Thành lập công ty khởi nghiệp trong tiết Toán; trở thành “Đại sứ du lịch” quảng bá đất nước, con người Việt Nam ở giờ Tiếng Việt; hóa thân thành diễn viên, rapper, vũ công nhí chia sẻ về tôn trọng sự khác biệt và yêu lao động vào tiết Đạo đức…; tất cả tiết học sáng tạo, độc đáo ấy ở MC đã mang tới cho MCer vô vàn kiến thức, kỹ năng bổ ích cùng nhiều kỷ niệm đáng nhớ.
Khởi nghiệp cùng Toán học
Để học trò nắm vững kiến thức và biết cách vận dụng vào thực tế, cô Vũ Mai (GVCN 5P2) đã tổ chức trò chơi “Khởi nghiệp” trong bài “Thực hành và trải nghiệm với một số đơn vị đo đại lượng”.
Cô Mai cho biết: “Tiết học này có nhiều kiến thức thú vị. Các con không chỉ thực hành đo đạc mà còn vận dụng vào thực tế để tự lên kế hoạch thành lập công ty chuyên cung cấp gỗ ván MDF làm kệ sách.
Lớp được chia thành 3 nhóm, tương ứng với các phòng ban trong một công ty: Kỹ thuật, Marketing và Đầu tư kinh doanh. Trong đó, phòng Kỹ thuật phụ trách đo đạc các thông số của giá sách; phòng Đầu tư kinh doanh dựa trên số liệu đó để tính toán giá thành; còn phòng Marketing lên kế hoạch quảng bá sản phẩm ra thị trường.
Lần đầu được làm quen với mô hình hoạt động của một công ty nên các con rất thích thú, làm việc nhanh chóng, hiệu quả; khiến tôi cũng bất ngờ. Các con đưa ra các ý tưởng quảng cáo độc đáo. Ngoài ra, với những hiểu biết về gỗ ván MDF được tích lũy qua tiết học; các con đã chia sẻ với nhau cách sử dụng, bảo quản cơ sở vật chất trong lớp, cũng như ở nhà”.
Trong buổi học, các bạn 5P2 đã chứng tỏ sự tham gia tích cực và chuyên nghiệp của mình. Minh Anh (vào vai Phó Chủ tịch công ty), Quỳnh Chi (vào vai nhân viên kỹ thuật) rất thích thú khi tiết Toán trở thành trải nghiệm thú vị về khởi nghiệp. Hai bạn nói: “Chúng tớ thấy việc học qua hoạt động thực tế vừa vui vừa dễ hiểu. Chúng tớ dễ dàng cảm nhận được sự hữu ích của Toán học, nhờ đó nhớ bài lâu hơn”.
Tôn trọng sự khác biệt, yêu lao động
Trong tiết Đạo đức, các MCer 5G, 4I đã “hóa thân” thành những diễn viên, vũ công, rapper, nhà thơ… để thể hiện tài năng, đồng thời xử lý tình huống.
Theo cô Thu Huyền (GVCN 5G), với bài học “Tôn trọng sự khác biệt của người khác”, thay vì các con ngồi nghe lý thuyết, cô đã tổ chức cuộc thi “Diễn viên nhí tài ba”.
Tại đây, cô sử dụng phương pháp giảng dạy “Học sinh đóng vai trò trung tâm”. Cụ thể, học trò chủ động tìm kiếm tài liệu, hướng giải quyết các vấn đề; tham gia thảo luận nhóm; đóng vai xử lý tình huống; tổ chức, điều hành buổi tọa đàm - trao đổi.
Qua tiết học thú vị này, cô muốn MCer 5G hiểu rằng, mỗi người mỗi vẻ nhưng đều góp phần làm nên cuộc sống muôn màu đẹp tươi. “Mỗi bạn là một cá thể riêng biệt. Vì vậy, tôi mong các con sẽ tôn trọng sự khác biệt của người khác; cũng như học cách chấp nhận, sẻ chia, cảm thông và thấu hiểu điều đó”, cô nói.
Trà My rất thích khi được diễn kịch xử lý tình huống và nhận huy chương “Diễn viên nhí xuất sắc lớp 5G - team cô Huyền”. Còn với vai trò chủ tọa cuộc trao đổi, He Sheng Hao đã được nghe tâm tư, suy nghĩ của các bạn trong lớp. Cậu bạn nhận ra, mỗi người đều có câu chuyện riêng đầy xúc động.
“Trong tiết học, khi cô Huyền chia sẻ về việc làm đầy nhân văn của “ông nội” với trẻ em còn sống sót sau vụ lũ quét tại thôn Làng Nủ, tỉnh Lào Cai, chúng tớ đã rất xúc động và càng kính trọng ông hơn. Chúng tớ cảm thấy tự hào khi theo học dưới mái trường Marie Curie. Hơn nữa, qua buổi học, chúng tớ đã hiểu các bạn trong lớp hơn. Chúng tớ nhận ra, mỗi người đều có điểm mạnh, điểm yếu riêng và điều đó khiến chúng ta trở nên đặc biệt. Ngoài ra, chúng tớ còn học được cách lắng nghe và tôn trọng ý kiến của người khác”, Lan Anh và Bảo Ngọc (5G) nói.
Ở lớp 4I, trong tiết “Tình yêu lao động”, cô chủ nhiệm Nguyễn Hạnh rất bất ngờ với tài năng của học trò. Với đam mê nhảy, Hải Nhi đã lập nhóm và tự biên, tự diễn một tiết mục đặc sắc. Nam Sơn trở thành rapper chuyên nghiệp với phần hát rap độc đáo. Đặc biệt, Lucas và cả lớp còn sáng tác một bài vè vừa vui tươi vừa ý nghĩa.
Nam Sơn cho biết: “Tớ tập tành viết rap từ lớp 2. Năm nay, khi nghe cô giới thiệu về tiết học, tớ có ngay cảm hứng và sáng tác trong vòng 1 tiếng. Lúc tớ biểu diễn, cô và các bạn đều thích thú vỗ tay cổ vũ. Tớ rất vui và chắc chắn sẽ tiếp tục theo đuổi giấc mơ làm rapper trong tương lai”.
Cô Hồng Hải (mẹ của Hải Nhi) rất hạnh phúc khi thấy con sôi nổi tham gia các hoạt động ở lớp. Cô chia sẻ: “Từ khi vào MC, con có nhiều cơ hội phát huy khả năng ca hát, nhảy múa. Từ năm lớp 1, mỗi lần biểu diễn vào dịp nào đó, con đều chủ động rủ bạn bè tập luyện. Lần này cũng vậy, con cùng bạn âm thầm tập ở nhà, chỉ đến khi cô giáo gửi video thì bố mẹ mới biết. Tôi thực sự cảm ơn nhà trường vì luôn tổ chức những hoạt động ý nghĩa để các con được thể hiện bản thân và trau dồi vốn hiểu biết, kỹ năng sống”.
Làm “Đại sứ du lịch nhí”
Việt Nam không chỉ là đất nước có lịch sử hào hùng mà còn hội tụ nhiều phong cảnh được người dân trong nước và bạn bè quốc tế yêu thích. Chính vì vậy, cô Minh Hằng (GVCN 5P1) đã chọn tiết “Nói và nghe: Cảnh đẹp thiên nhiên” trong môn Tiếng Việt để học trò thuyết trình giới thiệu về những danh lam thắng cảnh của đất nước. Các bạn được chủ động chọn làm việc theo cá nhân hoặc nhóm 2 - 5 người.
Hôm tổng kết dự án, cô Hằng đã tổ chức cuộc thi “Đi tìm đại sứ du lịch Việt Nam” để gây hứng thú cho học trò. Tại đây, với sự dẫn dắt tự nhiên và khả năng khuấy động không khí, MC Nhật Quang đã khiến tiết học trở nên vô cùng sôi nổi. Còn hai đội chơi đã mang tới phần thuyết trình với nội dung phong phú, sinh động và cách thể hiện mạch lạc, tự tin.
Chứng kiến thành quả của học trò, cô Hằng vui mừng nói: “Tôi rất bất ngờ trước khả năng sử dụng công nghệ thông tin của các con. Đặc biệt, các con đã sáng tạo thêm trò chơi “Đuổi hình bắt chữ”, “Ai là triệu phú?” để thu hút người nghe và tạo không khí sôi động cho phần thi của đội.
Tôi thích phần hoá thân thành những hướng dẫn viên du lịch trên chuyến bay “5P1 Airlines” và sơ đồ tư duy của nhóm Diệp Chi A vì giúp mọi người ghi nhớ nội dung chính một cách ngắn gọn, logic. Tôi cũng ấn tượng với phần giới thiệu bằng tiếng Anh của nhóm Thái An và bức tranh do Bình Minh tự vẽ. Các con không chỉ cho mọi người thấy nhiều tài lẻ của mình mà còn thể hiện tình cảm sâu sắc với địa danh Hội An”.
Bên cạnh đó, tiết học giúp “cư dân” 5P1 hiểu được vai trò quan trọng của thiên nhiên với tất cả sinh vật sống trên Trái đất. Nếu con người không khai thác, sử dụng hợp lý; cũng như gìn giữ thì sẽ mất đi tài sản quý giá này và phải gánh chịu tác động nghiêm trọng.
Bằng phương pháp để học trò tự viết câu trả lời cho câu hỏi “Chúng ta cần làm gì để bảo tồn thiên nhiên?” và trao đổi giải pháp với nhau theo nhóm, cô Hằng muốn MCer hiểu rằng, cùng một vấn đề nhưng chúng ta có thể nhìn nhận và giải quyết theo nhiều cách. Hơn nữa, mỗi bạn có thể học hỏi từ các bạn khác để hoàn thiện hơn phương án xử lý của mình.
Diệp Chi A, Thái An và Bình Minh rất vui khi sản phẩm của nhóm được cô cùng các bạn đánh giá cao. Các bạn nói: “Chúng tớ cảm thấy những tiết học như vậy không chỉ vui và còn giúp thuộc nhanh kiến thức. Ngoài ra, chúng tớ còn được rèn thêm sự tự tin, bản lĩnh đứng trước đám đông”.