắm! Khi đoạt giải Quốc gia, mình cũng thấy bản thân có chút năng khiếu và niềm yêu thích với nghề giáo. Vì thế, mình đã lựa chọn theo học sư phạm để trở thành giáo viên.
Theo anh, nghề giáo đòi hỏi những yếu tố gì?
Với mình, nghề giáo cũng như bao nghề khác, đều cần có tâm và tài. Có như thế, sản phẩm đầu ra - học sinh, sinh viên mới chất lượng được. Bên cạnh đó, nhà giáo vừa phải là chuyên gia trong lĩnh vực chuyên môn, đồng thời phải là chuyên gia tâm lý, có kinh nghiệm sống đầy đủ và cảm xúc phong phú. Vì nhân cách của họ có thể ảnh hưởng đến học sinh, sinh viên.
Trở ngại lớn nhất của anh khi lựa chọn nghề giáo là gì?
Sức khỏe có lẽ là vấn đề lớn nhất của mình. Việc vượt qua các kỳ thi, những lần bảo vệ luận văn, luận án mà không bị ốm là điều may mắn với mình.
Trước khi lập gia đình, mình chỉ tập trung nghiên cứu và giảng dạy tại ĐH Sư phạm Hà Nội. Do phòng thí nghiệm ở Việt Nam vẫn còn thiếu thốn trang thiết bị, hóa chất nên mình phải tự chuẩn bị, xoay sở rất nhiều. Có lần mình làm đến tối muộn mới xong thí nghiệm nhưng để tới hôm sau thì bị hỏng.
Nếu được lựa chọn lại, liệu anh có tiếp tục theo nghề này không ạ?
Có lẽ mình vẫn chọn nghề giáo vì nó phù hợp với sức khỏe và năng lực của mình. Hơn nữa, giáo viên cũng có nhiều thời gian hơn cho gia đình. Ngoài ra, việc hàng ngày được tiếp xúc với các bạn trẻ thông minh và năng động khiến mình học hỏi thêm nhiều điều. Những câu hỏi của sinh viên giúp mình biết phải học và đọc thêm cái gì để hoàn thiện bản thân hơn.
Khi đứng lớp, mình cũng được đón nhận nhiều niềm vui. Chẳng hạn như việc có thể biến những kiến thức khô khan, khó hiểu của môn Hóa thành những quy luật đơn giản, dễ nhớ để giảng giải cho sinh viên hiểu rõ bài học.
Anh có lời khuyên nào dành cho các MCer cũng mong muốn trở thành giáo viên không?
Làm giáo viên hay bất kỳ ngành nghề nào cũng cần có sức khỏe và kiến thức tốt (cả chuyên môn và vốn hiểu biết xã hội). Các bạn cần học tập, làm việc một cách khoa học; tích cực tập luyện thể thao và thành thạo ít nhất một ngoại ngữ để có thể đọc tài liệu, cập nhật những kiến thức và phương pháp giảng dạy mới.
Cảm ơn anh vì buổi trò chuyện thú vị này!
Cô Yến Thơ (Cựu GV Sinh học) kể về con trai: “Hiển là người kiệm lời, trầm tính, chịu khó học hỏi, chăm chỉ và chẳng bao giờ để bố mẹ phải nhắc nhở. Con là người cầu toàn, làm việc gì cũng rất chắc chắn. Lúc nghe thầy Khang thông báo con là Thủ khoa đầu vào lớp 10 của trường, mình hạnh phúc lắm! Những năm học ở MC, con đều đạt danh hiệu G1T1 với điểm tổng kết môn Toán, Lý, Hóa toàn 10 phẩy. Lớp 12, con giành giải Ba HSG Quốc gia và được tuyển thẳng vào Đại học. Khi ấy, con được thầy Khang tặng cho chiếc xe đạp. Lúc con nhận được xe, các bạn trong lớp còn vui mừng bảo: “Hiển mang xe lên lớp cho mỗi đứa đạp một vòng đi!”. Điều khiến tôi bất ngờ là khi làm hồ sơ vào Đại học, con ghi “ĐH Sư phạm Hà Nội” ở cả ba nguyện vọng. Hai vợ chồng cô hỏi: “Con sợ bố mẹ không nuôi được con học Đại học à?” (vì học sư phạm được miễn học phí). Nhưng con quả quyết trả lời: “Không phải ạ!”. Cũng có nhiều người khuyên con suy nghĩ lại nhưng với niềm đam mê lớn, con vẫn quyết tâm theo nghề giáo. Năm 2003, con được tuyên dương Thủ khoa xuất sắc của thành phố Hà Nội nhưng không khoe với gia đình. Chỉ đến khi đọc tin trên báo và xem tivi thấy con, tôi mới ngỡ ngàng, vui sướng”. |
Cô Hồng Mai (GV Địa) chia sẻ về cậu học trò năm nào: “Nguyễn Hiển chăm chỉ, cẩn thận và nghiêm túc trong học tập. Em có niềm say mê lớn với sách vở và học đều các môn. Mình rất ấn tượng với sự ham hiểu biết và phong cách giản dị, điềm đạm, hiền lành của em ấy”. |