Chiều 20/8, phòng Tham vấn học đường MC tổ chức chuyên đề “Nâng cao sức khỏe tinh thần cho học sinh THCS”. Chương trình bổ sung kiến thức, kỹ năng tư vấn tâm lý học đường cho các thầy cô giáo, nhằm giúp học sinh giải quyết những khó khăn trong học tập, cũng như vướng mắc về sức khỏe tâm thần.
Theo các chuyên gia, kết quả khảo sát khám sức khỏe định kỳ cho trẻ ở lứa tuổi THCS tại Hà Nội mới đây cho thấy, hơn 3 triệu trẻ em có nhu cầu sử dụng dịch vụ về sức khỏe tâm thần với các chứng bệnh như: trầm cảm do nghiện chơi game điện tử, sống khép kín, buồn bã về chuyện tình cảm…
“Xã hội càng phát triển thì vấn đề sức khỏe tâm thần càng trở nên quan trọng. Đặc biệt với lứa tuổi học sinh, vấn đề này ngày càng được quan tâm nhiều hơn”, khách mời của chương trình - bác sĩ Ngô Anh Vinh (khoa Sức khỏe vị thành niên, bệnh viện Nhi TƯ) cho biết.
Các chuyên gia đã cùng các thầy cô MC nêu ra những vấn đề về hành vi, dấu hiệu nhận biết sức khỏe tâm thần của học sinh như: chán nản, ngại giao tiếp, dễ cáu giận...
“Nhịp sống hiện đại đang làm mất đi sự kết nối giữa bố mẹ với con cái, giữa mọi người với nhau. Mặt khác, trẻ em đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi Internet. Nhịp sống nhanh khiến người lớn bị áp lực và các con cũng bị sao chép điều đó. Nhiều bố mẹ “vắng mặt” trong cuộc sống của các con”, cô Thanh Tuyền (GV Sinh học) phân tích khi được hỏi về nguyên nhân dẫn đến những vấn đề sức khỏe tâm thần của trẻ em.
Cũng theo các chuyên gia, hiện cứ 7 trẻ thì có 1 trẻ gặp vấn đề về sức khỏe tâm thần. Ngoài ra, học sinh THCS cũng gặp phải 4 hình thức bạo lực học đường về thể chất, lời nói, xã hội và mạng Internet.
“Theo báo cáo của Bộ GD&ĐT, trong một năm học, trên toàn quốc xảy ra gần 1.600 vụ học sinh đánh nhau trong và ngoài trường học (khoảng 5 vụ/ngày)”, bác sĩ Ngô Anh Vinh chia sẻ.
Cũng theo chuyên gia đến từ bệnh viện Nhi TƯ, một đứa trẻ bị bạo lực học đường sẽ có xu hướng đánh người khác để trả đũa như một dấu ấn trong cuộc đời.
Bởi vậy, thầy cô cần luôn sát sao với học sinh để có thể phát hiện những dấu hiệu bất thường như: xuất hiện vết thương trên người, sợ hãi tột độ, lảng tránh hoạt động xã hội, sống cô lập… Từ đó, thầy cô phối hợp với phụ huynh thực hiện tham vấn tâm lý để giúp các con tháo gỡ những vướng mắc, tìm ra các biện pháp tích cực để giảm căng thẳng, tạo sự cân bằng, tăng nội lực bản thân…
Cũng tại buổi chuyên đề, các chuyên gia đã nêu ra 8 giá trị đạo đức và quy trình hỗ trợ học sinh, gồm: Lắng nghe - Thấu hiểu - Đồng hành - Dẫn dắt. Trong đó, điều quan trọng hàng đầu là sự đồng hành của các thầy cô.
Cô Hạnh Nga (GVCN 6G4) cho hay: “Chuyên đề mang đến rất nhiều kiến thức bổ ích và cần thiết. Các chuyên gia tâm lý tận tâm giảng giải chi tiết, có nhiều hoạt động gây sức hút và giúp người học hiểu rõ vấn đề”.
Theo cô Khánh Hường (GVCN 7M3), buổi tập huấn giúp cô hiểu hơn về tâm lý học sinh; từ đó có thể làm bạn, lắng nghe, thấu hiểu, đồng hành và đưa ra những giải pháp giúp học trò giải quyết vướng mắc trong học tập, cuộc sống.
"Chương trình cũng giúp tôi hiểu chính mình hơn để sống hạnh phúc hơn và truyền được nhiều năng lượng tích cực hơn nữa đến học sinh”, cô Khánh Hường nói.