Qua CV, hội đồng xét tuyển học bổng, hội đồng tuyển sinh của các tổ chức, trường hay viện cấp học bổng có thể biết được những thông tin cơ bản về ứng cử viên xin học bổng và cũng bước đầu đánh giá được khả năng nghiên cứu, ngoại ngữ, thành tích nghiên cứu khoa học của ứng viên này.
Do vậy, việc thiết kết một bản CV khoa học, hấp dẫn và trung thực sẽ làm cho bộ hồ sơ ứng cử học bổng của bạn nặng ký hơn, tạo thiện cảm với hội đồng xét duyệt và góp phần vào việc ứng cử thành công học bổng của bạn.
Tùy theo từng chương trình học bổng mà hội đồng xét tuyển yêu cầu bạn gửi CV tự thiết kế, hay điền thông tin vào mẫu CV có sẵn được họ thiết kế (nhiều trường hoặc chương trình học bổng ở châu Âu yêu cầu ứng viên dùng mẫu CV châu Âu).
CV là một tài liệu quan trọng trong hồ sơ xin học hoặc xin học bổng du học.
Tuy nhiên, bạn nên tự thiết kế CV thật hoàn thiện cho mình trước khi tìm và ứng cử học bổng. Vì khi đó bạn sẽ chủ động hơn, tiết kiệm thời gian hơn, cho dù chương trình học bổng của bạn có yêu cầu dùng mẫu CV của họ, bạn dễ dàng copy và paste những thông tin trong CV do mình thiết kế sang mẫu CV của họ.
Bạn nên thiết kế cho mình hai CV, một chi tiết và một cái rút gọn. Bản chi tiết có thể từ 2-3 trang hoặc dài hơn, dùng để bạn gửi kèm trong hồ sơ xin học bổng. Bản CV rút gọn nên trong 1 trang A4 gồm những thông tin quan trọng nhất của bạn, cái này được dùng trong một số trường hợp như khi bạn viết thư lần đầu cho một giáo sư nào đó mà họ chưa biết bạn, bạn nên gửi kèm theo một CV thật ngắn gọn cho họ.
Vì sao? Câu trả lời là các giáo sư nước ngoài thường rất bận, nên họ sẽ không có nhiều thời gian để ngồi “lần mò” thông tin về một người hoàn toàn xa lạ với họ đâu! Qua bản CV rút gọn của bạn, họ có thể nhanh chóng nắm được thông tin về bạn, và nếu họ thấy bạn có năng lực, phù hợp với hướng nghiên cứu của họ… thì họ sẽ trả lời email của bạn.
Hình thức CV như thế nào?
Nhìn chung việc căn chỉnh và trang trí CV của mỗi người là khác nhau, bạn không nên “bắt chước” hoàn toàn CV của ai đó. CV của bạn nên được bạn tự thiết kế, nó thể hiện cá tính và sự logic vốn có của bạn. Điều đó sẽ được hội đồng xét tuyển nhìn ra sự đặc biệt của bạn so với các ứng cử viên khác.
Có bạn để logo của trường mình đang học, hoặc cơ quan đang công tác vào trong CV chi tiết của mình. Có người thay đổi màu chữ, thay đổi chách căn chỉnh… để làm CV nổi bật hơn. Tuy nhiên, bạn đến nhớ rằng phải thiết kế làm sao cho người xem có thiện cảm, dễ nhìn, khoa học và làm tăng thế mạnh của bản thân mình. Không nên lòe loẹt, rối rắm.
CV cần những thông tin gì?
Về cơ bản, CV chi tiết bao gồm có các mục sau:
- Thông tin cá nhân (Personal information): miêu tả tên tuổi, quê quán, tình trạng hôn nhân, thông tin liên lạc,… và nên có một tấm hình chân dung của bạn trên đó.
- Nền tảng giáo dục (Education Background): Học ở đâu, khi nào, kết quả ra sao…
- Kinh nghiệm nghiên cứu (Research Experiences): Tham gia nghiên cứu gì, khi nào, ở đâu…
- Kinh nghiệm làm việc (Work Experiences): Làm gì, ở đâu, khi nào…
- Công trình nghiên cứu (Publication): Bài báo khoa học, sách suất bản, báo cáo khoa học…
- Hoạt động ngoại khóa: tình nguyện, tiếp sức mùa thi, đoàn đội…
- Thành tích: phần thưởng, học bổng, thủ khoa, huy chương…
- Ngoại ngữ: tiếng gì, trình độ ra sao
- Kỹ năng máy tính: chương trình gì, trình độ ra sao…
- Người chứng nhận (References): Tên tuổi, học hàm, học vị và vị trí công tác, chuyên môn, thông tin liên lạc của những người trong giới khoa học (thày giáo, thủ trưởng đơn vị…) có thể xác minh các thông tin trên của bạn.
Khi làm CV, nhất là đối với những bạn vừa ra trường chưa có kinh nghiệm nghiên cứu khoa học, kinh nghiệm làm việc… thì chỉ lựa chọn những mục mình có, và viết một cách trung thực. Ở cuối CV, bạn có thể để địa điểm, ngày tháng, và tên của mình, rồi bạn cũng có thể ký tên lên đó khi in ra.
Chúc các bạn thiết kế được cho mình một bản CV thật ấn tượng!
Theo Dân trí