Mơ mộng một chút
Khi bắt đầu ngồi học, bộ não của chúng ta chưa thật sự hoạt động. Bạn thường khó tiếp thu ngay được bài học. Những lúc đó, bạn hãy ngồi mơ mộng một chút và nghĩ về những điều tốt đẹp nhất mà bản thân sẽ đạt được như: đạt rất nhiều điểm 10 trong kỳ thi cuối kỳ khiến bạn bè phải nể phục, được thầy cô tuyên dương trước lớp với sự cố gắng không ngừng mệt mỏi… Khi nghĩ về những điều đó, bạn thường rất hưng phấn tột cùng. Điều này khiến bạn tăng thêm cảm xúc và tự nhủ với bản thân: “Bắt đầu học thôi, kết quả tốt đẹp sẽ đến với mình”.
Thay đổi trạng thái cơ thể
Bạn đừng bao giờ ủ rũ khi ngồi vào bàn học bởi như vậy, bạn sẽ càng chán nản hơn. Hãy thử đứng lên vươn vai ra phía trước, hít thở thật sâu để cảm nhận luồng không khí để trôi đi hết muộn phiền hoặc hãy mỉm cười thật tươi, kèm theo một động tác nhỏ quyết tâm như nắm tay thật chặt và nói: “Yes! Mình sẽ làm được. Bắt đầu thôi nào!”.
Luôn nói điều tích cực
Bạn hãy luôn thúc đẩy bản thân bằng những lời nói tích cực như: “Bài tập này dễ thôi, mình sẽ giải quyết nhanh chóng”, “Mọi người làm được thì mình sẽ làm tốt hơn thế”… Khi liên tục nói ra những điều như vậy, bạn sẽ cảm thấy thoải mái, không bị gò bó hay bị đè nặng bởi những lời nói tiêu cực đem lại tâm lý hoang mang, lo sợ. Đặc biệt, khi bạn yêu quí việc học, ngoài việc đạt được những kết quả cao trong học tập, nó sẽ là tiền đề quan trọng, giúp ta rộng mở cánh cửa thành công sau này.
Hãy cảm giác sợ và xấu hổ
Nếu cảm thấy mình bắt đầu mất tập trung, bạn hãy nghĩ về những nỗi sợ. Giả sử, nếu sau này không thi đỗ đại học, bạn bè sẽ xa lánh mình. Mình sẽ phải làm công việc khó khăn, vất vả, phải sống trong những căn nhà tồi tàn, luôn bị đè nặng bởi nỗi lo cơm áo gạo tiền. Hoặc bạn có thể tưởng tượng xem 5 năm, 10 năm nữa, bản thân mình sẽ ra sao nếu không cố gắng học tập. Đến lúc đó, nói câu “giá như” thì đã quá muộn. Cơ hội để bạn làm lại chắc không còn nữa. Ngay bây giờ, khi nghĩ về những nỗi sợ, bạn sẽ có thêm quyết tâm để quay lại bàn học và bắt đầu chiến đấu hết mình nhằm đạt kết quả cao nhất.
Có mục tiêu rõ ràng
Bạn hãy luôn đọc lại mục tiêu trước khi ngồi vào bàn học để bộ não của bạn hiểu rằng, bạn đang làm gì và tại sao cần phải cố gắng như vậy. Làm điều này thường xuyên sẽ giúp bộ não tìm ra cách để thực hiện cái đích cần hướng tới và bạn sẽ không bị quên hay sao nhãng vào những công việc khác. Khi những mục tiêu đó dần dần thành hiện thực, niềm tin vào bản thân sẽ ngày càng được củng cố. Từ đó, bạn lại được tiếp thêm nguồn năng lượng mới.
Theo Mực tím