Thầy Hiệu trưởng Nguyễn Xuân Khang từng nói: “Sách vừa là bạn vừa là người thầy. Sách là người bạn theo ta đi khắp nơi. Sách ở trong ba lô theo ta tới trường. Sách gối đầu giường theo ta vào mỗi giấc mơ. Sách giúp chúng ta giàu có về cảm xúc, trí tuệ và cả sự kiên trì”. Thế mới thấy, việc hình thành thói quen đọc sách có vai trò quan trọng như thế nào trong cuộc sống của chúng mình, phải không các MCer?
Việc đọc sách của tôi bắt đầu từ niềm hứng thú với văn học. Khi nghe cô giáo chia sẻ về những nhân vật trong các cuốn sách, tôi đã tò mò tìm đọc. Những cuốn tiểu thuyết đầu tiên mà tôi tiếp cận là các tác phẩm kinh điển như: Thép đã tôi thế đấy, Ruồi trâu… Vì hứng thú nên tôi đọc rất say mê. Vì thích các con chữ nên tôi đọc sách thường xuyên và đặt mục tiêu đọc hàng tháng, hàng năm. Sau một thời gian, việc đọc sách đối với tôi không chỉ là hứng thú mà còn là nhu cầu, nhiệm vụ bắt buộc.
Theo tôi, việc đọc sách chỉ có hiệu quả khi nhập tâm vào nó. Nhiều cuốn sách không chỉ kể về một nhân vật, dựng lại một cuộc đời mà còn cung cấp lượng kiến thức đồ sộ. Vì thế, tôi thường ghi chép lại để không quên những thông tin cần thiết.
Việc duy trì thói quen đọc sách khi bận rộn đòi hỏi quyết tâm rất cao. Tôi cho rằng, ngừng đọc sách là ngừng tư duy, là thụt lùi nên cố gắng đọc nhiều nhất có thể. Việc này giúp tôi cập nhật và mở rộng tri thức, đồng thời phục vụ cho các bài giảng.
Tôi thiết nghĩ, thói quen đọc sách cần được hình thành ở mỗi người. Các bạn nhỏ có thói quen này sẽ gặp nhiều thuận lợi trong quá trình học tập, nhất là tư duy luôn được trau dồi. Bên cạnh đó, sách mang lại lượng kiến thức khổng lồ, khiến người sở hữu nó tự tin và nâng cao vị thế.
Cô HỒNG NHUNG
(GV Ngữ văn)
Tôi bắt đầu thói quen đọc sách từ khi còn là học sinh. Ngày đó, tôi thường không cố định thời gian mà cứ thấy cuốn nào hấp dẫn là ngấu nghiến đọc. Thể loại tôi yêu thích nhất là sách văn học thiếu nhi. Tôi thường giả tưởng mình là một nhân vật trong cuốn sách hoặc là người chứng kiến câu chuyện diễn ra, vui buồn cùng các nhân vật. Nhờ đó, trí tưởng tượng của tôi phong phú hơn và cảm nhận về thế giới xung quanh cũng nhạy cảm hơn. Mỗi khi đọc xong một cuốn sách, tôi thường có cảm giác tiếc nuối, hụt hẫng một thời gian.
Giờ đây, khi đã trưởng thành, tôi vẫn duy trì thói quen đọc sách. Bởi đó như là một liều thuốc giúp giải tỏa những áp lực, buồn phiền trong cuộc sống và giúp tôi tăng thêm vốn hiểu biết. Tôi luôn mong muốn học sinh của mình nuôi dưỡng thói quen đọc sách. Để truyền cảm hứng cho các con, tôi thường liên hệ các vấn đề trong bài học đến những cuốn sách thú vị. Tôi kể những mẩu chuyện nhỏ để các con có niềm hứng thú tìm đọc những tác phẩm đó.
Ai đó từng nói, sách không đơn thuần chỉ là những trang giấy mà chứa đựng cả một thế giới con người khao khát khám phá. Nếu có một thư viện đọc sách cho các con và những cuốn sách hấp dẫn, phù hợp với lứa tuổi thì thật tuyệt biết bao. Khi đó, các thầy cô sẽ tổ chức các lớp đọc - hiểu, các buổi ngoại khóa giới thiệu cuốn sách ấn tượng. Và xa hơn là những buổi diễn sân khấu hóa các cuốn sách nổi tiếng...
Cô ÁNH TUYẾT
(GV Ngữ văn)
Từ lớp 6, tôi đã bắt đầu thích đọc sách. Tôi thường đọc vào lúc nghỉ trưa ở trường và buổi tối trước khi đi ngủ. Thể loại sách mà tôi chủ yếu đọc là sinh học, y học vì ngày đó, tôi ước mơ trở thành bác sĩ. Tôi có một quyển sổ nhỏ ghi những điều cần nhớ. Mỗi khi đọc được cuốn sách hay, tôi rất vui và có thể đọc lại hàng chục lần mà không biết chán.
Khi đã thành cô giáo và làm mẹ, tôi luôn muốn con cái và học sinh của mình cũng có thói quen đọc sách. Bởi tôi biết, điều này hữu ích như thế nào. Khi con mới được sinh ra, tôi đã đọc những quyển sách thiếu nhi cho con nghe. Giờ mới 17 tháng tuổi nhưng con rất thích cầm sách trên tay để đọc dù chưa biết mặt chữ.
Còn với học sinh, tôi để các con thoải mái mang sách, truyện đến lớp. Các con đã xây dựng một thư viện nhỏ ở lớp và cùng nhau đọc sách từ 11h30 đến 11h55, sau giờ ăn trưa. Buổi chiều tan học, trong lúc chờ bố mẹ đến đón, các con sẽ đọc sách tại lớp. Các con còn có quyển sổ nhỏ để ghi chép những điều thú vị trong cuốn sách.
Gần đây, cô trò chúng tôi đọc hai quyển sách: Thế giới tự nhiên, Trái đất của chúng ta - Hành tinh xanh. Nội dung chúng tôi thích nhất là những kỷ lục của Trái đất. Ví dụ như: hẻm núi sâu nhất thế giới là Grand Canyon ở bang Arizona, Mỹ với độ sâu lên tới 1.800 mét; sa mạc Atacama đã trải qua 173 tháng không hề có mưa và trở thành nơi khô nhất...
Tôi mong muốn triển khai việc đọc sách hàng tuần cho các con. Mỗi tuần, các con sẽ đọc một cuốn sách, sau đó trao đổi với bạn. Các con sẽ ghi những ý chính của cuốn sách vào tờ phiếu do giáo viên chuẩn bị và treo ở lớp. Tôi nghĩ rằng, việc hình thành thói quen này ở các con càng sớm càng tốt bởi gieo suy nghĩ, gặt hành động; gieo hành động, gặt thói quen; gieo thói quen, gặt tính cách; gieo tính cách, gặt số phận.
Cô MỸ TIỆP
(GV Tiểu học)
“Thế giới vô cùng vĩ đại. Cặp mắt của bạn chỉ thấy được một phần bé nhỏ không đáng kể. Bởi vậy, bạn hãy tìm lấy các sự kiện trong sách. Hãy tích lũy đều đặn hàng ngày các sự kiện ấy!” (V.Ô brưsép).
Với tôi, mỗi cuốn sách mở ra một chân trời mới kỳ diệu, thiêng liêng và rực rỡ sắc màu, đong đầy cảm xúc. Tuổi thơ tôi trải qua bao hồi ức tươi đẹp nhờ có sách đem tới. Ngay từ khi tập đánh vần, ghép chữ, tôi đã có niềm đam mê với sách và hình thành thói quen đọc sách hàng ngày.
Khi còn là học sinh, ngoài thời gian học, tôi thường dành 1 - 2 tiếng buổi tối trước khi ngủ và những lúc rảnh rỗi để đọc sách. Tôi có thói quen mang sách bên mình như một người bạn tri kỉ. Khi đến hiệu sách hay thư viện trường, tôi thường chọn sách văn học của các tác giả trong chương trình Ngữ văn trên lớp hoặc của các nhà văn nổi tiếng thế giới. Có khi “đổi gió”, tôi chọn sách khoa học để khám phá thêm về thế giới xung quanh.
Tôi quan niệm, đọc sách không chỉ để giải trí mà còn lĩnh hội tri thức. Vì vậy, tôi tự đặt cho mình những nguyên tắc riêng khi đọc sách. Đầu tiên, tôi xem lời mở đầu để có cái nhìn khái quát về vấn đề và mục đích mà tác giả đề cập. Sau đó, tôi đi sâu tìm hiểu bằng cách đọc chăm chú từng trang sách.
Để có thể ghi nhớ nội dung, tôi luôn dùng bút đánh dấu những câu, đoạn văn hay, hấp dẫn. Với những đoạn chưa hiểu, tôi viết vào giấy nhớ để đọc lại… Dù thích cuốn sách đến mức nào, tôi cũng không đọc gấp, đọc vội mà đọc một cách nghiền ngẫm, vừa đọc vừa suy nghĩ, phân tích để “cảm” được hết cái hay, cái đẹp.
Niềm say mê với sách và thói quen đọc sách vẫn luôn được tôi duy trì. Bởi mỗi cuốn sách là một kho báu tri thức. Qua đó, tôi thấy thêm yêu quê hương, cuộc sống hơn. Đồng thời, việc đọc sách giúp tôi mở rộng vốn sống, vốn từ ngữ, cập nhật tri thức, bồi đắp tình yêu thơ văn và khiến mỗi giờ dạy thêm sinh động, hấp dẫn.
Với thế hệ trẻ ngày nay, các con có quá nhiều “cám dỗ” như: tivi, máy vi tính, điện thoại thông minh… Đôi khi, các con lãng quên tình yêu dành cho sách. Với các con của mình, tôi thường kể truyện cổ tích cho nghe lúc còn nhỏ. Khi các con có thể tự đọc, tôi thường đặt ra những câu đố xoay quanh cuốn sách, sau đó trao thưởng bằng chính những cuốn truyện mà các con yêu thích.
Với học trò, để bồi đắp tình yêu với sách, tôi thường chia sẻ những cuốn sách hay mà mình đọc được. Trong giờ Ngữ văn, khi tìm hiểu các tác giả, tôi luôn lưu ý các tác phẩm tiêu biểu và khuyến khích các con tìm đọc. Có khi, tôi cho các con thi sáng tác truyện ngắn hay nêu cảm nhận về một cuốn sách hay. Tất cả điều đó nhằm mục đích giúp học trò hiểu ra rằng, việc đọc sách góp phần rất lớn trong việc phát triển ngôn ngữ, khả năng sáng tạo, diễn đạt để có thể giao tiếp tốt, tự tin trước đám đông. Đồng thời, việc đọc sách còn bồi đắp lòng thương cảm, giúp các con có những suy nghĩ tốt đẹp và những hành động nhân văn ý nghĩa.
Cô HẢI YẾN
(GV Ngữ văn)