Chiều 7/3, các MCer đã được tháo gỡ nhiều vấn đề ở tuổi teen qua những câu chuyện thực tế, đầy thú vị của chuyên gia tâm lý Đỗ Trang và tác giả trẻ Thiên An. Chính sự cởi mở của diễn giả, “cư dân” MC đã có thể mở lòng mình, chân thành với cảm xúc để trao đổi thẳng thắn.
Cuộc chiến với những biến đổi tâm sinh lý trong lứa tuổi dậy thì luôn khiến các bậc cha mẹ đau đầu, lo lắng; các bạn học sinh bối rối, lúng túng… Để giúp tháo gỡ những nỗi lo ấy và truyền thông điệp hãy luôn lắng nghe, cởi mở, chân thành với cảm xúc tới CMHS, MCer, Việt An Books tổ chức chương trình giao lưu: “Gỡ rối tâm tư tuổi teen” tại trường Marie Curie.
Mở đầu chương trình là clip “Sự kỳ diệu của sự sống” với lời nhắn nhủ ý nghĩa: “Mỗi bạn là một món quà kỳ diệu nhất mà thế giới ban tặng”. Cô Đỗ Trang (chuyên gia Tham vấn tâm lý, Trưởng nhóm Giáo dục và Bảo vệ trẻ em, tổ chức Good Neighbors Việt Nam) kể câu chuyện về chú mèo Hello Kitty nổi tiếng của Nhật Bản với thông điệp về sự lắng nghe và chia sẻ. “Trong thời đại 4.0, đôi khi chúng ta ngồi cạnh nhau nhưng đâu nói chuyện với nhau, khiến khoảng cách ngày càng xa hơn. Với cha mẹ và các con cũng vậy, càng ít thời gian để trò chuyện. Có lẽ, thời của các con “vượt sướng” còn khổ hơn vì quá nhiều cám dỗ, ít được chia sẻ, lắng nghe”, cô Đỗ Trang nói.
Xuất hiện ấn tượng trong bộ đồng phục Marie Curie, tác giả trẻ Thiên An khiến mọi người bất ngờ. Cô bạn “bật mí” rằng: “Mình là cựu học sinh M1, niên khóa 14 - 18. Hiện mình học lớp 10, trường THPT chuyên Ngoại ngữ. Trong tim mình luôn có hình ảnh của MC và bộ đồng phục này cũng vậy. Mình luôn giữ gìn và không những mặc vào những dịp cần thiết mà còn là để vơi đi nỗi nhớ MC”.
Chia sẻ về những vấn đề khi vừa trải qua khúc quanh tuổi teen, Thiên An nói rằng, bản thân cũng phải đối mặt với những cú sốc, như: có những hôm không muốn về nhà, nổi giận với mẹ, cảm giác không ai hiểu mình, buồn vì bị mẹ mắng, bất đồng với bạn bè, hay “cảm nắng” một ai đó. Đặc biệt, khó khăn nhất chính là làm thế nào để thoải mái, cởi mở trò chuyện với bố mẹ; để bố mẹ hiểu mình đang lớn, muốn tự làm mọi việc… Thiên An đã vượt qua giai đoạn này không hề dễ dàng, đặc biệt với cô bạn có tính cách nổi loạn, ương bướng như mình. Cô bạn cũng hồi hộp, lo lắng, bối rối vì không biết chia sẻ với ai, bắt đầu như thế nào.
Vậy làm gì để vượt qua những cú sốc ấy và giải tỏa cảm xúc bằng cách nào là thắc mắc không chỉ của Hoàng Bách (8G2) đã được Thiên An giải đáp. “Mình viết sách (hay viết ra những điều mình nghĩ – “tiếng lòng” của bản thân). Chính việc chân thành với cảm xúc và không ngại ngần chia sẻ với người khác đã giúp mình ra 3 mắt cuốn sách đầu tay “Nhật ký tuổi teen – Mẹ hãy buông tay để con được lớn!”, “Vì mình là cô gái tuổi teen”, “Ơ kìa! Tuổi thơ”. Cuốn sách là những kỷ niệm, những biến chuyển tâm lý trong suốt 4 năm học ở MC. Và người đồng hành trong những khúc quanh ấy là thầy cô MC, là mẹ. Nhiều lúc mình “phản pháo” lại những góp ý, sự quan tâm, chăm sóc của mẹ, nhưng mẹ vẫn kiên trì, bền bỉ bên mình hướng dẫn, chỉ bảo. Nhờ đó mà mình cảm thấy không “cô đơn” khi vượt qua tuổi teen. Vì thế, mình nghĩ, các bạn cũng hãy cho bố mẹ thời gian để hiểu mình, để tạo niềm tin nơi họ”, Thiên An bày tỏ.
Cô Đỗ Trang cũng đồng tình với Thiên An về cách giải quyết cảm xúc là chia sẻ với bố mẹ, bạn bè hay viết ra để chính mình chạm đến trái tim, cảm xúc. Cô phân tích khó khăn của lứa tuổi dậy chính là việc trải qua nhiều cú sốc tâm lý, dễ bị tổn thương, dễ buồn, vui và cảm giác không ai hiểu mình…
Cô Hồng Minh (GV Ngữ văn) - người đồng hành với Thiên An trong những năm tháng ở MC chia sẻ: “Ban đầu Thiên An là cô gái nhút nhát, ít chia sẻ. Nhưng sau một thời gian làm quen, cô trò có nhiều thời gian tiếp xúc trong những giờ lên lớp, hoạt động ngoại khóa, mình thấy Thiên An trưởng thành từng ngày, hoạt ngôn và cởi mở hơn. Ở lứa tuổi này, không chỉ An mà các bạn phải đối diện nhiều biến đổi tâm lý và thường có xu hướng muốn trở thành người lớn, khẳng định bản thân và được công nhận. Có bạn lại ít tâm sự, thu mình vào thế giới riêng… Các thầy cô MC luôn mong muốn gần gũi, trở thành người bạn của các con để tìm được tiếng nói chung”.
Mẹ của Thiên An cũng gặp không ít khó khăn để trở thành bạn của con. Cô Tiến Việt kể: “Vì Thiên An là con gái đầu nên mình gặp nhiều bỡ ngỡ, khó khăn. Mình đau đầu, lúng túng, lo lắng rất nhiều và cảm giác con ngày càng không nghe lời… Nhưng rồi mình bình tĩnh lại và nhận ra rằng con nói đúng. Mình chọn cách làm bạn cùng con chứ không chỉ làm mẹ của con. Mình chủ động nói chuyện với con, tôn trọng sở thích và mong muốn của con, không áp đặt con theo ý mình nữa. Sau một thời gian, không chỉ con thay đổi mà chính mình cũng thay đổi. Mình đã có thêm một người bạn thân. Và cho đến bây giờ mình vẫn giữ được tình bạn đó với con”.
“Đừng ngần ngại nói ra tiếng lòng để cha mẹ hiểu mình không còn bé nữa, mình đang lớn rồi! Còn các bậc cha mẹ hãy biết làm bạn với con để hiểu những thay đổi của con từng ngày!”, Thiên An nhắn nhủ.