Bước 1: Đọc kỹ đề
Ngay sau khi nhận được đề thi bạn hãy đọc thật kỹ xác định yêu cầu của đề. Mỗi câu hỏi cần phải xác định rõ thời gian, không gian, trọng tâm câu hỏi nằm ở đâu. Nếu bạn bỏ qua bước đầu tiên quan trọng nhất này thì rất dễ bị lạc đề, cách làm bài không đúng so với kết quả.
Lấy ví dụ: "Anh/chị hãy trình tóm tắt quá trình tìm đường cứu nước của Nguyễn Ái Quốc từ 1911 - 1920".
Với câu hỏi này bạn cần xác định thời gian là từ năm 1911 đến 1920, không gian là quá trình đi tìm đường cứu nước của Nguyễn Ái Quốc tại các nước phương Tây. Trọng tâm là kết quả ý nghĩa của quá trình tìm đường cứu nước. Cũng chính nhờ điều này mà năm 1920 Bác đã tìm được con đường cứu nước vô cùng đúng đắn "Cách mạng vô sản" để giải phóng dân tộc.
Bước 2: Vạch đề cương sơ lược
Nhiều bạn thường cho rằng việc lập đề cương này không cần thiết, lại tốn một khoảng thời gian 5 đến 15 phút. Tuy nhiên theo những bạn có thành tích tốt trong học tập Sử thì công việc này lại vô cùng quan trọng. Có đề cương dàn ý đầy đủ sẽ giúp học sinh triển khai bài mạch lạc rõ ràng, không sợ bỏ sót ý, thiếu ý khi làm bài.
Bước 3: Phân chia thời gian hợp lý
Chúng ta nên phân phối thời gian một cách hợp lý, để đảm bảo bài thi làm đầy đủ các câu hỏi. Phương thức là lấy tổng thời gian thi để chia cho thang điểm 10. Ví dụ thời gian làm bài là 180 phút, lấy 160 phút chia cho thang điểm 10 ( dành 20 phút để viết đề cương sơ lược và đọc lại bài sau khi làm xong), như vậy mỗi điểm tương ứng với 16 phút. Từ đó bạn sẽ biết cách phân phối thời gian cho những câu hỏi khó, không quá sa đà vào các câu dễ...
Bước 4: Cách thức trình bày với mỗi loại câu hỏi
Đối với loại câu hỏi trình bày sự kiện (như thế nào), chúng ta phải trình bày theo thứ tự: hoàn cảnh, chủ trương, diễn biến, kết quả, ý nghĩa sự kiện.
Đối với câu hỏi nâng cao(tại sao như vậy), chúng ta nhất thiết phải tuân thủ nguyên tắc bộ môn: Trình bày tóm tắt sự kiện trước khi giải thích tại sao. Một bài viết như vậy thì mới đủ 2 phần: biết và thông hiểu lịch sử.
Thực ra môn Sử không khó, chỉ tại một số bạn chưa nắm rõ được phương pháp làm bài, cách tiếp cận vấn đề sao cho hợp lý nên thường lúng túng và không biết cách xử lý được tốt câu hỏi vào bài viết.
Bước 5: Một bài viết Sử giống 100% một bài viết Văn
Nhiều bạn thường thắc mắc về cách trình bày một bài thi môn Sử. Đôi khi cũng có những bạn chọn phương thức... gạch đầu dòng. Nên lưu ý, một bài viết Sử không được phép gạch đầu dòng (ngoại trừ những số liệu thích hợp hay khi cần thể hiện điều gì đó một cách trực quan sinh động).
Thêm một điều nữa cần phải nhớ đó là khi làm một bài Sử cũng rất cần có ba phần: Mở bài, thân bài, kết luận giống y như môn Văn. Phần mở bài thường gắn với hoàn cảnh của sự kiện cần phân tích. Thân bài cần phải thể hiện được những yêu cầu mà đề bài ra. Kết bài sẽ là phần kết quả, ý nghĩa, hậu quả hoặc hệ quả.
Hy vọng rằng với 5 bước tiếp cận đề thi Sử, các bạn sẽ làm bài thi thật tốt để có thể giành được số điểm cao, đỗ vào ngôi trường Đại học mình mơ ước nhé!
Theo tiin.vn