Học thuộc lòng? Không khó lắm đâu! Chỉ cần bạn áp dụng những “tip” sau thì việc xử lý một núi thông tin sẽ dễ dàng hơn rất nhiều.
Điều kiện cần:
- Không học khi đang stress, bị phân tâm. Bởi bạn vui thì khả năng tập trung sẽ cao hơn -> học được nhiều hơn và thông tin lưu lại trong đầu lâu hơn.
- Đảm bảo góc học tập của bạn phải đạt những tiêu chuẩn “ISO” sau: Sạch sẽ, đủ ánh sáng và không hướng ra sân chơi. Như vậy bạn mới không bị phân tán khi học.
- Kè kè “cô nương” nhật ký bên người, trong đó ghi rõ những thông tin cần học để bất cứ lúc nào rảnh rỗi, bạn cũng có thể lôi ra “lẩm bẩm”.
Điều kiện đủ:
- Hãy đọc toàn bài một lần để hiểu nội dung khái quát, chứ đừng lẩm bẩm liên hồi, bạn sẽ dễ bị “tẩu hỏa nhập ma” đấy.
- Vạch ra những ý cần học trước, bởi nếu bạn hiểu bản chất của ý chính thì việc học các ý nhỏ sẽ nhanh hơn rất nhiều.
- Đọc và viết bài nhiều lần giúp não của bạn cảm nhận được “người quen” và “save” bài nhanh thôi.
- Với những mốc thời gian trong môn Sử, bạn có thể đặt nó liên quan với một ngày nào đó quan trọng như: chiến thắng Điện Biên Phủ là sinh nhật Bố, ngày kí hiệp định Paris là sinh nhật tình yêu…
- Với các môn tự nhiên, việc lảm nhảm liên tục không bằng làm nhiều bài tập. Các công thức, tính chất tự nó sẽ “ăn sâu” vào não của bạn.
- Dính những tờ công thức, từ vựng dài ngoằng lên những nơi mà mắt bạn hay nhìn thấy nhất như: máy vi tính, kệ sách ngay trước bàn học.
- Cuối cùng, hãy học tập thật chăm chỉ, bạn nhé! Nếu nắm trong tay cả một núi chiêu học thần kì mà lười biếng thì hiệu quả sớm muộn gì cũng treo ngược cành cây mà thôi.
Theo Hoa học trò