Môn Âm nhạc ở cấp THCS được chia thành những phân môn như: học hát, nhạc lý - tập đọc nhạc và âm nhạc thường thức.
Đây là các phân môn song song và tồn tại, cùng phát triển trong nghệ thuật âm nhạc. Tất cả đều rất quan trọng, trong đó phân môn tập đọc nhạc được xem là một phần rất quan trọng trong âm nhạc nói chung và âm nhạc ở trường THCS nói riêng.
Theo thầy Nguyễn Văn Thọ (THCS Giảng Võ, Hà Nội), tập đọc nhạc là phần học khó vì sự phong phú về kiến thức, cũng như thực hành. Nếu học tốt sẽ là kiến thức bổ trợ để học sinh tiếp cận các phân môn khác như: học hát, nhạc lý, âm nhạc thường thức hay rộng hơn là học đàn, ký âm…
Những lưu ý để dạy tập đọc nhạc hiệu quả
Thầy Nguyễn Văn Thọ cho rằng, giáo viên muốn có một giờ dạy tập đọc nhạc tốt, trước hết cần nắm được mục đích, yêu cầu của bài tập đọc nhạc. Học sinh phải nắm được giai điệu, tiết tấu và lời ca, đọc đúng, chính xác, thể hiện sắc thái, tình cảm.
Đặc biệt, giáo viên phải chuẩn bị giáo án đầy đủ, trình bày các bước theo trình tự và khoa học.
Cùng với đó, giáo viên chuẩn bị các đồ dùng cần thiết như: bảng phụ kẻ sẵn bài tập đọc nhạc, viết to, rõ ràng; các loại tranh ảnh minh họa khi cần thiết, có thể kết hợp các phương tiện kĩ thuật hiện đại bằng giáo án điện tử, máy chiếu projector...
"Giáo viên càng vững vàng kiến thức, có nhiều sáng tạo trong quá trình giảng dạy thì bài giảng sẽ càng phong phú, sinh động. Ngoài ra, phương pháp truyền thụ nên ngắn gọn, đầy đủ, khoa học nhằm giúp học sinh tiếp thu kiến thức một cách dễ dàng nhất. Giáo viên nên dùng lời nói nhẹ nhàng, nét mặt tươi tắn, trang phục gọn gàng, biết cách thu hút và gây hứng thú cho học sinh qua cách truyền đạt; luôn làm chủ được kiến thức, biết cách giải quyết tình huống, thể hiện và tạo ra những điểm nhấn, trọng tâm của bài giảng. Mỗi bài tập đọc nhạc cũng nên xây dựng nội dung liên hệ với thực tế cuộc sống đời thường" - thầy Nguyễn Văn Thọ lưu ý.
Phương pháp dạy phân môn tập đọc nhạc và ghép lời ca
Dạy tập đọc nhạc và ghép lời ca thường có những công đoạn sau: tìm hiểu bài (giáo viên hỏi: số chỉ nhịp, tên nốt nhạc, hình nốt nhạc; học sinh trả lời; giáo viên cho học sinh nghe giai điệu mẫu); phương pháp, cách lấy hơi trong quá trình học; phương pháp dạy hát lời có hiểu biết kí xướng âm; phương pháp học hát qua nghe băng và cuối cùng là phương pháp dạy hát kết hợp trò chơi.
Ví dụ: Khi dạy ghép lời cho bài tập đọc nhạc "Ngày đầu tiên đi học", sau khi giới thiệu bài hát và tác giả, giáo viên cho học sinh luyện thanh 1 - 2 phút (đọc gam đô trưởng), sau đó dạy đọc từng câu.
Cũng với bài này, dạy ghép lời ca, thầy Nguyễn Văn Thọ sử dụng các cách sau:
- Cách 1: giáo viên chia lớp thành hai dãy, một dãy đọc nhạc, một dãy hát lời ca; giáo viên gọi một bàn đọc nhạc, một bàn hát lời ca và đổi lại.
- Cách 2: giáo viên dạy xong từng câu và cho ghép lời ngay; cũng chia lớp thành nhiều hình thức như trên.
- Cách 3: yêu cầu học sinh đọc nhạc như hát, có hiểu biết xướng âm và tự ghép lời ca.
Phần cuối, củng cố bài, giáo viên chia lớp thành hai dãy, một dãy đọc nhạc gõ phách, một dãy hát lời kết hợp gõ phách và khớp đàn.
Theo Giáo dục và Thời đại