Vừa qua, ở môn Khoa học, các MCer 4G, 4I đã cùng tìm hiểu chủ đề “Thảm họa thiên nhiên“ và những ảnh hưởng của chúng tới đời sống con người. Đặc biệt, các bạn đã được thầy cô hướng dẫn làm thí nghiệm về sự phun trào của núi lửa.
Thầy Kyle Patrick Gonzales (GV IEG) cho biết, trước khi bắt đầu thí nghiệm, các bạn đã làm mô hình núi lửa và xem video về sự phun trào nham thạch lúc núi lửa hoạt động. Với trải nghiệm thú vị này, các bạn rất hào hứng tham gia vì không chỉ được quan sát hiện tượng tự nhiên mà còn có cơ hội hiểu sâu hơn quá trình địa chất diễn ra phức tạp trong lòng đất.
Trong khoảng 15 phút, nhóm của Đỗ Thư (4G) tỉ mỉ cắt, dán tạo mô hình núi lửa từ giấy và lọ nhựa. “Hoạt động này rất hay và không khó để chúng tớ hoàn thành. Bài học rất thiết thực, giúp chúng tớ hiểu rõ về cấu tạo núi lửa, nguyên lý hoạt động và những ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường và đời sống con người”, cô bạn chia sẻ.
Đình Vinh (4I) rất vui khi nhóm của cậu thực hiện thành công thí nghiệm. Theo cậu, từng công đoạn làm đòi hỏi sự cẩn thận. Nhất là khâu pha chế hóa chất, phải đúng liều lượng thì “dung nham” mới phun trào nhiều và đẹp.
Cô Kim Oanh (GV Tiếng Anh) nói thêm: “Thí nghiệm núi lửa phun trào sử dụng các nguyên liệu an toàn như: baking soda, giấm, phẩm màu và dung dịch xà phòng. Qua đó, các con quan sát sự tương tác giữa các chất hóa học, chứng kiến hiện tượng sủi bọt và phun trào giống như hoạt động của một ngọn núi lửa thật. Điều này không chỉ giúp các con nắm chắc kiến thức hóa học mà còn thấy được sự kỳ diệu của khoa học trong việc tái hiện hiện tượng thiên nhiên; đồng thời rèn kỹ năng quan sát, tư duy và làm việc nhóm”.