Thầy cô chúng ta “theo đuổi” năm ấy

Không phải minh tinh màn bạc, cũng chẳng phải tỷ phú sở hữu khối tài sản đồ sộ... nhưng các thầy cô MC vẫn rất nổi tiếng. Thậm chí từ ngoại hình, giọng nói đến sở thích, tính cách… của họ đều được các thế hệ MCer ghi nhớ và lưu truyền với nhau. 

Các thành viên lớp tôi thường bảo nhau, Thượng đế đã ban cho chúng tôi một phước lành. Đó là được cô chủ nhiệm Kim Quy dìu dắt.

Trước giờ vào lớp, chỉ cần nhìn thấy bóng dáng cô từ xa là mọi người đã răm rắp ngồi vào bàn nghiêm chỉnh, ngoan ngoãn. Mái tóc ngắn đen ngang vai, sống mũi cao và đôi mắt cánh phượng càng tôn lên nét đẹp đầy quyền lực của cô. Quả thực lắm lúc, tính cách của cô vô cùng phức tạp. Nhưng chính điều đó càng khiến chúng tôi thêm yêu quý cô hơn, cũng như cái tên KIM QUY đầy thú vị.

K - Kiên cường: Cô giống như chiến sĩ trên chiến trường, không bao giờ bỏ cuộc và luôn anh dũng vượt qua mọi khó khăn. Nhờ tính cách ấy mà cô có thể cai quản được “lũ tiểu yêu” chúng tôi trong hai năm qua.

I - “Intelligent”: Cô luôn biết cách biến giờ Lịch sử trở nên thú vị bằng những câu chuyện hấp dẫn; khiến chúng tôi phải mở to mắt, dỏng tai nghe để thỏa trí tò mò. Cô còn sử dụng tài trí đó để thúc đẩy chúng tôi tham gia thể dục, thể thao. 8M3 luôn nổi bật về kéo co và đằng sau ánh hào quang ấy là sự góp sức không hề nhỏ của cô. Mỗi khi lớp thi đấu, cô luôn treo thưởng điểm 10 để “nạp năng lượng” cho chúng tôi. Nhờ vậy, chúng tôi luôn vô địch trong các giải kéo co của trường.

M - Minh mẫn: Khi thành viên nào đó mắc sai lầm, cô đều giúp bạn ấy sửa lỗi. Và cô cũng không quên ghi nhận những tiến bộ hàng ngày của chúng tôi. Sự minh mẫn của cô còn được thể hiện qua cách chấm và chữa bài, cũng như đưa ra các nhận xét vô cùng đúng đắn.

Q - Quy tắc: Lớp chúng tôi thống nhất tuân theo quy tắc do cô đề ra: “Chơi thoải mái nhưng học phải nghiêm túc”. Khi vui chơi, ánh mắt cô luôn tươi cười, dịu dàng nhưng khi vào lớp, khí sắc cô thay đổi và trở thành “Nữ hoàng của những quy tắc”. Nhờ cô và những quy tắc ấy mà “lũ tiểu yêu” 8M3 mới có thể ngoan ngoãn, tiến bộ như bây giờ.

U - Uy quyền: Trong “vương quốc” 8M3, cô vừa là vua vừa là nữ hoàng uy quyền. Không chỉ chúng tôi mà những anh, chị khóa trước hay các em khóa sau cũng cảm nhận được quyền năng ấy. Khi bạn nào mắc lỗi mà bắt gặp ánh mắt của cô ngoài cửa sổ là tự động điều chỉnh lại tư thế, ngồi ngay ngắn học bài như thường. Lạ ở chỗ, cô dường như có mặt mọi lúc, mọi nơi như “xuất quỷ nhập thần”. Nhiều lúc, chúng tôi bất ngờ quay mặt lại thì đã nhìn thấy cô đứng phía sau.

Y - Yêu thương: Mặc dù nghiêm khắc, uy quyền, quy tắc nhưng cô luôn yêu thương chúng tôi rất chân thành. Cô không bao giờ bỏ qua những ưu điểm của chúng tôi. Mỗi tháng, cô đều tổ chức sinh nhật cho các thành viên trong lớp. Có lúc thâm hụt ngân quỹ, cô không ngần ngại bù vào. Tất cả điều ấy chỉ có thể xuất phát từ tình yêu mà thôi! Khi chúng tôi buồn, cô an ủi; khi chúng tôi khóc, cô ngồi bên lắng nghe, khiến chúng tôi nở nụ cười. Những tháng ngày tập luyện cho Hội diễn văn nghệ, cô cũng không ngủ trưa để ở cạnh chúng tôi. Cô luôn khích lệ cả lớp bằng nụ cười và những cốc trà sữa Thái...

Cô Quy ơi! 8M3 yêu cô nhiều lắm! Nhờ cô mà chúng con mới được như hôm nay! Cô hội tụ đầy đủ những gì mà một người mẹ cần có: yêu thương, mạnh mẽ, quy tắc, dịu dàng. Dù có những lúc chúng con làm cô buồn nhưng trong trái tim chúng con, cô luôn là cô giáo số 1. Dù đi đâu, những đứa con M3 sẽ luôn khắc sâu tình cảm, cử chỉ mà cô dành cho. Đặc biệt, cái tên thân thương mà sau này chúng con luôn muốn gọi mỗi ngày là “mẹ Quy”.

PHƯƠNG TRANG

(8M3)

Gần hai năm học đủ cho tôi cảm nhận được rất nhiều điều tốt đẹp từ mái trường này. Nhưng có lẽ, điều tốt đẹp nhất đối với tôi là được gặp cô Hồng Nhung - giáo viên Ngữ văn, cũng là cô chủ nhiệm của tôi.

Ngày đầu vào lớp 10, chưa hết bất ngờ trước khung cảnh của trường, tôi đã có buổi gặp gỡ đầu tiên với cô. Cô bước vào khi lớp còn đang nhốn nháo. Với sự im lặng, cô khiến cả lớp trật tự. Càng học và tiếp xúc nhiều với cô, tôi nhận ra, cô là người khá hài hước và nghệ sĩ. Cô mặc rất đẹp, cứ như một “fashionista” vậy. Mái tóc của cô được buộc cao, khiến nét mặt luôn có gì đó nghiêm nghị. Nhưng cô lại sở hữu đôi mắt biết cười, luôn thu hút người đối diện. Và chúng tôi chưa bao giờ thấy chán nản trong tiết Ngữ văn của cô. Khi giảng bài, cô luôn lồng ghép nhiều kiến thức của Lý, Toán, Sinh hay những câu chuyện vui, khiến tiết học trở nên vô cùng thú vị. Đặc biệt, cô luôn bên cạnh, sẵn sàng giúp đỡ chúng tôi. Cô rất công bằng và luôn đứng về phía học trò để nhìn nhận vấn đề. Cô biết rõ khuyết điểm của từng bạn và cùng học trò cố gắng sửa chữa điều ấy. Cô chê trách cũng vô cùng tế nhị và tinh tế, không bao giờ để học sinh cảm thấy xấu hổ hay giận hờn.

Với tôi, cô còn mang tới cảm giác thân thuộc và gần gũi. Nhớ những ngày đầu vào MC, tôi khá tự ti. Thời gian đầu, tôi nhiều lần tự hỏi, ba năm cấp 3 rồi sẽ ra sao. Chẳng hiểu sao cô lại biết điều đó. Cô biết tôi mặc cảm và không thích cô. Nhưng cô đã kiên trì với tôi. Trong tiết sinh hoạt, cô nhắc nhở lớp một câu mà tôi nghĩ là cô dành riêng cho mình: “Nếu không có thứ mình yêu, hãy yêu thứ mình có!”. Câu nói đó khiến tôi giác ngộ, tự nhìn lại mình. Rồi tôi nhận ra, những ngày tháng đã trôi qua thật lãng phí khi tôi quá đắm chìm trong sự thất bại của quá khứ. Cô đã kéo tôi vực dậy, nâng đỡ tôi bước tiếp con đường của mình. Có lẽ sau này, nếu ai hỏi tôi về những năm tháng làm MCer và trở thành học trò của cô, tôi sẽ nói đó là khoảng thời gian đẹp nhất thời học sinh.

MẠNH TIẾN

(11M1)

Thầy cô chúng ta “theo đuổi” năm ấy - đối với tôi, đó là cô Thanh Tuyền (GV Sinh học). Cô là người lái đò cần mẫn chở những tâm hồn bé nhỏ của MCer đến khu rừng Sinh học đẹp tựa cổ tích.

Người lái đò giản dị ấy có mái tóc đen bồng bềnh. Ẩn dưới mái tóc xinh đẹp là khuôn mặt trái xoan với vầng trán cao thông thái. Cô rất hay cười với hàm răng trắng đều. Cứ nhắc đến cô, điều đầu tiên tôi nghĩ tới là nụ cười toả nắng làm ấm lòng người. Chỉ cần nhìn thấy nụ cười tươi như ánh mặt trời ấy cũng đủ tô thêm sắc hồng cho một ngày của tôi.

Cô Thanh Tuyền không chỉ đặc biệt ở nụ cười mà ở tất cả mọi thứ; từ đôi giày, gu thời trang đến cách giảng dạy hay cách gọi lên kiểm tra bài cũ. Mỗi khi cô bước vào lớp và cất giọng hỏi: “Hôm nay là ngày bao nhiêu, các con nhỉ?” là chúng tôi im lặng. Bởi cô chuẩn bị kiểm tra bài cũ đấy. Ngoài kiểu gọi kiểm tra bài cũ “thót tim”, cô có cách giảng dạy rất riêng biệt. Nghe cô giảng bài, không chỉ cần dùng đôi tai mà còn phải nghe bằng cả trái tim, tâm hồn thì mới hiểu hết được thành ý trong từng lời nói. Cô luôn gọi tên động vật, bộ phận cơ thể phức tạp bằng những cái tên rất gần gũi và hài hước như: “bạn thuỷ tức”, “anh dạ dày”, “chị này”, “em kia”…; làm lớp chúng tôi cười bò ra sàn.

Đối với tôi, cô chính là “nhà tâm lý học hài hước nhất mọi thời đại”. Cô chu đáo và cẩn thận đến từng li, từng tí. Cô quan tâm và chăm sóc chúng tôi tới mức nắm bắt được tính cách của từng người. Những lúc trò chuyện, tôi lúc nào cũng được cô tặng cho cái ôm ấm áp hay những cái nhéo má chan chứa yêu thương. Tôi còn nhớ rõ lần đầu thuyết trình trong tiết học của cô năm lớp 7. Thấy tôi hơi run, cô nói: “Con cứ nói đi! Hãy coi mọi người ở dưới là những củ khoai tây và nói những gì con muốn, con nghĩ!”. Câu nói đó đã trở thành động lực cho tôi mỗi khi bị áp lực. Nó làm dịu nhẹ tâm trạng rối bời và hồi hộp của tôi trước những lần thuyết trình trên lớp. Nhờ gặp được cô ở mái nhà Marie Curie mà tôi từ việc không bận tâm lắm đến thế giới bên ngoài thì nay trở thành một người tò mò về thiên nhiên, thế giới loài người bao la, đầy diệu kì. Nhờ cô mà tôi mới thực sự hiểu được tình yêu thương chân thành. Nhờ cô mà tôi mới trở nên tự tin và chững chạc hơn bao giờ hết. Nhờ cô mà tôi mới được mỉm cười vui tươi, đón nhận các bài học bằng trái tim mình. Cảm ơn cô vì những gì đã dành cho con!

 MỸ LINH

(8P2)

“Bố” Biên đã dạy dỗ, chỉ bảo biết bao lứa cầu thủ nhí MC về những điều hay, lẽ phải và tinh thần cao thượng thông qua bóng đá. Không những vậy, bố còn mang đến không chỉ tình yêu với trái bóng tròn mà còn là tư duy đá bóng, giúp các thế hệ học trò MC có cái nhìn đa chiều về môn thể thao quốc dân này.

20 năm trước, năm 1998 là năm “ăn bóng đá, ngủ bóng đá” của người dân Việt Nam. Đây là năm đầu tiên VTV3 phát sóng trực tiếp giải Ngoại hạng Anh, là năm diễn ra World Cup France 98 và cũng bắt đầu cho chu kỳ 10 năm của bóng đá Việt Nam khi Tiger Cup (tiền thân của AFF Suzuki Cup bây giờ) được tổ chức tại nước ta. Đội tuyển Quốc gia (ĐTQG) của lứa danh thủ Hồng Sơn, Huỳnh Đức, Công Minh, Đức Thắng, Văn Sỹ Hùng đã khiến không khí mùa hè ở Hà Nội đã nóng còn nóng hơn. Rất tiếc khi đó, Việt Nam lại để thua Singapore trong trận Chung kết ngay tại sân Hàng Đẫy! Đây thực sự là khoảng thời gian ngập tràn cảm xúc của bóng đá Việt Nam.

Đó cũng là thời điểm tôi hoàn thành năm học đầu tiên tại cấp 2 MC với bao kỷ niệm đáng nhớ. Năm lớp 6, lần đầu tôi gặp “bố” Biên. Nhìn thấy “bố” mặc quần áo trọng tài, đi giày đinh, tất cao đến gối và mang theo còi với quả bóng da, đứa nào cũng thấy ngưỡng mộ. Không những thế, thân hình “bố” lại cao lớn, đúng chất cầu thủ chuyên nghiệp. Nói chung là tôi mê lắm! Trông “bố” cứ như từ tivi bước ra vậy. “Bố” Biên là nhân tố cộng hưởng để bóng đá ăn sâu vào máu mỗi chàng trai MC. Tuần nào, tôi cũng mong ngóng đến buổi tập bóng. Rồi có lúc tôi đã nghĩ đến việc chơi bóng chuyên nghiệp sau khi đoạt danh hiệu Quả bóng vàng toàn trường mùa giải 1997 - 1998.

Tôi từng đọc trên báo câu chuyện kể về một buổi tập khi HLV Park Hang Seo mới sang dẫn dắt U23 Việt Nam. Thầy Park thách đấu Công Phượng xem ai sẽ đá trúng xà ngang trước và Công Phượng đã thắng. Câu chuyện đó giống hệt hình ảnh cách đây 20 năm của tôi và các bạn ở MC. Cứ mỗi giờ ra chơi buổi chiều hoặc được về sớm, tôi lại rủ các bạn trong đội bóng của lớp chạy ra sân bóng để gặp “bố” Biên. Những lúc ấy, mấy “bố con” thường thách thức nhau đá bóng trúng xà ngang. Phần thưởng đơn giản chỉ là cốc nước lọc đá 200 đồng nhưng thực sự đó là niềm vui, là trải nghiệm, là thỏa mãn đam mê. Khi ấy, chúng tôi thường thắng “bố” và cho rằng, mình tài giỏi. Nhưng khi lớn lên mới nghiệm ra, “bố” Biên đã nhường để chúng tôi có thêm niềm vui, để giải tỏa đầu óc sau những giờ học văn hóa.

Ngày đó không rõ có trường học nào ở Hà Nội dạy bóng đá bài bản như Marie Curie hay chưa nhưng với tôi, “bố” Biên đã giúp tôi có “tư duy chuẩn xác nhất” về bóng đá. Bố dạy từ cách buộc dây giày, cách đi tất, từ kỹ năng cơ bản đến kỹ năng chiến thuật…, rất bài bản và chi tiết. Chính những năm tháng ấy đã giúp tôi có được đam mê sâu sắc với trái bóng như bây giờ mặc dù không theo con đường bóng đá chuyên nghiệp. Bên cạnh đó, “bố” còn giúp tôi yêu thích thể thao, có ý thức hơn về sức khỏe và thêm yêu ngôi trường MC thân thương.

Tại sao MCer không gọi là thầy hay bác Biên mà lại là “bố” Biên? Bởi đó là phong cách Marie Curie, là phong cách của một gia đình. Người bố cũng là người thầy, luôn chỉ bảo chúng tôi những điều tốt đẹp nhất. “Bố” Biên không chỉ dạy bóng đá, dạy cách bảo vệ, rèn luyện thể chất mà còn dạy phong cách sống. “Bố” thực sự là người khơi dậy đam mê và truyền lửa không chỉ cho thế hệ chúng tôi mà còn nhiều lứa MCer khác. “Bố” Biên xứng đáng được gọi là người cha truyền giáo của MCer và là một phần không thể thiếu trong lịch sử hào hùng của trường.

“Bố” Biên tên đầy đủ là Trần Tràng Biên, công tác tại trường MC từ năm 1993 đến năm 2007. Sau đó, thầy được nhà trường mời cộng tác với vai trò trọng tài chính trong các giải bóng đá nam CBGVNV mở rộng từ năm 2014. Thầy chia sẻ, trước khi về làm việc ở Marie Curie, thầy từng thi đấu cho đội tuyển Thể Công. Thầy vinh dự là một trong những thế hệ đầu của đội bóng lừng danh này.

Khi được hỏi về thầy Biên, cô Hồng Mai (GV Địa) và thầy Anh Tuấn (GV Thể dục) không ngớt lời khen ngợi: “Thầy Biên là một đồng nghiệp cực kỳ vui tính và hài hước. Có lần thầy còn mời đội Thể Công đến giao lưu với đội học sinh của trường. Trong tâm trí rất nhiều thế hệ học trò, “bố” Biên là người toàn tâm, toàn ý vì niềm vui của học sinh. Vừa huấn luyện vừa làm trọng tài, thầy thực sự rất nghiêm khắc và công bằng”.

HOÀNG TÚ

(CHS P, 97 - 01)

Theo MCer Link 39

21

Tháng 11/2024

SÔI NỔI HOẠT ĐỘNG VĂN NGHỆ CHÀO MỪNG NGÀY NHÀ GIÁO VIỆT NAM

SÔI NỔI HOẠT ĐỘNG VĂN NGHỆ CHÀO MỪNG NGÀY NHÀ GIÁO VIỆT NAM

SÔI NỔI HOẠT ĐỘNG VĂN NGHỆ CHÀO MỪNG NGÀY NHÀ GIÁO VIỆT NAM

Thứ năm, 21 Tháng 11 2024 08:17 Viết bởi TRUONG MARIE
Hòa chung không khí hân hoan của cả nước hướng tới kỷ niệm 42 năm ngày Nhà giáo Việt Nam, tại hệ thống giáo dục Marie Curie, Hội diễn văn nghệ lần thứ 32 diễn ra sôi nổi với gần 240 tiết mục từ các lớp mầm non đến THPT. Chương trình này cũng là cơ hội để các MCer, thầy cô và bố mẹ được toả sáng trên sân khấu lung linh.
Xem thêm

21

Tháng 11/2024

LỄ TRAO GIẢI HDVN32: ẤN TƯỢNG KHÓ QUÊN

LỄ TRAO GIẢI HDVN32: ẤN TƯỢNG KHÓ QUÊN

LỄ TRAO GIẢI HDVN32: ẤN TƯỢNG KHÓ QUÊN

Thứ năm, 21 Tháng 11 2024 08:10 Viết bởi TRUONG MARIE
Sáng 20/11, tại nhà hát Thăng Long - cơ sở Việt Hưng đã diễn ra chương trình tranh giải Đặc biệt và vinh danh các tập thể xuất sắc nhất Hội diễn văn nghệ lần thứ 32.
Xem thêm

20

Tháng 11/2024

MỘT NGƯỜI THẦY TRÂN QUÝ

MỘT NGƯỜI THẦY TRÂN QUÝ

MỘT NGƯỜI THẦY TRÂN QUÝ

Thứ tư, 20 Tháng 11 2024 15:26 Viết bởi TRUONG MARIE
Mang trong mình nhiệt huyết và đạo đức của nghề giáo, trong suốt 30 năm làm nghề, thầy Nguyễn Xuân Khang – Chủ tịch Hệ thống giáo dục Marie Cuire Hà Nội đã là người gieo mầm xanh của sự tử tế vào tâm hồn của biết bao thế hệ học sinh.
Xem thêm

20

Tháng 11/2024

CHUNG KHẢO HDVN32 K89-MĐ: TRÂN TRỌNG TỪNG KHOẢNH KHẮC BÊN NHAU

CHUNG KHẢO HDVN32 K89-MĐ: TRÂN TRỌNG TỪNG KHOẢNH KHẮC BÊN NHAU

CHUNG KHẢO HDVN32 K89-MĐ: TRÂN TRỌNG TỪNG KHOẢNH KHẮC BÊN NHAU

Thứ tư, 20 Tháng 11 2024 09:07 Viết bởi TRUONG MARIE
Những thước phim quay chậm trên sân khấu MC đã mang tới cho người xem cảm nhận sâu sắc hơn về ý niệm thời gian. Thông qua 26 tiết mục ý nghĩa, các MCer khối 8, 9 - Mỹ Đình đã lan tỏa thông điệp “Đừng bao giờ để đến ngày mai những việc có thể làm hôm nay!”.
Xem thêm

19

Tháng 11/2024

CHUNG KHẢO HDVN 32 THPT-VP: ĐÊM DIỄN VỚI NHIỀU DẤU ẤN RỰC RỠ

CHUNG KHẢO HDVN 32 THPT-VP: ĐÊM DIỄN VỚI NHIỀU DẤU ẤN RỰC RỠ

CHUNG KHẢO HDVN 32 THPT-VP: ĐÊM DIỄN VỚI NHIỀU DẤU ẤN RỰC RỠ

Thứ ba, 19 Tháng 11 2024 14:59 Viết bởi TRUONG MARIE
Tối 16/11, Chung khảo khối THPT - Văn Phú đã đưa mọi người trải qua nhiều cung bậc cảm xúc: từ háo hức, chờ đợi, lắng đọng khi từng lời ca, giai điệu được vang lên cho đến bồi hồi, suy ngẫm về hai chữ “Thời gian”.
Xem thêm