Trong 4 tháng cận kề kỳ thi THPT Quốc gia 2017, thí sinh hoàn toàn có thể ôn thi hiệu quả qua Facebook, website học online nếu có kế hoạch hợp lý, cùng tinh thần tự giác.
Cách đây 10 năm, khái niệm học trực tuyến còn rất xa lạ với học sinh, thầy cô. Tuy nhiên, trong những năm trở lại đây, nó dần trở thành phương pháp học phổ biến.
Học hay ôn thi online không chỉ dừng lại ở việc thầy cô chia sẻ tài liệu học tập qua mạng, mà còn mở rộng ra việc giảng dạy trực tuyến, thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm học tập, bài vở qua các nhóm trên diễn đàn.
Kênh học trực tuyến cũng trở nên phong phú hơn với các website, ứng dụng hay mạng xã hội như Facebook, YouTube… Nhiều trung tâm đào tạo trực tuyến mới xuất hiện, thu hút đông đảo học sinh.
Học online "trăm hoa đua nở"
Theo thầy Nguyễn Thành Công - giáo viên trường THPT Chuyên ĐH Sư phạm Hà Nội, với sự phát triển của Internet, việc cung cấp kiến thức qua mạng trở nên dễ dàng, ưu thế hơn ở nhiều mặt so với phương pháp truyền đạt kiến thức từ thầy đến trò trong lớp học truyền thống.
Học sinh tiếp cận các bài giảng trực tuyến qua nhiều kênh với phương pháp đa dạng, bao gồm việc trao đổi tài liệu, bài giảng qua video hay livestream hoặc thảo luận trên các nhóm, fanpage Facebook.
Thầy Lê Bá Trần Phương - giáo viên dạy Toán nổi tiếng ở Hà Nội - cũng cho rằng học online là xu thế tất yếu khi tỷ lệ học sinh chọn phương pháp này ngày càng tăng cao.
Trong bối cảnh Internet phát triển, các thiết bị như máy tính, smartphone trở nên phổ biến, học sinh dễ dàng tiếp cận với cách học mới. Việc học online đang bộc lộ những ưu thế vượt trội so với phương pháp học truyền thống.
Nó giúp người học tiết kiệm thời gian, sức lực khi không phải đi lại. Học sinh có thể chủ động lựa chọn thời gian, địa điểm và chương trình học phù hợp với năng lực bản thân cũng như học tập theo hướng tiếp cận kiến thức suốt đời.
Ngoài ra, cách học này còn giúp các em tiết kiệm chi phí khi học phí cho các khóa học online thường dao động ở mức trên dưới một triệu đồng. Trong khi đó, nhiều gia đình thậm chí phải chi đến 15-20 triệu đồng nếu cho con đến lớp, trung tâm luyện thi truyền thống để học lượng kiến thức tương tự trong thời gian tương đương.
Học, ôn thi trực tuyến còn tạo ra môi trường học tập rộng mở, giúp học sinh tự do trao đổi bài vở, nêu lên những vướng mắc trong quá trình học và có thể tương tác với nhiều giáo viên, bạn học về cùng một vấn đề.
Tuy nhiên, thầy Vũ Khắc Ngọc - giáo viên của hệ thống giáo dục Hocmai - cho rằng mặc dù học online đã xuất hiện khoảng 10 năm, nhiều người vẫn chưa hoàn toàn sẵn sàng cho việc thay đổi thói quen từ đến trường học trực tiếp với thầy cô sang việc tự học trước màn hình máy tính.
Điều này một phần do tính chủ động của học sinh hiện nay vẫn còn chưa cao, đồng thời môi trường học tập chưa hướng tới phương pháp tự học hiệu quả.
Ngoài ra, phương pháp học online cũng có một số bất cập khi số lượng cá nhân, tổ chức gia nhập thị trường nhiều nhưng nước ta thiếu hành lang pháp lý trong việc quản lý chất lượng của dạy học trực tuyến.
"Học trực tuyến đang bùng nổ theo tính chất trăm hoa đua nở. Học sinh thiếu kiến thức, thiếu trải nghiệm sẽ khó lựa chọn trang học trực tuyến thực sự uy tín, bị lạc vào ma trận với rất nhiều thầy cô, website cung cấp dịch vụ, dẫn đến tình trạng mất tiền mà không đạt hiệu quả mong muốn", nam giáo viên nhận định.
Chủ động, có kế hoạch, không ỷ lại
Theo thầy Ngọc, do không có nhiều thời gian để tự trải nghiệm, người học nên dựa vào lời khuyên, trải nghiệm của anh chị khóa trước khi tìm kiếm trang web. Bên cạnh đó, học sinh nên chọn trang uy tín, đông thành viên và có sự kiểm nghiệm qua thời gian.
Ngoài ra, phương pháp học online gắn liền với Internet và mạng xã hội nên người học dễ phân tâm. Vì thế, để học tập hiệu quả, người học phải thực sự tự giác, tích cực.
Thầy Nguyễn Thành Công cũng đưa ra một số lời khuyên, bao gồm việc lập kế hoạch phù hợp để theo tiến độ bài giảng và giữ vững kỷ luật trong quá trình học tránh bị hấp dẫn bởi việc lướt Facebook hay game online.
Thầy giáo này còn nhắn nhủ học sinh chú ý bảo vệ mắt và sức khỏe khi tiếp xúc nhiều với màn hình các thiết bị điện tử.
Điều đáng lưu ý khác là mạng xã hội cung cấp sự hỗ trợ lớn cho học sinh. Các em dễ dàng nhận được lời giải đáp khi đưa vấn đề thắc mắc lên Internet.
Tuy nhiên, chính điều này cũng gây ảnh hưởng tiêu cực, hình thành thói quen ỷ lại vào sự giúp đỡ của giáo viên, bạn học.
Nắm được tâm lý này, ông Hoàng Văn Hoạt - Giám đốc công ty phát hành sách SPBook - đề cao tính chủ động tiếp cận, nắm giữ kiến thức của học sinh khi lập nhóm Facebook kín song hành với việc phát hành bộ sách ôn thi THPT quốc gia.
Ông cho biết nhóm hỗ trợ học sinh 24/24, sẵn sàng giải đáp tất cả thắc mắc của học sinh. Tuy nhiên, các giáo viên hay sinh viên xuất sắc trong nhóm chỉ đóng vai trò hỗ trợ, giải thích, gợi ý chứ không làm bài hộ.
"Tôi phải nhấn mạnh điều này vì không muốn các em sẽ rơi vào thế bị động, ỷ lại, không có khả năng tư duy, tiến bộ", ông Hoạt chia sẻ.
Tính tích cực, chủ động cùng việc vận dụng phương pháp học tập trực tuyến hiệu quả hỗ trợ học sinh rất nhiều, đặc biệt khi kỳ thi THPT quốc gia 2017 sẽ diễn ra sau chưa đầy 4 tháng.
Đây là khoảng thời gian để thí sinh hệ thống lại kiến thức, hoàn thiện các kỹ năng giải bài tập cần thiết, đồng thời tăng cường luyện đề để tìm ra lỗ hổng, bù đắp kiến thức và rèn luyện tâm lý làm bài.
Là người thường xuyên học và ôn thi trên mạng, Phạm Trung Thông đạt 28 điểm vào đại học, hiện là sinh viên năm thứ hai của Đại học Ngoại thương (Hà Nội).
Phạm Trung Thông đạt 28 điểm vào Đại học Ngoại thương nhờ học online. Ảnh: P.H.
Nam sinh cho hay kinh nghiệm học online hiệu quả của cậu là đặt mục tiêu rõ ràng, tin tưởng vào giảng viên. "Khi đã có mục tiêu và lựa chọn được thầy cô, bạn nên lập cho mình kế hoạch cụ thể. Bạn có thể phân môn học theo ngày, rồi mỗi ngày phân ra bao nhiêu tiếng học online, làm bài tập. Kế hoạch càng chi tiết, càng dễ thực hiện", Thông nói.
Nam sinh Ngoại thương cho rằng học trên mạng có thể rèn luyện tính tự giác. Bạn trẻ nên rủ bạn bè cùng học để tăng sự cạnh tranh, đỡ nhàm chán khi xem bài giảng một mình. Các bạn có thể cùng nhau trao đổi những điều đang băn khoăn.
Với một số môn khoa học tự nhiên như Vật lý, Thông khuyên nên học hiểu bản chất và phải thuộc một số ứng dụng vào đời sống để dễ nhớ.
"Để học hiểu bản chất trước tiên bạn hãy lên YouTube xem hiện tượng của nó như nào. Sau đó, bạn lấy sách giáo khoa và đọc lý thuyết. Tiếp theo, bạn bắt đầu làm bài tập để hiểu về bản chất hiện tượng. Để không quên các chương đã học, hàng ngày, bạn cũng nên làm một vài câu của các phần trước, sau mỗi tháng nên làm một đề thi để ôn tổng quan các kiến thức", Thông chia sẻ.
Theo Zing.vn