Nhiều bạn than thở: “Sao mình học mãi mà vẫn không thuộc bài?” và đôi khi vào phòng thi, hồi hộp quá nên “chẳng nhớ gì”. Để đạt kết quả học tập tốt, bên cạnh trí thông minh, sự chăm chỉ, chịu khó thì bạn cần có những kỹ năng khác nữa.
Hiểu rõ nội dung cần học thuộc
Đây là điều đầu tiên giúp bạn thuộc bài nhanh hơn. Nếu không hiểu vấn đề thì chỉ như “học vẹt”, suốt ngày cứ ê a “rắn là một loại bò, sát không chân” sẽ khiến bạn mất thời gian. Chính vì vậy, ở lớp, bạn cố gắng tiếp thu kiến thức thầy cô truyền đạt, nắm rõ, hiểu đúng bản chất, chỗ nào không hiểu phải hỏi lại ngay và ghi chép cẩn thận. Làm như thế, bạn đã tiết kiệm 50% thời gian học thuộc bài rồi đấy.
Đọc một lượt nội dung
Trước khi học, hãy đọc một lượt nội dung từ trên xuống dưới, gạch dưới những từ, ý quan trọng, có thể soạn lại bài và trình bày theo ý của bạn sao cho dễ học, dễ nhớ!
Nắm được nội dung bài học toàn diện và khái quát như thế sẽ giúp bạn học bài nhanh thuộc hơn rất nhiều vì trong đầu đã hình dung được kết cấu, những kiến thức trọng tâm cần nắm.
Chia nội dung bài học thành những mục nhỏ
Chắc chắn, việc phân chia bài học thành những mục nhỏ tương ứng với nội dung cụ thể sẽ giúp bạn học thuộc bài nhanh hơn và tập trung được nhiều thời gian cho những phần khó thuộc, khó nhớ. Đây chính là phương pháp chia nhỏ mục tiêu. Sau khi học thuộc được 1 mục, 1 ý, bạn sẽ có thêm động lực, hào hứng để học tiếp những phần khác.
Vừa học vừa liên hệ thực tế
Những sự kiện, ngày tháng năm trong môn Lịch sử hay những đặc trưng cơ bản của các vùng địa lý rất khó nhớ. Một mẹo nhỏ là bạn có thể liên tưởng các sự kiện lịch sử gắn với những sự kiện mà bản thân đã thuộc nằm lòng. Hãy nhớ về những chuyến du lịch hay những ấn tượng mạnh mẽ về một vùng đất nào đó! Nếu bạn ở Huế thì những đặc điểm về khí hậu, kinh tế, con người của vùng Bắc Trung Bộ trở nên quá đơn giản, phải không nào? Thêm vào đó, liên hệ thực tế còn cho bạn những ví dụ minh họa sinh động và sắc nét trong quá trình làm bài nữa đấy.
Kết hợp vừa học vừa ghi
Đây là phương pháp giúp bạn nhớ bài vừa nhanh vừa sâu, lại vừa có hệ thống và tăng cường khả năng tập trung. Đối với những đoạn dài, bạn vừa nhẩm bài vừa ghi ra nháp nội dung trọng tâm. Với những công thức, định nghĩa, bạn nên ghi lại 2 - 3 lần, có thể nhiều hơn để nhớ lâu và sâu hơn.
Tưởng tượng lại toàn bộ nội dung bài học
Khi đã thuộc bài, bạn sẽ nhớ rất rõ thứ tự sắp xếp các ý, thậm chí cả dấu chấm, dấu phẩy, ngắt câu. Chính vì vậy, chỉ vài phút tưởng tượng lại toàn bộ nội dung bài học sẽ giúp bạn nhớ kiến thức sâu sắc hơn. Đây chính là cứu cánh rất hữu hiệu trong phòng thi khi bạn quá hồi hộp mà quên mất những gì đã học. Khi nhớ ra bài học trong tưởng tượng, bạn sẽ lần lượt nhớ lại từng câu, từng chữ trong đó.
Tập trung cao độ
Đối với những môn học thuộc, không gian học yên tĩnh, ánh sáng vừa đủ đóng vai trò rất quan trọng. Để học bài nhanh thuộc, bạn cần tập trung cao độ, vừa nắm nội dung chính toàn bài vừa nhẩm bài, lại vừa ghi chép và khắc sâu những kiến thức quan trọng. Nếu không gian quá ồn ào, người ra - vào liên tục, thiếu ánh sáng, bạn sẽ mất tập trung và học mãi… nhưng chẳng thuộc chữ nào.
Theo Mực tím