Trở về từ nước Úc, hai cô bạn Đặng Trang Linh và Vũ Đặng Khánh Linh (CHS E2, 11 - 15) rất vui khi được PV MCer Link “hỏi xoáy, đáp xoay” chuyện du học ở bậc THPT. Cùng lắng nghe những chia sẻ của họ để có thêm những ghi chú hữu ích trong sổ tay du học, MCer nhé!
Nền tảng vững chắc đến chân trời ước mơ
Điều gì khiến hai bạn quyết định du học khi đang là học sinh THPT?
Trang Linh: Từ nhỏ, mình đã được bố mẹ định hướng du học. Sau khi dành thời gian tìm hiểu hệ thống giáo dục của Anh, Úc, Mỹ và Singapore, mình nhận ra phương pháp giảng dạy và giáo trình của họ rất phù hợp với bản thân. Hơn nữa, việc du học bậc THPT giúp mình trang bị nhiều kiến thức nền tảng cho ngành nghề mong muốn theo đuổi, có cơ hội làm quen với môi trường giáo dục nước ngoài từ sớm và có cơ sở vững chắc để thi vào trường ĐH mơ ước.
Khánh Linh: Mình quyết định du học khi mới học cấp ba với mong muốn có thêm trải nghiệm mới về học tập và cuộc sống.
Theo các bạn, những thuận lợi và khó khăn khi du học bậc THPT là gì?
Trang Linh: Khó khăn lớn nhất là hòa nhập môi trường mới. Ở các nước phương Tây, để đạt điểm cao, đòi hỏi rất nhiều yếu tố như: sự sáng tạo, tính thực tiễn, khả năng áp dụng và phân tích thông tin. Cách học tại đây cũng nghiêng về tìm hiểu, nghiên cứu, làm báo cáo, dự án và thuyết trình hơn là ôn thi, học thi.
Còn thuận lợi thì không thể kể hết. Khi mới sang Úc, mình khá bất ngờ và tự hào khi thấy học sinh Việt Nam có vốn tiếng Anh tốt hơn du học sinh của nhiều nước. Với những môn Khoa học và Toán, họ nắm vững lý thuyết hơn bởi được dạy rất kĩ càng khi còn học trong nước. Ngoài ra, họ rất chăm chỉ, bền bỉ và cố gắng học tập.
Khánh Linh: Theo mình, du học bậc THPT có nhiều điểm thuận lợi. Đầu tiên, độ tuổi này “vừa vặn” cho việc du học do không quá trẻ con, non nớt để bắt đầu cuộc sống tự lập, cũng vừa đủ trưởng thành để trải nghiệm, học hỏi và tiếp thu những điều mới mẻ, thú vị của nước bạn.
Khó khăn thực ra cũng khó nói vì mỗi người một khác. Nhưng một khó khăn mà nhiều người gặp phải là nỗi nhớ nhà. Bởi sống gắn bó với bố mẹ, những người ruột thịt suốt nhiều năm trời, không thể cứ nói đi là đi được. Các du học sinh cũng phải tập làm quen với môi trường mới, khác hẳn ở nhà khi không còn những buổi chiều lang thang quán xá cùng bạn bè hay dịp cuối tuần cả nhà đi ăn, đi chơi. Rất may là mình gặp được những thầy cô luôn sẵn sàng chia sẻ và ở bên cạnh những lúc mình gặp khó khăn. Bạn bè cũng cực kỳ cởi mở và thân thiện. Hơn hết, mình học được cách tự tạo niềm vui cho bản thân. Đó là dạo phố cùng bạn bè, đọc sách, xem phim... khi rảnh rỗi. Dần dần, mình đã quen với môi trường mới - nơi mà bây giờ có thể nói là ngôi nhà thứ hai của mình.
Các bạn có thể chia sẻ về quá trình xin học bổng?
Trang Linh: Lúc đầu, bố mẹ lo lắng và không muốn mình du học quá sớm. Tuy nhiên, mình vẫn muốn đi để có thời gian hòa nhập môi trường mới và chuẩn bị cho việc vào Đại học nên quyết định xin học bổng của một số trường ở Úc, Anh. Do tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa từ nhỏ nên hồ sơ của mình có nhiều điểm cộng. Khi phỏng vấn, mình say mê nói về những đam mê của bản thân. Khi thấy mình thực sự quyết tâm và tự xin được học bổng, bố mẹ đã đồng ý cho mình theo học Kew - một trong những trường công tốt nhất ở tiểu bang Victoria, Úc.
Khánh Linh: Mình tìm đến học bổng của trường THPT Peninsula, Úc khá tình cờ. Hôm đó, mình đang lướt mạng Internet như bao ngày thì bỗng muốn nghiên cứu về học bổng THPT. Vốn yêu thích nước Úc nên mình thử Google “học bổng 100% THPT tại Úc”. Do Úc có ít học bổng cho bậc học này nên tên trường Peninsula xuất hiện ngay. Mình liền quay sang bảo bố: “Con sẽ ứng tuyển vào trường này. Họ cấp 100% học bổng cho hai năm cuối cấp ba, bố ạ”. Khi đó, bố đang bận nên chỉ nói qua: “Ừ, con cứ làm đi!”. Thế rồi mình tự viết luận, chuẩn bị hồ sơ, tham gia buổi phỏng vấn. Tháng 10/2016, khi biết mình thi đỗ, cả nhà khá bất ngờ và vui mừng.
Việc học của các bạn bên đó như thế nào?
Trang Linh: Học sinh THPT ở Úc được tự chọn sáu môn tùy thích. Mình đăng ký Tiếng Anh cho người bản xứ năm lớp 11 và Tiếng Anh cho học sinh quốc tế năm lớp 12. Ngoài ra, mình học Luật (Legal Studies), Toán cơ bản, Toán nâng cao, Quản lý kinh doanh (Business Management) và Tâm lý học (Psychology). Việc được tự chọn môn học yêu thích và đam mê thực sự tạo động lực cố gắng cho mình rất nhiều.
Cảm xúc của các bạn trong những ngày đầu ở nước ngoài thế nào?
Khánh Linh: Mình sang Úc đúng vào hôm 29 Tết 2017 nên buồn vô cùng. Mấy ngày đầu, mình cứ bần thần vì chưa quen với nếp sống mới, lại tủi thân khi lên mạng xã hội thấy mọi người bàn luận rôm rả về Táo quân, mâm cỗ Tết, đi chơi xuân. Nhưng sau vài tháng, mình đã quen dần với nhịp sống, có nhiều bạn hơn. Mình cùng họ đi tham quan, khám phá những điều thú vị ở Úc. Nhờ thế, sự ảm đạm hồi mới sang dần biến mất.
Trái tim luôn in đậm dấu ấn MC
Nhắc đến MC, các bạn nhớ nhất điều gì?
Trang Linh: Mình nhớ nhất lễ hội Bánh chưng. Khi đó, cả khối cùng quây quần gói bánh và ngủ qua đêm tại trường. Có năm, tụi mình được xem phim đến khuya, có năm lại ngoan ngoãn đi ngủ sớm. Đây là trải nghiệm mà khi ra trường, ai cũng nhớ bởi không nơi đâu mà mọi người lại gắn bó và tình cảm như MC. Cũng không có trường nào tạo cho học sinh cơ hội có những khoảnh khoắc quý giá như ở đây.
Mình thực sự yêu quý tất cả thầy cô MC. Từ các giáo viên chủ nhiệm đến thầy cô bộ môn, ai cũng rất tâm huyết với nghề và học trò. Người để lại cho mình ấn tượng sâu sắc nhất là cô Hồng Nhung, chủ nhiệm năm lớp 9. Cô luôn thấu hiểu, động viên và ủng hộ mình. Đến giờ, khi đã ra trường và du học ở Úc, cô vẫn luôn quan tâm, hỏi han mình. Với mình, hình ảnh cô Nhung luôn in đậm trong tim.
Khánh Linh: Mình nhớ nhất “Một ngày làm đầu bếp” cuối học kì 1 năm lớp 9. Lúc ấy, mình không chỉ biết đến sự hoành tráng, chuyên nghiệp của nhà ăn trường mà còn được tham gia vào khâu chuẩn bị, phục vụ đồ ăn. Các thành viên lớp mình tự phân chia thành các nhóm, chịu trách nhiệm cho những phần việc khác nhau. Ai cũng hăng hái làm và đoàn kết vô cùng.
Các bạn muốn gửi gắm điều gì tới các MCer cũng muốn đi du học sớm?
Trang Linh: Cố gắng hết sức và đừng buồn khi các bạn không quá xuất sắc hay đứng đầu lớp! Những du học sinh thành công không những học tốt mà còn có thời gian làm nhiều việc khác để hoàn thiện bản thân và trang bị những kĩ năng, kiến thức cần thiết. Hãy theo đuổi đam mê và nhớ rằng, những tài lẻ là yếu tố giúp bạn hòa nhập, tỏa sáng ở môi trường quốc tế. Và dĩ nhiên, làm gì thì làm đến nơi, đến chốn và phải quyết tâm hết sức!
Khánh Linh: Khi quyết định đi du học sớm, các bạn sẽ bước ra thế giới lớn, bắt đầu cuộc sống tự lập, tự chịu trách nhiệm cho những hành động của bản thân. Sẽ có lúc các bạn thấy cô đơn, tủi thân nhưng hãy nhớ, gia đình và bạn bè luôn ở bên cạnh. Hãy cứ làm những gì các bạn thực sự thích, gặp trắc trở cũng đừng bỏ cuộc vì mọi chuyện rồi sẽ ổn thôi! Các bạn hãy chuẩn bị tinh thần thật tốt, sẵn sàng đón nhận cuộc sống mới với tâm thế cởi mở. Cuộc sống du học không phải màu hồng. Điều quan trọng là các bạn xác định được mục tiêu, phấn đấu vì nó và hơn hết học cách tự vượt qua những phút “trầm” của bản thân.
Profile: Đặng Trang Linh - 2009: Huy chương Đồng “World Choir Championship”. - 2014: Giải Ba cuộc thi làm phim “Kid Witness News”. - 2015: Giải Ba cuộc thi guitar TP. Hà Nội (bảng đệm hát), giải Ba HSG Tiếng Anh quận Nam Từ Liêm, giải Khuyến khích Olympic tiếng Anh TP. Hà Nội. - 2016: Đại biểu trại hè HVIET do sinh viên Havard tổ chức ở TP. HCM. - 2018: Bậc 8 chứng chỉ Hiệp hội âm nhạc Hoàng gia Anh (Royal Schools of Music UK) Vũ Đặng Khánh Linh - 4 năm liền đạt danh hiệu G1T1. - Giải Nhất HSG Tiếng Anh năm lớp 10 TP. Hà Nội. - Học bổng toàn phần của trường THPT Peninsula, Úc hai năm lớp 11 và 12. - Top 19% bang trong kỳ thi HSG Toán Quốc gia Úc. - Đạt danh hiệu HSG toàn diện năm lớp 11 của trường THPT Peninsula. |