Cuối tháng, tôi về thăm bố mẹ. Quà của mẹ là một yến gạo tám thơm mùa lúa mới. Thóc phơi ở sân nhà còn lẫn nhiều sạn. Những vụn trấu của lần xay xát cũng chưa được lọc đi. “Chiếu chỉ” được ban hành, nghe nhẹ nhàng mà tôi thấy khó khăn vô kể: “Sáng Chủ nhật rảnh rỗi, con ngồi ở nhà sàng hết yến gạo đi nhé! Kẻo lẫn đầy sạn với gạo, khó ăn lắm!”. Tôi nhìn mẹ cầu cứu: “Nhưng... con đã sàng sẩy bao giờ đâu. Để con tự làm, gạo văng lung tung thì sao?”. Mẹ nhìn tôi, giọng dịu lại, thoáng một cái thở dài: “Con gái đồng chiêm mà không biết sàng sẩy thì sao được? Thôi được rồi, sáng nay ở nhà, mẹ dạy con biết làm mới thôi”.
* * *
Giống như nhiều bạn bè khác, tôi đi học xa nhà từ nhỏ. Năm tháng ở bên bố mẹ tính ra còn ít hơn những ngày xa nhà. Đến lúc tốt nghiệp Đại học rồi ra trường đi làm, những lần về nhà cũng trở nên thưa thớt. Không ở nhà thường xuyên đồng nghĩa với cơ hội học hỏi những “mẹo vặt” hay bí quyết từ mẹ cực hiếm. Thế mới có chuyện, chúng tôi (tôi và mấy cô bạn học) đã khổ sở một phen vì không biết tách vỏ lạc trong bữa tiệc liên hoan cuối năm của lớp. Chỉ cần cho lạc đã rang vào rá, xoay đều cho vỏ lạc rời ra và thổi nhẹ để chúng bay đi. Có vậy thôi mà chúng tôi không biết. Hay có lần, chúng tôi tự làm sữa chua mà không biết ủ lên men đúng cách dẫn đến hậu quả, sữa vẫn chua mà uống vào lại bị… đau bụng. Hoặc có những khi, đang chế biến các món ăn cầu kỳ như: sườn xào chua ngọt, ngao hấp dứa, xôi dừa…, tôi vẫn phải gọi điện “cầu cứu” mẹ, gọi nhiều đến nỗi bố tôi vẫn trêu: “Mẹ con sắp trở thành tổng đài 1080 chuyên giải đáp thắc mắc nội trợ rồi đấy”.
Tôi hay viện cớ mình bận, cần tập trung vào học hành và công việc sau này để tự cho mình lý do xao lãng chuyện “nữ công gia chánh”. Cũng có thể do tôi vốn không kiên nhẫn và tỉ mỉ, những đức tính cần có thể để làm được những việc ấy. Ở nhà tôi, những ngày tháng Bảy âm lịch trời mưa, dù không ra đồng hay đi chợ, mẹ vẫn chẳng khi nào ngơi tay. Mẹ lần giở đám quần áo của mấy đứa con nghịch như quỷ sứ để đơm lại những chiếc cúc sắp long ra, khâu lại vài đường chỉ đã tuột. Cả ngày, mẹ miệt mài bên giỏ quần áo cũ mà không thấy mệt. Nếu không, mẹ lại bện chổi cùng bà nội, thứ chổi rơm được bện bằng rơm nếp óng ả, vàng tươi. Trong góc gian bếp nhỏ thoảng qua mùi rơm mới ấm áp, mùi khói từ bức tường ám đầy bồ hóng là những người phụ nữ của gia đình lặng lẽ và cẩn thận tết từng sợi rơm. Ngày nhỏ, tôi hay ngồi bên mẹ, bên bà, hát véo von: “Một sợi rơm vàng, hai sợi vàng rơm/ Bà bện chổi to, bà làm chổi nhỏ/ Chổi to, bà quét sân kho/ Còn chổi nhỏ để bé chăm lo quét nhà” và nằng nặc đòi bà bện cho một cái chổi thật nhỏ, không phải để quét nhà mà để chơi với các bạn hàng xóm. Hết mùa mưa tháng Bảy, thành quả của mẹ, của bà là những chiếc chổi xinh xắn, chắc tay đem tặng họ hàng. Cái nhỏ để phủi bàn thờ, nóc tủ; cái to để quét nhà, quét sân. Ai cũng khen mẹ tôi khéo léo, đảm đang là vì thế.
Càng lớn, tôi dường như càng rời xa những việc thường ngày, giản dị mà mẹ vẫn làm. Trong tâm trí tôi, những việc ấy chỉ hiện lên qua kỷ niệm, tuyệt đối chẳng phải là điều tôi phải học, phải nhớ. Biết sảy, biết sàng làm gì khi chỉ cần ù ra chợ là có ngay một túi gạo thơm ngon, xay xát trắng tinh, bói không ra một hạt sạn hay vỏ trấu? Đơm khuy, thùa khuyết làm gì khi bây giờ, quần áo chưa kịp cũ đã trở nên lỗi mốt? Và thứ chổi rơm óng vàng ngày xưa đã được thay thế bằng chổi đót, chổi lông gà, chổi nhựa. Thế mà không phải, trong một sáng Chủ nhật ngồi dạy tôi sàng gạo, mẹ mới thủ thỉ giải thích. Làm những việc nhỏ như vậy sẽ dạy người con gái sự khéo léo, chuyên tâm với những công việc gia đình, học cách chăm sóc và chăm chút cho người những người thân. Thương yêu chẳng khơi nguồn từ những điều xa lạ, viển vông. Thương yêu là biết cách quan tâm đến miếng cơm, tấm áo; là biết nhíu mày trước một đường chỉ xô lệch; là biết tự tay đan khăn cho ai đó khi gió mùa Đông Bắc tràn về…
Một ngày tháng Bảy trời sậm sụt những mưa là mưa, tôi ngồi gần lại mẹ, khẽ khàng: “Mẹ dạy con sàng gạo nhé!”. Cũng hơi muộn để tôi bắt đầu học những điều nhỏ nhặt này nhưng muộn còn hơn không. Biết sẩy, biết sàng, biết thêm vài điều nhỏ bé mà ý nghĩa khác nữa; tôi sẽ có cơ hội chăm lo cuộc sống của những người mình thương yêu nhất. Như là việc ngày nào đó, tôi biết sẩy, biết sàng để lựa bỏ đi những hạt sạn, cho gia đình mình một bữa cơm ngon, trọn vẹn.
… Chỉ là vậy thôi!
UYÊN MAI