Lời BBT: Những bài kiểm tra cùng điểm số, lời phê của thầy cô; những phiếu kết quả học tập; những đề thi ấn tượng… trong quãng thời gian học tập tại trường Marie Curie đều được chị An Thủy Tiên (CHS 92 - 96) lưu giữ như báu vật suốt 30 năm qua. Mỗi khi lật giở lại những tư liệu ấy, chị cùng bạn bè, thầy cô như được trở về một thời không thể quên ấy…
Chị Thủy Tiên (CHS 92 - 96) - tác giả bài viết
Năm 2021, nhân một dịp đặc biệt, mình cùng một số bạn lớp G (93 - 96) “hẹn hò” với các thầy cô giáo cũ ở Marie Curie như: cô Phương, cô Hồng Mai, cô Mai Khuyên, thầy Thiện, cô Liễu, cô Lệ Thanh… Thầy trò đã cùng ôn lại những kỷ niệm ấm áp của ngày xưa. Hôm đó, mình tự hào khoe về “báu vật” của bản thân - tập bài kiểm tra, đề thi cùng một số giấy tờ khác liên quan đến trường Marie Curie được lưu giữ suốt 30 năm qua.
Khi mình mang ra những “báu vật”, mọi người đều ồ lên ngạc nhiên và thích thú. Ai cũng trầm trồ trước khả năng bảo quản của mình. Những tập giấy ấy không chỉ sạch sẽ, không bị nhàu rách, không bị chuột bọ gặm nhấm mà vẫn còn thơm mùi mực, mùi giấy cũ.
Nhìn thấy bút tích của bản thân, các thầy cô không khỏi rưng rưng xúc động. Cô Khuyên, cô Mai bảo sao ngày xưa lại có thể viết được những lời phê như thế. Cô Khuyên bỗng nhớ về ngày đầu chủ nhiệm lớp 10G. Vì cô mới ra trường, rất trẻ nên khi vào lớp, “ma cũ” 10G tưởng là “ma mới” nên tỏ vẻ không ưa, không ai nói gì. Mãi đến lúc cô đi thẳng lên bàn giáo viên, cả lớp mới giãn nở mặt mày, không khí mới trở nên sôi nổi và cô trò bắt đầu trò chuyện.
Với cô Hồng Mai, mình nhớ tới chuyện hỏi đường. Hôm ấy, mình đang đứng cạnh bức tường hoa chỗ cái trống gần bể nước ở cơ sở Khương Đình thì cô Mai đi tới, hỏi: “Chị ơi, cho em hỏi phòng học của lớp 10G ở đâu?”. Hình như hồi đó, mình “tuổi học sinh nhưng mặt phụ huynh”, còn cô ngược lại hay sao ấy nên học trò “chị” liền tự tin bảo: “Ở đằng kia, em kìa!”. Đến lúc cô vào lớp dạy, mình mới vỡ lẽ vụ gọi nhầm cô là “em”. Mình không ngờ cô Mai rất nhớ kỷ niệm này. Cô đã nhắc lại chuyện này vào đêm Gala 20, làm mình ngồi dưới rưng rưng vì xúc động.
Trong tập giấy quý và hiếm ấy, mình nhớ mãi bài kiểm tra môn Địa lý 1 tiết năm lớp 11. Mình được 9 điểm nhưng cô Mai cộng thêm 1 điểm thưởng thành 10. Cô còn ghi lời phê: “Hiểu cách làm bài. Câu 1 làm tốt, có tư duy. Câu 2 chưa sâu, thiếu ý”. Mình nhớ như in cảm giác hồi hộp và vui mừng khi nhận lại bài làm, nhất là giây phút cô gọi từng học sinh đọc điểm để ghi vào sổ. Niềm vui sướng lâng lâng, có chút gì đó kiêu hãnh trào lên trong lòng mình. Đặc biệt, những lời nhận xét của cô như tiếp thêm cho mình động lực để hăng say học tập hơn.
Bên cạnh những bài kiểm tra, mình còn cất giữ những đề thi học kỳ, biên lai thu tiền, phiếu thông báo kết quả học kỳ của nhà trường. Vào những năm đầu thập niên 90 mà học sinh đã nhận được những văn bản đánh máy như vậy thì quả thực, trường rất “đỉnh”. Điều đó nói lên sự chuyên nghiệp, chỉn chu trong mọi việc từ những con người ở MC.
Một hôm tới cơ sở Mỹ Đình, mình vô tình gặp thầy Khang. Khi thấy “kho báu” của mình, thầy vô cùng bất ngờ và xúc động. Thầy gọi vui mình là “nữ hoàng hoài cổ”. Bởi thầy chưa gặp học sinh nào có khả năng lưu giữ giấy tờ tốt như vậy. Hơn nữa, việc lưu giữ này thể hiện tình yêu và sự trân quý lớn lao mà mình dành cho mái trường Marie Curie. Những tờ giấy đậm màu thời gian ấy không chỉ là ký ức, kỷ niệm của riêng mình mà còn gợi lên nỗi nhớ, niềm thương của rất nhiều MCer và các thầy cô từ những ngày đầu trường mới thành lập.
3 lần chuyển nhà, lần nào cũng vội vàng, lúc quên cái này, lúc mất cái nọ nhưng chưa bao giờ, mình bỏ lại tập bài ấy. Với mình, chúng giống như nút công tắc tắt - bật thời gian. Mỗi khi mở ra, mình như được trở về quá khứ, là cô học trò “eo bánh mì, tóc đuôi ngựa” năm nào với bao sự ngô nghê cùng những ước mơ thời niên thiếu. Dù cho 40 năm, 50 năm hay lâu hơn nữa, mỗi lần lật giở những trang giấy đó, mình lại được quay về những ngày đi học thật vui ở Khương Đình.
Chị THỦY TIÊN
(CHS 92 - 96)