Cảm giác muốn được ăn bánh chưng, thèm không khí tình thân và nhớ da diết cái Tết ấm cúng ở MC… là những điều mà rất nhiều cựu MCer đang du học tại các quốc gia chia sẻ khi được hỏi về Tết cổ truyền.
Du học sinh đón Tết cổ truyền ở nước ngoài chắc hẳn có nhiều chuyện thú vị. Các bạn có thể “bật mí” được không?
Hoàng Hạnh My (CHS P, 09 - 13; hiện theo học Earlham College, Hoa Kỳ): Tết đầu tiên khi xa xứ của mình khá vui. Hội Việt Nam ở trường lúc đó có khoảng 30 người. Gần đến Tết Nguyên đán, chúng mình tập trung rồi phân chia mỗi người làm một món cho mâm cỗ chung. Người làm nộm gà, người phụ trách nem cuốn, người xung phong nấu thịt kho tàu… Vui nhất là có cả bánh chưng. Ở Việt Nam, nếu muốn ăn bánh chưng thì chỉ cần ra chợ là có nhưng ở đây, chuyện đó rất gian nan. Thậm chí, sự hiện diện của bánh chưng trong mâm cỗ là xa xỉ. Chúng mình đã phải nhờ một chị lái xe cả trăm cây số tới khu chợ quốc tế để mua. Ở nhà, bánh chưng la liệt nhưng không mấy ai đụng đũa đến; thế mà khi du học, 30 con người lại túm tụm chia nhau từng miếng bánh. Lúc ấy, cảm thấy chiếc bánh sao mà ngon đến lạ! Sau khi thưởng thức mâm cỗ, chúng mình cùng nhau hát hò. Chưa bao giờ chúng mình hát các ca khúc về mùa xuân, quê hương nhiều đến thế. Đúng là đi xa quê mới thấy nhớ tới nao lòng!
Lý Phương Thảo (CHS P, 09 - 13; hiện theo học ĐH Melbourne, Australia): Năm đầu tiên du học, mình mới bước sang tuổi 18. Vì muốn được trải nghiệm cảm giác ăn Tết xa nhà nên mình không về Việt Nam. Thú thật càng gần đến Tết, mình càng thấy hối hận với quyết định đó. Không khí Tết ở Úc không nhộn nhịp như ở Việt Nam. Các chợ Tết do cộng đồng người Việt tổ chức chỉ diễn ra trong một ngày rồi mọi người lại quay về nhịp sống tất bật hàng ngày. Sinh viên bận rộn đi làm thêm từ sáng sớm đến tối muộn. Chỉ có đêm Giao thừa, mình và các bạn du học sinh người Việt mới tổ chức liên hoan tại ký túc xá. Gần 20 người quây quần bên nồi lẩu nghi ngút khói. Khi ở Việt Nam bắt đầu chiếu chương trình Táo quân thì tại Melbourne đã là 0 giờ đêm, mười mấy con người hướng về cái tivi ở phòng sinh hoạt chung. Không nói câu nào nhưng tất cả đều thấy nhớ nhà, nhớ bố mẹ. Thế rồi cả nhóm thức đến sáng để có thể gọi điện thoại về nhà chúc mừng năm mới. Ai cũng nghẹn ngào khi nói chuyện với bố mẹ và ước có phép màu được về ngay bên người thân, được thắp hương cúng tổ tiên và cùng hội bạn đi hái lộc…
Đỗ Tuấn Anh (CHS I, 08 - 12; hiện theo học ĐH Keio, Nhật Bản): Ở Nhật, cuối tháng 1, đầu tháng 2 là khoảng thời gian sinh viên thi cuối kỳ nên bạn có thể phải đi thi vào mùng 1 Tết Âm lịch. Tuy nhiên, không khí đón năm mới không hề giảm nhiệt. Trước Tết Nguyên đán 1 tháng, hội sinh viên Việt Nam đã họp bàn tổ chức tất niên như thế nào. 2 - 3 bạn phụ trách mua nguyên liệu và nấu ăn; các bạn khác trang trí, giới thiệu chương trình tới nhóm sinh viên quốc tế, chuẩn bị các trò chơi, tiết mục văn nghệ... Một số bạn sẽ viết thư hay gửi postcard chúc mừng năm mới về nhà. Ngày cuối năm, mọi người thường tập trung tại một nhà, nấu các món ăn truyền thống, xem Táo quân, đón chờ thời khắc đếm ngược tới năm mới và không quên “livestream” với người thân. Đốt pháo bông và hát karaoke xuyên đêm cũng là hoạt động không thể thiếu vào dịp năm mới của các du học sinh ở ĐH Keio.
Cảm giác của các bạn khi đón Tết Việt ở nước ngoài như thế nào?
Hạnh My: Một chút vui nhưng nhớ nhung thì nhiều lắm. Nhớ đào phai, mâm ngũ quả. Nhớ lúc mọi người cúng Giao thừa; những ngày đi chúc Tết, được thăm và nói chuyện thật lâu với những người thân. Nhớ cái se lạnh lúc chạy xe trên khu phố cổ ngày mùng Một...
Vui là khi nhìn lại một năm đã qua, thấy mình trưởng thành hơn. Và biết ơn cuộc sống này khi mình có cơ hội tới một nơi xa xôi để hiểu bản thân hơn.
Phương Thảo: Mình cảm thấy khá cô đơn dù vẫn có bạn bè cùng đón Tết. Mình rất nhớ cảm giác đêm Giao thừa được quây quần cùng gia đình xem Táo quân rồi thắp hương cúng Tết, đợi đến lúc nghe thấy tiếng “Bùm bùm” thì chạy lên tầng thượng ngắm những chùm pháo hoa đủ sắc màu. Tới giờ hạ mâm cúng, hai chị em mình háo hức nhận lì xì của bố mẹ dù chỉ được cầm một đêm thôi, còn sáng hôm sau phải đưa mẹ “giữ hộ”. Khi trải nghiệm cái Tết xa nhà rồi mới thấy trân quý những lúc được ở bên gia đình biết bao!
Tuấn Anh: Ở nước ngoài, bạn được trải nghiệm 2 cái Tết chỉ cách nhau khoảng 1 tháng. Đầu tiên là Tết Dương lịch của người bản xứ với khung cảnh phố xá, các hoạt động mua sắm dịp cuối năm sôi động và náo nhiệt. Tiếp theo là Tết cổ truyền nhẹ nhàng, đơn giản, mộc mạc hơn nhưng mang tới cảm xúc rất khác. Đi xa rồi, mình mới càng trân trọng khoảng thời gian bên những người thân yêu và luôn tâm niệm các thành viên trong gia đình được mạnh khỏe, bình an.
Theo các bạn, việc đón Tết cổ truyền, cũng như tham gia các hoạt động khác cùng cộng đồng người Việt giúp ích gì cho du học sinh?
Tuấn Anh: Việc tham gia các hoạt động của cộng đồng người Việt giúp bạn hiểu thêm về văn hóa quê hương, cũng như tăng thêm sự gắn kết với các thế hệ người Việt sinh sống ở nước ngoài. Các anh, chị đi trước luôn sẵn sàng giúp đỡ bạn, từ chuyện học tập cho đến những vấn đề trong cuộc sống.
Ở mỗi đất nước, mỗi thành phố hay tại mỗi trường đều có cộng đồng người Việt. Các bạn không cần phải gia nhập cộng đồng nào quá lớn mà nên tìm hiểu và tham gia vào nhóm thực sự yêu thích. Khi đến các sự kiện văn hóa Việt Nam ở nước ngoài, bạn hãy rủ thêm bạn bè quốc tế đi cùng để giới thiệu với họ về đất nước mình nhé!
Điều gì của Tết MC khiến các bạn nhớ nhất?
Hạnh My: Mình may mắn được đón 4 cái Tết ở MC và lần nào cũng đong đầy xúc cảm. Lễ hội Bánh chưng, lớp mình dành cả buổi chiều để cùng nhau gói bánh. Vừa ngủ trưa dậy là cô trò chạy ngay xuống bếp và bắt đầu gói những chiếc bánh chưng. Mình nhớ như in từng công đoạn như: gấp lá vào khuôn; đổ gạo, đỗ, thịt rồi gói lại bằng lạt. Mình cũng nhớ bánh của lớp có cái ú ụ đầy thịt, có cái chỉ dăm ba miếng. Mỗi người sẽ tự gói 2 chiếc bánh và đánh dấu bằng dải lụa nhỏ màu đỏ, thêu tên bằng chỉ đen để xuyên vào lạt. Gói xong, chúng mình dùng phần thịt còn lại làm thịt xiên rồi thay nhau ngồi trông nồi bánh. Các bạn hay lấy muội than trát vào mặt nhau, nhìn mặt mũi đứa nào cũng nhem nhuốc mà không nhịn được cười.
Phương Thảo: Với mình, Tết đầu tiên ở MC lưu lại nhiều kỷ niệm nhất. Vì đó là lần đầu tiên mình được gói bánh chưng. Đó cũng là lần đầu tiên mình được ngủ lại ở trường để thức luộc bánh cùng cô chủ nhiệm và cả lớp. Chúng mình túm tụm quanh bếp lửa. Nhóm chơi bài, nhóm ngồi hát ầm ĩ, nhóm ngồi tám chuyện trên trời, dưới bể… Mỗi đứa một suy tư nhưng chẳng hiểu sao vẫn thấy ấm ấp, gắn bó lạ kỳ. Sau đó, cả lớp thức kể chuyện ma cho nhau nghe rồi ngủ quên lúc nào không biết. Hôm sau, đứa nào cũng dậy rất sớm, ngồi trước cửa lớp ngắm bình minh trong cái lạnh của Hà Nội ngày đông. Cả lũ ngồi dựa vào nhau, lặng im ngắm sân trường MC đến khi bụng réo lên vì đói thì cười phá lên… Sau này học cấp 3 rồi đi du học, mình vẫn nhớ những năm tháng đón Tết tại MC. Bởi không nơi nào mang đến cho mình không khí Tết như nơi đây. Mình vẫn luôn ước có một ngày được trở về MC đón Tết cùng cô chủ nhiệm Phương Nga và lớp P ngày ấy.
Tuấn Anh: Tết ở MC đáng nhớ nhất với mình là năm lớp 7, khi trường tổ chức đi dã ngoại qua đêm tại Ba Vì. Chúng mình đã cùng nhau chơi vô số trò chơi thú vị; từ thi bắt gà, đạp vịt hay quây quần bên nồi bánh chưng, nướng khoai ngày cuối năm.
Cảm ơn các bạn rất nhiều về cuộc trò chuyện thú vị đầu năm! Xin chúc các bạn năm mới luôn mạnh khỏe và có thật nhiều niềm vui, thành công!