Yêu thích điện ảnh, khát khao mang tới những thước phim hoàn hảo là lý do khiến Nguyễn Đức Cường (CHS M, 06 - 10) quyết tâm theo đuổi nghề sản xuất phim. Theo cậu bạn, chỉ cần có đam mê và thái độ cầu thị thì mọi ước mơ sẽ thành hiện thực.
Nguyễn Đức Cường hiện là producer (nhà sản xuất) của công ty SpaceX Media. Tham gia sản xuất các chương trình: - MV ca nhạc: Em gái mưa (Hương Tràm, 125 triệu view), Đừng hỏi em! (Mỹ Tâm, 51 triệu view), Rời bỏ (Hòa Minzy, 55 triệu view), Ta còn yêu nhau (Đức Phúc, 74 triệu view)... - Sản phẩm quảng cáo cho Pepsi 7up, Liên quân (Sơn Tùng ra mắt nhân vật Murad), TVC VNtrip.vn, MV quảng cáo cho Hoa hậu Việt Nam 2018 và hơn 40 phim ngắn cho các nhãn hàng trong, ngoài nước... - Sự kiện: Canifa show 2018, liveshow “Đêm tình nhân 3 - 4”, liveshow “Đam mê” (Tuấn Hưng), Martin Garrix Ecopark, Redbull Championdash 2016... |
Giấc mơ làm phim của bạn được nhen nhóm từ khi nào?
Đức Cường: Ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường, mình đã muốn tìm một công việc năng động, không gò bó và có thiên hướng sáng tạo. Hơn nữa, gia đình bên ngoại của mình có truyền thống công tác trong hãng phim truyện Việt Nam. Điều đó đã ít nhiều ảnh hưởng đến sở thích và định hướng nghề nghiệp sau này của mình.
Hành trình hiện thực hóa ước mơ của bạn diễn ra như thế nào?
Đức Cường: Lớp 11, mình quyết tâm theo ngành điện ảnh. Với sở thích chụp ảnh, làm phim, mình hay xem và nghiên cứu những sản phẩm quảng cáo, MV ca nhạc, phim ngắn… Tốt nghiệp cấp 3, mình thi đỗ khoa Truyền hình, ĐH Sân khấu Điện ảnh. Mình đã được thực hành nghề thông qua các bài tập như: thực hiện phóng sự, bản tin, tài liệu, quảng cáo, MV ca nhạc… Sau đó, mình xin đi theo các anh, chị trong nghề để vừa làm vừa tích lũy kinh nghiệm. Ra trường, mình vào TP. HCM làm một năm để rèn luyện tay nghề. Đó cũng phương châm học hỏi của mình, đi thật nhiều, làm thật nhiều.
Bạn có thể chia sẻ kỷ niệm về sản phẩm ấn tượng nhất của mình?
Đức Cường: Mình không thể nào quên lần tham gia sản xuất MV “Em gái mưa” của ca sỹ Hương Tràm. Đó là lần đầu tiên mình được hợp tác với một ê-kíp chuyên nghiệp, có trang thiết bị hiện đại và đảm nhận khối lượng công việc khá lớn. Cả đoàn làm việc liên tục hơn 30 tiếng đồng hồ. Chúng mình phải di chuyển tới bốn bối cảnh, làm hiệu ứng mưa nhân tạo gần như xuyên suốt MV, đến nỗi hai xe bồn không kịp tiếp nước. Thực hiện xong những cảnh quay ấy, không chỉ diễn viên mà các thành viên khác trong đoàn đều ướt như chuột lột. Buổi tối, chúng mình tiếp tục đi quay ở bệnh viện bỏ hoang tại một quận ngoại thành của TP. HCM. Đó là khu vực rộng lớn, tối om, lại nghe đồn có ma nên mấy anh em trong ê-kíp, không ai dám đi thang máy một mình. Mọi người vừa quay vừa sợ hết vía. Tuy nhiên, những khó khăn ấy đã được đền đáp khi MV xếp vị trí đầu chỉ sau ba ngày phát sóng. Tới thời điểm này, MV đạt 125 triệu lượt view, được bình chọn là MV và bài hát của năm 2017.
Còn một kỷ niệm đáng nhớ nữa là lúc tham gia sản xuất phim tài liệu về hang Dơi ở chùa Thầy. Có thể nói, đây là dự án vất vả nhất kể từ khi mình vào nghề. Cả đoàn phải di chuyển từ sáng sớm, mang theo rất nhiều máy móc, thiết bị để quay từ ngoài vào tận trong hang. Đường đi lại rất vất vả, trơn trượt, có nhiều côn trùng và muỗi. Trong hang còn có một bể hài cốt từ thời chiến, khiến ai cũng thót tim. Nhưng bù lại, đoàn đã có được những hình ảnh rất đẹp. Bộ phim tài liệu ấy đã được chiếu trên kênh KBS của Hàn Quốc vào năm 2014. Sau ngày quay đó, mình bị ốm gần hai tuần. Nhưng giờ nghĩ lại, mình thấy đó đúng là trải nghiệm rất quý giá.
Theo bạn, người làm phim trẻ có những thuận lợi, khó khăn gì? Bạn đã vượt qua những trở ngại ra sao?
Đức Cường: Thuận lợi là họ có tư duy làm phim trẻ trung, ý tưởng mới lạ và nhiệt huyết của tuổi trẻ. Còn khó khăn là chưa có nhiều kinh nghiệm, sự thấu hiểu nghề và đôi khi bảo thủ, cứng nhắc về quan điểm sáng tạo. Nhưng nếu thực sự tâm huyết, chịu khó học hỏi thì họ sẽ biến được những điểm yếu của tuổi trẻ thành lợi thế.
Bạn ứng xử thế nào khi có những lời bình luận không hay về sản phẩm do mình thực hiện?
Đức Cường: Mình rất chăm đọc những bình luận của người xem và luôn vui vẻ tiếp nhận chúng dù khen có, chê có. Bởi những ý kiến đó giúp mình nhận ra những điểm yếu trong nghề để rút kinh nghiệm, đồng thời biết phát huy những điểm mạnh. Mình thực sự cảm ơn khán giả vì họ chính là những người đưa ra bình luận khách quan nhất về sản phẩm của mình.
Theo bạn, làm thế nào để trở thành một nhà sản xuất phim có tâm, có tầm?
Đức Cường: Theo mình, đầu tiên là phải cập nhật các xu hướng, xem nhiều, học nhiều. Người đó phải nắm bắt được tâm lý khách hàng, xu thế thời đại hay các vấn đề trong quá trình sản xuất phim để từ đó có được những tính toán tốt nhất cho dự án đang thực hiện. Tiếp theo là phải biết xây dựng và phát triển các mối quan hệ. Không giống như các ngành “hot” khác như: đạo diễn, biên kịch hay diễn viên, nhà sản xuất đảm nhận trách nhiệm kết nối các khâu, đưa ra những ý tưởng sáng tạo và giải quyết vô số vấn đề nảy sinh trong quá trình làm phim.
Từ khi theo đuổi công việc này, mình học được rất nhiều thứ và có cơ hội trau dồi kỹ năng bao quát công việc, giao tiếp, xây dựng mối quan hệ... Quan trọng hơn cả, mình trở nên năng động, biết làm mới bản thân.
Khoảnh khắc nào trong nghề khiến bạn hạnh phúc nhất?
Đức Cường: Đó là khi sản phẩm ra mắt thành công, người xem thích thú, khách hàng ưng ý và muốn tiếp tục hợp tác. Mình luôn coi những điều ấy là mục tiêu để phấn đấu.
Nếu được chọn lại, bạn vẫn sẽ đi con đường này chứ?
Đức Cường: Chắc chắn rồi! Nhiều khi nghề vừa là nghiệp vừa là duyên.
Bạn có thể chia sẻ lời khuyên dành cho những MCer cũng mong muốn theo đuổi nghề sản xuất phim?
Đức Cường: Hãy cố giữ vững đam mê, học hỏi từng ngày, chăm chỉ trau dồi cái mới và hoàn thiện bản thân! Quan trọng nhất là làm thật nhiều vì ở ngành này, làm thực tế là cách học hữu hiệu nhất. Ngoài ra, khi theo đuổi công việc sản xuất phim, bạn phải chấp nhận hy sinh nhiều thứ. Có thể lúc mọi người đi chơi, bạn phải làm việc; lúc mọi người ngủ nghỉ, bạn phải đau đầu vì cảnh quay. Nhưng rồi bạn sẽ được thăng hoa khi thấy một thước phim đẹp hay hạnh phúc khi nỗ lực được đền đáp.
5 bước để trở thành nhà sản xuất phim chuyên nghiệp 1. Tìm hiểu về lĩnh vực này càng nhiều càng tốt, qua đó xác nhận với chính mình một cách chắc chắn rằng, nghề sản xuất phim thực sự lôi cuốn. 2. Tham gia các khóa đào tạo về lĩnh vực phim ảnh, truyền hình. Hiện có những chương trình cử nhân ba, bốn năm hoặc những khóa huấn luyện ngắn hạn để bạn theo học. Bên cạnh đó, bản thân cần vạch ra lộ trình tự học như: xem phim và tập phân tích phim, tìm kiếm các tài liệu giảng dạy trên các website về phim ảnh truyền hình. 3. Có trải nghiệm/kinh nghiệm thực tế. Xin phụ việc hoặc thực tập ở các đoàn phim, các nhóm sản xuất chương trình để tiếp xúc với công việc thực tế và thấy được các mặt trái, phải của nó. 4. Có nhiều mối quan hệ. Bắt đầu bằng việc tạo dựng sự quen biết trong quá trình thực tập ở các đoàn phim để có được lời mời tham gia các dự án sản xuất sau này. 5. Tự mình làm ra những tác phẩm ngắn. Khi có trong tay một tác phẩm, bạn sẽ tích lũy được nhiều kinh nghiệm quý giá. Nếu đủ dũng khí, hãy chia sẻ sản phẩm ấy lên mạng Internet và đón nhận ý kiến của mọi người. |
“Mình luôn nhớ về Marie Curie với những kỷ niệm đẹp thời đi học. Vì ở MC, ai cũng gần gũi, sống tình cảm như người trong một nhà. Từ học sinh, thầy cô đến bác lao công, cô chú làm bếp… đều thân thiện. Nếu có cơ hội, mình nhất định sẽ thực hiện một bộ phim về trường”, Đức Cường chia sẻ. |