Chạy sô học thêm
Với hầu hết học sinh cuối cấp, học thêm đã là phần không thể thiếu trong thời gian biểu của một ngày. Thậm chí nhiều bạn còn có lịch học dày đặc: Từ luyện thi ở trường, luyện thi tại nhà thầy cô tới các trung tâm… Đến gần ngày thi, nhiều bạn cũng không ngần ngại đăng kí học tại các "lò luyện" cấp tốc.
Đa phần những bạn đi học thêm đều mong muốn mình có thêm kiến thức, có thêm được nhiều phương pháp làm bài… Nhưng thực tế cho thấy, việc chạy sô học thêm không những không đem lại những kết quả như bạn mong muốn, mà còn đem lại nhiều bất lợi khiến bạn... méo mặt. Ôn luyện ở quá nhiều nơi, với quá nhiều thầy cô sẽ khiến bạn dễ rơi vào tình trạng nhồi nhét kiến thức, căng thẳng, stress, không thể tiếp thu được kiến thức một cách thống nhất và đặc biệt là ảnh hưởng tới sức khỏe, sinh hoạt khi liên tục thức khuya, dậy sớm để đi học…
Thi thử quá nhiều
Thi thử Đại học là điều cần thiết để bạn có cơ hội cọ xát, làm quen với không khí phòng thi cũng như cách làm bài, đến khi “thi thật” sẽ không còn bỡ ngỡ và bớt “run”. Đặc biệt, đề thi thử thường có mức độ tương đương (thậm chí là khó hơn) so với đề thi thật nên sau khi biết được kết quả thi thử, bạn sẽ biết khả năng của mình đến đâu để kịp thời điều chỉnh, bổ sung kiến thức của mình.
Tuy nhiên, bạn có biết rằng, thi thử quá nhiều lại là điều không tốt chút nào?! Nhất là khi liên tiếp nhận được kết quả thi thử thấp sẽ khiến bạn hoang mang, tự ti, thất vọng vào khả năng của mình, dễ ảnh hưởng tới “phong độ” khi ôn thi. Hơn nữa, trong nhiều trường hợp, thi thử nhiều thường chỉ khiến bạn tốn kém tiền bạc và tốn thời gian hơn. Bởi không phải ở đâu việc tổ chức thi và cách ra đề thi cũng nghiêm túc. Không ít trung tâm tổ chức thi thử nhốn nháo, giám thị lơ là, thí sinh tự do quay cóp, đề thi lắp ghép từ đề thi đại học các năm trước… Vì vậy, trước khi đăng kí thi thử, hãy lựa chọn địa điểm uy tín bạn nhé!
Ôn những kiến thức quá khó và lạ
Đây là sai lầm của không ít thí sinh, khi các bạn ấy có quan niệm rằng: Đề thi Đại học rất khó vì thế phải tập trung ôn những mảng kiến thức khó nhất, lạ nhất thì mới sát với đề thi. Điều tệ hơn là khi có quan niệm này, các bạn lại sao nhãng việc ôn những kiến thức cơ bản trong chương trình học chính khóa của mình. Thực tế thì đúng là trong đề thi Đại học ở một số ít môn, sẽ có một câu hỏi tương đối khó nhưng chỉ chiếm một số điểm rất nhỏ và không hoàn toàn quyết định kết quả thi của bạn. Còn lại, đa phần đề thi đại học đều là những kiến thức được phát triển dựa trên nền kiến thức cơ bản mà bạn vẫn được học trên lớp.
Nếu như lực học của bạn được đánh giá cao và bạn có mục tiêu chinh phục những trường "top đầu" thì bạn có thể thử sức với những dạng bài hóc búa, lạ hơn. Tuy nhiên, không nên mất quá nhiều thời gian cho việc ôn luyện những kiến thức này và đừng bao giờ quên nguyên tắc: Nắm vững kiến thức cơ bản trước, tiếp theo mới đến những kiến thức nâng cao, học từ sách giáo khoa rồi mới nên đọc sách tham khảo…
Năm ngoái thi rồi, năm nay sẽ không thi nữa!
Có nhiều bạn dù không có tư tưởng học tủ, nhưng vẫn thường có tâm lý là loại bỏ những bài đã nằm trong đề thi của năm ngoái (đặc biệt ở các môn xã hội) và “phán đoán” rằng sẽ không tiếp tục có trong đề thi năm nay. Đây là một “phán đoán” chứa đựng rủi ro cực kì cao. Bởi không có căn cứ chính xác nào khẳng định đề thi không đề cập tới nội dung đã từng có trong đề thi của năm trước đó. Khối lượng kiến thức trong mỗi bài học là rất lớn, vì thế đề thi các năm có thể khai thác từng khía cạnh, từng mảng nội dung khác nhau trong bài học đó. Đã có không ít thí sinh ngậm ngùi khi ra khỏi phòng thi vì "trót dại" không ôn lại nhiều mảng kiến thức, hoặc ôn không kỹ càng vì cho rằng: “Bài này năm ngoái thi rồi, năm nay sẽ không thi lại vào nữa đâu”.
Để có một kì thi ĐH suôn sẻ, ngay từ bây giờ hãy tránh những sai lầm trên trong quá trình ôn luyện bạn nhé!
Theo Tiin