Đọc hết nội dung sách giáo khoa
Bạn đừng vội nghĩ rằng thi học kỳ là bạn phải ôn những kiến thức “tầm cỡ”. Thực tế cho thấy, toàn bộ đề thi tập trung vào những kiến thức cơ bản mà thôi, còn phần nâng cao chỉ chiếm một tỷ trọng rất nhỏ. Sách giáo khoa có đầy đủ kiến thức và dễ học, dễ nhớ hơn nhiều. Thay vì tìm những bài tập khó để rồi phải “vò đầu bứt tóc” làm một cách khó nhọc, bạn hãy đọc hết toàn bộ kiến thức trong sách giáo khoa để hiểu và nắm vững những lí thuyết căn bản. Sau đó, bạn mới nên bắt đầu giải đề, làm bài tập tham khảo thêm.
Dán công thức ở khắp phòng
Bạn nghĩ rằng cách này khiến bạn nhàm chán và cảm thấy… sợ học. Việc dán công thức tuy không giúp bạn nhớ ngay được kiến thức nhưng dễ học, dễ thuộc và kiến thức sẽ được lặp đi lặp lại trong trí nhớ của bạn mỗi ngày. Học theo phương pháp này còn giúp bạn ít nhầm lẫn và tiết kiệm được kha khá thời gian. Đây có thể xem là cách học kiểu “mưa dầm thấm lâu”, rất hợp với những bạn khó thuộc bài và thiếu kiên nhẫn.
Lời khuyên dành cho bạn là hãy ghi công thức to, rõ, đẹp trên giấy stick nhiều màu và dán khắp phòng như một cách để “trang trí” theo kiểu sáng tạo. Mỗi ngày, sau khi thức dậy và trước khi đi ngủ, hãy đảm bảo rằng bạn đã đọc đi đọc lại nhiều lần những công thức này. Dán những công thức khó học ở nơi dễ thấy nhất và công thức dễ học ở những góc khác thoáng hơn.
Ghi lại kinh nghiệm từ “tiền bối”
Kĩ năng làm bài rất quan trọng. Nắm vững kiến thức là một chuyện nhưng biết cách vận dụng và ứng biến trong phòng thi lại là chuyện khác. Đề thi ngày nay phần lớn đều dưới dạng trắc nghiệm nên bạn không thể giải theo cách thông thường mà cần thật nhiều kỹ năng để vận dụng hiệu quả trong một khoảng thời gian ngắn.
Thực tế là bạn không nhớ hết được mọi tuyệt chiêu, kinh nghiệm . Do vậy, bạn hãy ghi lại để “nằm lòng” và sẵn sàng áp dụng khi làm bài. Tổng hợp tất cả các “bí kíp” và ghi chi tiết với dạng bài nào thì có “skill” gì. Điều này sẽ giúp bạn tiết kiệm kha khá thời gian vì không phải ngồi nghĩ cách giải. Các “bí kíp” ấy tự khắc trở thành phản xạ khi bạn làm đi làm lại nhiều lần dạng bài tập mà bạn đã từng giải quyết trước đó.
Không cần học nhiều
Thay vì ôn đi ôn lại những lí thuyết đã thuộc làu, bạn hãy dành thời gian ôn những nội dung mà bạn nghĩ “sẽ chẳng bao giờ ra trong đề thi”. Có thể bạn không tin nhưng đây mới chính là những phần có nguy cơ ra trong đề thi nhiều nhất.
Bạn có thể học một ngày rồi dành trọn vẹn 2 ngày để thư giãn, giải trí. Khi không thể “nhét” thêm kiến thức vào đầu nữa, bạn hãy tự vạch ra những dự định tương lai. Điều này sẽ tiếp thêm động lực và tạo nguồn cảm hứng mới để bạn quyết tâm ôn tập đến cùng.
Theo TTVN