Kỹ năng chọn bạn
Ở môi trường nước ngoài, việc có một người bạn đã khó nhưng chọn đúng bạn lại càng khó hơn. Có những người bạn tuy chơi rất hợp nhưng khi học chung lại không cùng quan điểm hay thái độ cộng tác với nhau. Chính vì thế, bạn nên chịu khó quan sát và chọn cho mình một người bạn tiềm năng để cùng hợp tác.
Đối với những người bạn không nghiêm túc khi học nhóm như: thường xuyên trễ hạn nộp, không chịu làm bài…, bạn nên thẳng thắn nói chuyện với họ hoặc nhờ đến trợ giúp của giảng viên.
Nơi nào càng có nhiều sinh viên quốc tế thì bạn càng dễ kết bạn và không khí học tập cũng trở nên cởi mở hơn nhiều so với chỉ toàn sinh viên bản địa. Để tạo được thiện cảm, ngay từ đầu, bạn hãy thân thiện mỉm cười và chào hỏi niềm nở mọi người xung quanh.
Kỹ năng nói “Không”
Sinh viên nước ngoài, đặc biệt bạn bè đến từ các nước châu Mỹ Latinh hoặc khu vực Địa Trung Hải thường rất “chịu chơi”. Khi làm quen với họ, bạn nên chuẩn bị sẵn tâm thế nói “Không” trước một số cuộc vui chơi quá đà, nhất là khi những buổi tụ họp ảnh hưởng đến sức khỏe, việc làm thêm hay việc học của bạn.
Ngoài ra, bạn cũng phải "biết mình, biết ta" trong khâu mua sắm. Nếu tháng này, bạn đã cạn tiền ăn và hết lương thực dự trữ sẵn, hãy thẳng thừng nói không với những món đồ đắt tiền. Nếu mua chúng vào lúc này, bạn sẽ trở thành một kẻ “vô sản toàn tập".
“Lập trình” công việc nhà
Đi du học, bạn sẽ phải “đạo diễn” từ A đến Z công việc nhà. Đây là "cực hình" không chỉ đối với du học sinh Việt mà còn với sinh viên quốc tế. Nhưng bạn có thể yên tâm rằng, nếu chịu khó sắp xếp một chút thì việc này không "ngốn" quá nhiều thời gian đâu.
Chẳng hạn, thay vì dành hẳn một buổi sáng Chủ nhật để đi giặt sấy ở phòng giặt công cộng trong thành phố do nhà không có máy giặt thì bạn hãy xách vali đồ bẩn vào khu kí túc xá ngay trong khuôn viên trường Đại học vào một buổi chiều nào đó khi bạn thường lên thư viện học bài. Như vậy, chồng quần áo vẫn được giặt giũ sạch sẽ trong khi bạn ngồi thư viện và sáng Chủ nhật sẽ là thời gian nhàn rỗi của bạn.
Nếu sống chung với bạn bè quốc tế, bạn nên thống nhất việc dọn dẹp nhà chung vào cuối tuần. Cứ đến giờ đó, bạn hãy làm theo đúng nguyên tắc. Về chuyện bếp núc, bạn có thể nấu vào buổi tối hôm trước để chuẩn bị đồ ăn cho buổi trưa hôm sau hoặc có thể cắm cơm từ sáng trong lúc tắm để tối về nhà khỏi phải tốn thêm thời gian cho việc này. Từ khóa của kỹ năng này là “N trong 1”, tự biến mình trở thành một người linh hoạt.
Kỹ năng thức khuya dậy sớm
Vì bận học ở trường hoặc làm thêm, nhiều du học sinh không thể thu xếp thời gian tự học vào ban ngày nên thường thức khuya làm bài. Đặc biệt vào kỳ thi, tần số thức khuya diễn ra càng thường xuyên hơn. Tuy nhiên, để đảm bảo chất lượng ôn bài, bạn không nên ngồi gần chiếc máy vi tính có kết nối internet hay chiếc giường êm ái. Giải pháp duy nhất dành cho bạn là thiết kế lại thời gian biểu giữa việc học và làm thêm.
Ngoài ra, việc phải dậy sớm đi học vào buổi sáng cũng là điều khá khó khăn. Không phải du học sinh nào cũng may mắn được ở ngay trong khu kí túc xá Đại học. Nhiều bạn phải đi cả một quãng đường dài hàng giờ đồng hồ bằng phương tiện công cộng để đến trường. Khi trời lạnh, việc đấu tranh nội tâm giữa việc “đi học hay ngủ tiếp” càng xảy ra thường xuyên hơn.
Lúc đó, bạn hãy nghĩ rằng, buổi học hôm nay cũng quan trọng như khi có bài kiểm tra hoặc “Chỉ cần bước ra ngoài trời, mình sẽ tỉnh ngủ ngay”. Để giải quyết vấn đề nan giải này, bạn nên lưu ý việc chọn thuê nhà ngay từ đầu để thuận tiện cho việc đi học lẫn đi làm thêm.
Theo Dân trí