Trải nghiệm nền văn hóa mới, đi làm thêm với nhu nhập cao, cải thiện khả năng tiếng Anh, tiếp cận môi trường học tập lý tưởng…, có vô vàn viễn cảnh mà mọi người nghĩ về cuộc sống du học. Tuy nhiên, thực tế không hoàn toàn… “màu hồng” như vậy.
* Đến với một nền văn hóa mới mẻ và bắt đầu cuộc sống tại một trong những đất nước đắt đỏ nhất thế giới như Anh Quốc quả là trải nghiệm không dễ dàng. Sự khác biệt về văn hóa và thay đổi môi trường sống có thể khiến nhiều bạn cảm thấy hụt hẫng và nhớ nhà khôn nguôi.
Vượt qua những cú sốc
Cũng như bao bạn khác, lúc mới đặt chân đến đây, My không tránh khỏi những cú sốc văn hoá. Việc thu mình, ngại tiếp xúc với người khác do tự ti, lo sợ bị họ đánh giá này nọ… chính là rào cản lớn nhất, khiến My cảm thấy khó hoà nhập. Tuy nhiên, các anh chị trong hội Sinh viên đã cho My nhiều lời khuyên hữu ích, giúp My trở nên tự tin hơn.
Các trường học ở Anh luôn đề cao tính tự giác. Thầy cô rất ít khi nhắc nhở và bạn bè cũng không quan tâm bạn học như thế nào. Tự bản thân mỗi người phải thể hiện được năng lực. Nếu không, bạn rất dễ bị tách ra khỏi lớp và càng cảm thấy đơn độc hơn. Lúc mới sang, My không thể hiểu 100% lời giảng của thầy cô. Những lúc như vậy, My luôn mạnh dạn hỏi lại thầy cô để có thể tiến bộ nhanh hơn.
Tính trung thực, thẳng thắn cũng được đề cao trong môi trường học tập, sinh hoạt ở phương Tây. Nếu bạn chưa làm xong bài thì cứ nói là chưa; nếu không làm được thì hãy nói không, chứ đừng vòng vo lý do này nọ. Nếu không, bạn sẽ tự làm mình mất điểm trầm trọng trong mắt giáo viên.
Con đường nhanh nhất để kết bạn với người bản xứ và hòa nhập vào môi trường sống của họ chính là tham gia các hoạt động văn hóa, nghệ thuật. My luôn cố gắng thể hiện thật tốt khả năng của bản thân. Người nước ngoài rất thích và luôn khuyến khích điều này. Một thực tế đã được My kiểm chứng là càng “quậy”, càng năng động thì bạn sẽ càng dễ dàng hòa mình vào môi trường mới.
My thường mời mọi người về nhà thưởng thức món ăn Việt Nam do mình nấu và giải thích cho họ về những điều thú vị trong ẩm thực Việt. Những lần tụ họp như vậy giúp My thấy bớt nhớ nhà hơn.
Vô vàn điều đáng nhớ
Nhớ lại khoảng thời gian mới sang Anh, My từng nghĩ: “Có khi nào mình sắp trầm cảm rồi không?”. Nhớ những lúc phải tự mình đối mặt với mọi việc mà không dám chia sẻ với ai. Nhớ những ngày 5h30 thức dậy, tất bật đi làm và về nhà vào 2 - 3h sáng hôm sau. Nhớ cảm giác khi một vài người phương Tây ghét dân châu Á và thể hiện thái độ với mình ra sao. Nhớ những lúc mệt đến phát điên, chỉ muốn nằm lì trên giường vài hôm; tay có chảy máu, đau như thế nào thì vẫn cố cắn răng hoàn thành công việc hay lưng đau ê ẩm vì bê đồ quá nặng. Nhớ nhiều đêm nằm khóc một mình vì nhớ nhà, vì cảm thấy bất lực khi không giải quyết được chuyện của mình.
Nhưng hơn hết, My thấy nhớ những giây phút ngồi bên London Bridge một mình đến khuya mới về. Nhớ tất cả bạn bè đã nhắn tin ủng hộ, động viên như thế nào khi mình có chuyện buồn. Nhớ những chuyến đi dạo Oxford Street, tụ điểm ăn uống China town… Đó sẽ mãi là những kỷ niệm đáng nhớ trong hành trình du học của My.
HÀ MY
(CHS G4, 11 - 14)
* Sau một năm theo học ngành Công nghệ thông tin ở Paris (Pháp), mình thấy việc du học không giống như tưởng tượng ban đầu. Khi mới sang đây, mình đã gặp không ít khó khăn, trở ngại trong sinh hoạt và học tập.
Thủ tục hành chính
Lúc đầu, mình cứ nghĩ, mọi thứ ở Pháp sẽ diễn ra nhanh gọn, đúng như phong cách của một đất nước phương Tây. Nhưng thực tế, thủ tục hành chính ở Pháp rất phức tạp và lâu đến khủng khiếp.
Mới sang, việc đầu tiên của du học sinh là mở tài khoản cá nhân để phục vụ chi tiêu hàng ngày. Bạn phải đặt lịch hẹn với ngân hàng từ mấy ngày trước. Nếu đó là lần đầu tiên mở tài khoản, bạn sẽ phải đối mặt với hàng tá câu hỏi, thủ tục liên quan như: “Bạn cần chứng minh rõ ràng nguồn gốc của số tiền mang từ Việt Nam sang Pháp. Như vậy mới được tạo tài khoản cá nhân”. Lúc đó, mình nghĩ, việc này khó như lên trời vậy khi một mình sống giữa đất Paris rộng lớn này. Thế nên, mình quyết định bỏ qua ngân hàng đó, đặt lịch hẹn với ngân hàng thứ hai nhưng lại bị từ chối vì lý do: “Bạn cần sống ở Pháp tối thiểu 5 năm”. Phải tới ngân hàng thứ ba, mình mới có thể hoàn thành nhiệm vụ tưởng chừng rất dễ dàng này.
Cuộc sống sinh hoạt
Ở Việt Nam, mọi người hay sử dụng tiền mặt trong chi tiêu hàng ngày. Tuy nhiên, tại Pháp, thẻ ngân hàng lại được dùng cho mọi giao dịch. Nhớ lần đầu đi siêu thị, mình đưa cho nhân viên thu ngân tờ 50 Euro để thanh toán. Họ nhìn mình như một vật thể lạ rồi cầm tờ tiền soi đi, soi lại để kiểm tra xem có phải tiền giả hay không. Hic.
Hiện mình thuê phòng trọ và sống cùng hai bác chủ nhà. Bác gái là người Việt, bác trai là người Pháp. Họ rất tốt bụng và mình học hỏi từ các bác rất nhiều điều thú vị. Hơn nữa, mình còn có cơ hội cải thiện được khả năng tiếng Pháp khi ở cùng họ.
Ở Paris, đa phần người dân đi bộ hoặc di chuyển bằng phương tiện công cộng như: tàu, xe buýt, xe đạp… bởi sự tiện lợi và chi phí rẻ. Mọi người bên này rất đúng giờ và coi trọng thời gian nên khi đi trên đường, bạn sẽ thấy ai cũng di chuyển như bị ma đuổi vậy. Theo kinh nghiệm của mình, nếu dự định du học Pháp thì trước khi sang đây, các bạn nên hình thành thói quen đúng giờ và chăm chỉ luyện tập thể thao.
Rào cản ngôn ngữ
Trước khi sang Pháp, mình thực hiện mọi thủ tục đăng ký, chọn trường trên mạng Internet. Ở đây, hầu hết các trường đại học giảng dạy cả tiếng Anh và tiếng Pháp nên rất thuận lợi cho những du học sinh muốn học bằng tiếng Anh. Hiện tại, mình đang theo học một trường công lập ở Paris nên học phí không quá cao, khoảng 410 Euro/năm. Tuy nhiên, học phí của các trường dân lập rất đắt đỏ, lên tới cả chục ngàn Euro/năm.
Lúc mới sang đây, mình gặp không ít khó khăn về ngôn ngữ và chưa quen với cách tư duy làm việc của người Pháp. Hầu hết sinh viên rất ít khi đến trường. Họ thường học nhóm trong thư viện hoặc tự học ở nhà. Những ngày đầu, mình nghe thầy giảng như “vịt nghe sấm”, cứ ghi ghi, chép chép như cái máy thôi. Sau đó về nhà, để hiểu bài, mình phải xem lại vở hoặc nhờ bạn bè trong lớp giảng giải.
Điều mình thích nhất về chương trình học ở Pháp là việc cân bằng giữa học và chơi thể thao. Mỗi kỳ, bạn bắt buộc phải đăng ký tham gia một môn thể thao. Ngoài ra, sinh viên có rất nhiều cơ hội tìm kiếm việc làm thêm như: trông trẻ, chạy bàn, thu ngân… Mình thấy sinh viên nước ngoài đều tự lập tài chính từ năm 18 tuổi, vừa học vừa đi làm vào cuối tuần.
Điều đáng nhớ nhất với mình trong năm qua là cảm giác cầm trên tay số tiền đầu tiên kiếm được từ công việc làm thêm. Lúc nhận lương, mình thấy sao mà hạnh phúc và thương bố mẹ quá!
Lời khuyên của mình dành cho các bạn có ý định du học là thay vì ngồi lướt Facebook, chơi điện tử hàng giờ thì hãy đọc sách hoặc chơi thể thao. Điều đó sẽ giúp bạn dễ thích nghi với cuộc sống của một du học sinh hơn đấy.
DUY DŨNG
(CHS P, 11 - 14)
Theo MCer Link 24