Trường Sa thật gần!

Với chủ đề “Biển hát chiều nay” của Hội diễn văn nghệ 27, các thầy cô, bố mẹ chợt nhớ về những chuyến thăm quần đảo Trường Sa. Từ mạch nguồn cảm xúc dạt dào, họ đã bày tỏ tình cảm tha thiết dành cho vùng biển đảo tươi đẹp ấy của Tổ quốc. 

Trường Sa - hai tiếng thiêng liêng, chất chứa bao xúc cảm mãnh liệt trong lòng mỗi người con đất Việt. Khi đặt chân đến địa danh ấy, được chứng kiến cuộc sống sinh hoạt ở đó, tôi mới thật sự thấu hiểu và vô cùng cảm phục những người quân dân kiên trung, bất khuất nơi “đầu sóng, ngọn gió” luôn âm thầm, lặng lẽ đắp xây hạnh phúc, bảo vệ vững chắc “cột mốc chủ quyền” nước nhà. Sức sống Trường Sa ở mỗi hòn đảo, hạt cát, rặng san hô... đều mang nặng hồn thiêng sông núi, dáng hình Tổ quốc.

Tôi may mắn được tham gia chuyến công tác 10 ngày có “1 - 0 - 2” tại huyện đảo Trường Sa năm 2016. Với tôi, đây là trải nghiệm tuyệt vời trong đời, không bao giờ quên. Kỷ niệm về hành trình những ngày lênh đênh trên biển, trên xuồng, đến thăm các đảo Đá Lớn, Sinh Tồn, Len Đao, Đá Đông, Đá Lát, Trường Sa Lớn và nhà giàn DK1 mãi luôn ở trong tâm trí tôi. Trở về Hà Nội mà cảm xúc ấy vẫn cứ bồi hồi, lưu luyến. Giữa muôn trùng sóng vỗ, thiếu thốn trăm bề, những cán bộ, chiến sỹ, những chàng trai tuổi mới mười tám, đôi mươi đã vượt qua bao sóng cả, bão tố để ngày đêm chắc tay súng giữ vững chủ quyển biển đảo. Ngày qua ngày, lớp học trên đảo Sinh Tồn, Trường Sa Lớn vẫn vang lên tiếng đánh vần ê a. Từ Trường Sa đầy nắng và gió, từ mảnh đất khô cằn, khắc nghiệt, những gương mặt trẻ thơ hồn nhiên đến lớp trong tình yêu thương của thầy giáo trẻ. Ngày mai đây, các em sẽ là những mầm xanh tiếp tục đâm chồi, nảy lộc, vươn cao, khẳng định sức sống mãnh liệt nơi đảo xa. Tôi nhớ mãi giờ phút chia tay các chiến sỹ trên đảo, những cánh tay vẫy chào tạm biệt, những giọt nước mắt lăn dài trên má, Trường Sa xa dần trong sóng nước mênh mông, khuất dần sau những con sóng bạc đầu. Những cây bàng vuông, những cánh hoa san hô, quà tặng của các chiến sỹ và nhân dân trên đảo đã rút ngắn khoảng cách giữa đảo xa và đất liền. Cả người đi lẫn người ở lại đều xuyến xao tình cảm tha thiết, bâng khuâng.

Tàu HQ571, ngôi nhà thứ hai trong suốt 10 ngày của tôi yêu lắm, thương lắm mà nhớ lắm! Hơn 200 thành viên đến từ các đoàn công tác cùng sống với nhau dưới mái nhà này. Cuộc sống trên tàu như bức tranh muôn màu về một xã hội thu nhỏ. Từ đây, biết bao tình cảm bạn bè, tình đồng chí, anh em nảy nở để rồi ngày chia tay, ai cũng lưu luyến, bồi hồi, chưa muốn trở về đất liền. 10 ngày tạm xa công việc và những bộn bề của cuộc sống để ngắm bình minh, hoàng hôn, trăng sao trên biển; sao thấy bình yên, thơ mộng đến thế! Những khẩu lệnh: “Toàn tàu báo thức, báo thức toàn tàu!”, “Toàn tàu chú ý, chú ý toàn tàu!”, “Đã đến giờ ăn, đã hết giờ nghỉ!”… vẫn văng vẳng trong tâm trí tôi. Nặng lòng với Trường Sa, những dư âm về chuyến công tác sẽ mãi theo tôi như một kỷ niệm đẹp. Chưa bao giờ, chưa một chuyến đi nào đọng lại trong tôi nhiều xúc cảm như thế!

THANH HƯƠNG

(GVCN 5M2)

Tôi may mắn được tới Trường Sa hai lần, năm 2014 và 2018. Những ngày ở đây, tôi luôn nghĩ bản thân là một chiến sỹ hải quân thực thụ. Trong đêm tối giữa biển đảo xa xôi, lúc nhớ con, tôi liền cầm bút viết vài dòng. Tác phẩm ấy về sau đoạt giải Ba cuộc thi sáng tác thơ - nhạc, vinh dự được trao giải ngay trên tàu HQ996. Đó là kỷ niệm mà tôi không thể nào quên trong những hải trình thiêng liêng ấy. 

THƯ GỬI CON

Thư bố gửi con từ hải đảo xa xôi

Nơi những con sóng ngày đêm thi nhau vỗ

Nơi thương nhớ hòa cùng màu nắng gió

Nơi biển trời - góc Tổ quốc trong tim...

 

Ngủ ngoan nhé con, giữa đêm tối im lìm

Bố và đồng đội giữ bình yên đất nước

Cây súng chắc tay mắt hướng về phía trước

Nối nhịp yêu thương, nối cả những giấc mơ...

 Bố gửi đến con đong đầy những vần thơ

Mai sau khôn lớn, con thêm yêu biển đảo

Yêu những gian lao, yêu cả cơn giông bão

Nơi ấy là nhà, là hạnh phúc, chờ mong...

 

Bố biết bây giờ, con vẫn hoài ngóng trông

Đợi bố ngày về, tay ôm con thật chặt

Mình gọi tên nhau tự hào trong ánh mắt:

“Chiến sỹ Trường Sa” - Ôi, hai tiếng ngọt ngào!

Chú HOÀNG ANH

(Bố của Hoàng Khôi, 2M2)

Trong vai trò phóng viên, biên tập viên (BTV) của Đài Truyền hình Việt Nam, cô Vũ Trang (mẹ của Bảo Minh, 2M2) đã có cơ hội tới Trường Sa ba lần vào năm 2011, 2012 và 2016. Cô chia sẻ: “Trường Sa là nơi không phải ai cũng có dịp đặt chân đến. Vì vậy, mỗi lần có tên trong các hành trình ra quần đảo là một điều vô cùng quý giá, đặc biệt với những người làm báo. Vì thế, chuyến đi nào của tôi cũng đong đầy cảm xúc, từ hứng khởi, tò mò đến tự hào, hãnh diện”.

Theo cô, một hải trình thường diễn ra khoảng 7 - 10 ngày để tới thăm các điểm đảo thuộc quần đảo Trường Sa; trong đó hầu hết là lênh đênh trên biển. Lần đầu cô đi cách đây 9 năm. Khi đó, cuộc sống của các chiến sỹ trên các đảo còn khó khăn. Cô không thể quên hình ảnh họ chia nhau từng cốc nước ngọt để uống, san sẻ từng gáo nước ngọt để tắm rồi tận dụng để tưới rau. Thế mà các chiến sỹ nơi hải đảo xa xôi vẫn luôn nở nụ cười rạng rỡ. Họ ân cần và vô cùng mến khách. Họ sẵn sàng dành những món ăn ngon nhất trên đảo để mời đồng bào ra thăm. Rau xanh, thịt nghe tưởng quen thuộc nhưng ở đảo lại không khác gì đặc sản quý, hiếm.

Trường Sa trong lần hai, lần ba cô đi đã có nhiều đổi khác. Cơ sở vật chất khang trang hơn. Các tàu chở khách ra thăm cũng to đẹp hơn. Cảm xúc thật khó tả khi nghe trong tiếng sóng biển ngân vang là giọng đọc ê a cùng tiếng cười trong trẻo của trẻ thơ. Văng vẳng đâu đó là tiếng chuông chùa ở các đảo Song Tử Tây, Sơn Ca, Nam Yết, Trường Sa... Những thanh âm quen thuộc của đất liền đã khiến nơi đây không còn xa xôi nữa.

Là BTV của chương trình “Chúng tôi là chiến sỹ”, ngoài xúc cảm như những vị khách tới thăm Trường Sa, cô còn lưu giữ nhiều kỷ niệm đáng nhớ khi tác nghiệp tại đây. Cô xúc động kể: “Mình nhớ nhất hai lần cùng các chiến sỹ quay cảnh vẽ hình trái tim và bản đồ Việt Nam bằng sóng biển. Đó là ý tưởng hay nhưng không hề dễ làm. Mới đầu, ai cũng lo không thực hiện được. Nhưng với sự hỗ trợ nhiệt tình của các cán bộ, chiến sỹ trên tàu cùng sự nỗ lực, quyết tâm của cả ê - kíp trong nhiều ngày, cuối cùng, những cảnh quay ấn tượng đó cũng hoàn thành”.

Thời gian ở Trường Sa là những giây phút cô cảm nhận rõ rệt hơn bao giờ hết lòng tự tôn dân tộc, tình đồng chí, đồng bào. Có mặt tại quần đảo thiêng liêng của Tổ quốc, không chỉ riêng cô mà tất cả thành viên trong đoàn công tác đều muốn mặc áo cờ đỏ sao vàng. Tình cảm quân dân trở nên gắn kết khi các cô ngồi tâm sự, thăm hỏi các cán bộ, chiến sỹ trên đảo rồi cùng hát, cùng khóc, cùng cười, cùng chụp ảnh. Khi ấy, cô thấy mình như chính là người thân trong gia đình của các chiến sỹ. Cô rất vui khi có thể mang hơi ấm đất liền ra với họ, để khoảng cách giữa Trường Sa và đất liền được rút ngắn lại.

Cô Trang nói vui rằng, hầu như ai tới đây thì khi về đất liền đều bị mắc hội chứng “tương tư Trường Sa”. Sau một, hai tháng tạm biệt nơi đó, mọi người trong đoàn vẫn thường xuyên đăng tải những bức ảnh và chia sẻ cảm xúc với nhau. Không ít lần trong giấc ngủ, cô ngỡ đang nằm trên tàu và bật dậy thật nhanh lúc 5 giờ sáng theo hiệu lệnh của Trưởng tàu. Đi Trường Sa rồi mới thấy mình thật nhỏ bé. Đi rồi, cô mới biết, những khó khăn, thử thách của mình chưa là gì so với các chiến sỹ nơi “đầu sóng, ngọn gió”. Đi rồi, cô mới nhận ra, những ham muốn thường nhật, những ganh đua trong cuộc sống thật vô nghĩa so với lý tưởng sống cao cả của các chiến sỹ ngoài khơi xa. Đi rồi, cô hiểu ra rằng, mình cần trân quý hơn những gì đang có.

Hiện trong nhà cô dành một góc tủ trang trọng để trưng bày những kỷ vật từ Trường Sa. Đó là những quả bàng vuông, những bông hoa ốc biển… Chúng nhỏ thôi nhưng với cô, đó là cả kho báu. Cô đã nhiều lần kể cho con trai nghe về chuyến đi Trường Sa và những lần công tác được gặp các chú bộ đội. Con rất thích thú và luôn mong được một lần cùng mẹ tới thăm các chú và mặc bộ quân phục màu xanh đẹp đẽ. Cô hy vọng vào một ngày không xa, ước mơ ấy của con sẽ trở thành hiện thực.

Theo MCer Link 44

29

Tháng 11/2024

Thực đơn tháng 12/2024

Thực đơn tháng 12/2024

Thực đơn tháng 12/2024

Thứ sáu, 29 Tháng 11 2024 15:24 Viết bởi TRUONG MARIE
Thực đơn tháng 12/2024 của khối MG - TH - THCS.
Xem thêm

28

Tháng 11/2024

CHUYỆN NGHIÊN CỨU KHOA HỌC Ở ANH CỦA CỰU MCER

CHUYỆN NGHIÊN CỨU KHOA HỌC Ở ANH CỦA CỰU MCER

CHUYỆN NGHIÊN CỨU KHOA HỌC Ở ANH CỦA CỰU MCER

Thứ năm, 28 Tháng 11 2024 09:36 Viết bởi TRUONG MARIE
Nguyễn Tuệ Uyển Nhi (CHS P1, 17 - 21) du học nước Anh từ năm lớp 11. Với sự tự tin và bản lĩnh mạnh mẽ, cô bạn không chỉ vượt qua nhiều thử thách nơi đất khách, quê người mà còn trở thành cố vấn học thuật, tham gia nghiên cứu khoa học và nhận được học bổng từ nhiều trường đại học danh tiếng.
Xem thêm

27

Tháng 11/2024

TÔI TRƯỞNG THÀNH TỪ MÁI TRƯỜNG MC

TÔI TRƯỞNG THÀNH TỪ MÁI TRƯỜNG MC

TÔI TRƯỞNG THÀNH TỪ MÁI TRƯỜNG MC

Thứ tư, 27 Tháng 11 2024 08:37 Viết bởi TRUONG MARIE
Năm tôi học lớp 5, cũng như các phụ huynh khác, mẹ tất bật tìm hiểu trường cấp 2 cho tôi. Mẹ mong muốn tìm một ngôi trường vừa tốt cho chuyện học vừa tổ chức bán trú để đỡ vất vả lo bữa trưa và quản lý tôi nửa ngày còn lại. Sau thời gian tìm hiểu trường Marie Curie ở Trung Yên, mẹ đã gửi gắm niềm tin và hy vọng lớn lao vào đó.
Xem thêm

23

Tháng 11/2024

LỚP HỌC KHÔNG BIÊN GIỚI: TỰ TIN THUYẾT TRÌNH, KHÁM PHÁ

LỚP HỌC KHÔNG BIÊN GIỚI: TỰ TIN THUYẾT TRÌNH, KHÁM PHÁ

LỚP HỌC KHÔNG BIÊN GIỚI: TỰ TIN THUYẾT TRÌNH, KHÁM PHÁ

Thứ bảy, 23 Tháng 11 2024 11:16 Viết bởi TRUONG MARIE
Với dự án học tập “Classroom Beyond Walls - Lớp học không biên giới”, các MCer khối 4 Oxford - Kiến Hưng đã được thực hiện nghiên cứu khoa học đầy thú vị về chủ đề “Xây dựng tòa nhà chống động đất”.
Xem thêm

22

Tháng 11/2024

MCER THIẾT KẾ TÒA NHÀ CHỊU ĐỘNG ĐẤT

MCER THIẾT KẾ TÒA NHÀ CHỊU ĐỘNG ĐẤT

MCER THIẾT KẾ TÒA NHÀ CHỊU ĐỘNG ĐẤT

Thứ sáu, 22 Tháng 11 2024 08:18 Viết bởi TRUONG MARIE
Chiều 21/11, các MCer khối 4 Oxford đã tổng kết dự án học tập “Classroom Beyond Walls - Lớp học không biên giới”. Tại đây, các bạn đã tham gia nhiều hoạt động thú vị và mang về nhiều phần quà hấp dẫn.
Xem thêm