Trường Marie Curie đã bổ sung thêm trang thiết bị cho xe bus nhằm đảm bảo tuyệt đối cho học sinh, không để xảy ra tình trạng quên học sinh trên xe.
Sau tiếng trống khai trường năm học mới vang lên, bên cạnh những niềm vui được đến trường thì vấn đề lo lắng đặt ra là làm sao đảm bảo an toàn cho trẻ đến trường tránh tình trạng bỏ quên trẻ trong xe bus đưa đón bởi hiện nay tại các thành phố lớn như Hà Nội thì việc học sinh sử dụng xe bus là khá phổ biến.
Xung quanh vấn đề này, chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Nguyễn Xuân Khang - Hiệu trưởng trường Marie Curie (Hà Nội) cho biết, trường Marie Curie là trường đầu tiên hợp tác với Công ty xe bus Hà Nội để thực hiện việc đưa đón học sinh bằng xe bus. Sáng xe tới đón các em tới trường, chiều đưa các em về nhà.
Khi mới thành lập, nhà trường chỉ có 6 xe, mỗi xe chở được 40 học trò. Đến nay, sau 28 năm phát triển, trường Marie Curie đã có 130 xe chia làm 3 hệ thống đưa đón học trò các bậc học: Tiểu học, Trung học cơ sở, Trung học phổ thông.
Lý do phải chia ra thành hệ thống bởi mỗi bậc học có đặc thù riêng, đặc biệt học sinh Tiểu học còn rất nhỏ, thậm chí mới chỉ 6, 7 tuổi.
Thầy Khang thừa nhận, việc đưa đón học sinh bằng xe bus rất thuận lợi cho các con và phụ huynh bởi ngày ngày, cha mẹ không phải đội nắng, đội mưa đưa đón con đến trường mà chỉ cần đưa con ra điểm đón xe bus gần nhà.
Muốn thuận lợi của học sinh và phụ huynh được yên tâm nhất thì tiêu chí số 1 được đặt ra đối với nhà trường là hệ thống xe bus phải AN TOÀN và ĐÚNG GIỜ.
Thầy Khang lý giải: “Xe bus chở học sinh theo cấp học, chứ không phải theo lớp, theo khối. Do đó, nếu xe đến trễ, muộn sẽ ảnh hưởng đến nhiều lớp. Hơn nữa, đã là tham gia giao thông thì phải AN TOÀN”.
Tiêu chí AN TOÀN được đặt ra từ những năm đầu vận hành hệ thống xe bus. Tuy nhiên mấy năm gần đây, khi có trường hợp để quên trẻ trên xe, gây nguy hiểm thì trường Marie Curie đã bổ sung thêm trang thiết bị cho xe bus nhằm đảm bảo tuyệt đối cho học sinh, không để xảy ra tình trạng quên học sinh trên xe.
“Thiết bị đó chính là còi báo tự động. Còi này vận hành bằng cách khi đưa học sinh đến trường, xe trở về bãi đỗ, lái xe bật khóa điện để tắt máy thì lập tức còi trong xe tự động kêu.
Muốn tắt còi thì cách thiết kế là để một công tắc ở cuối xe, lái xe phải đến cuối xe để tắt công tắc đó, không có cách nào khác, nếu không muốn để còi kêu liên tục.
Việc gắn còi như vậy buộc lái xe đi kiểm tra xem còn sót học sinh nào trên xe không. Bản thân học sinh nếu ngủ quên thì tiếng còi cũng đánh thức các em thức dậy”, thầy Khang chia sẻ.
Cách làm này, trường Marie Curie đã học hỏi kinh nghiệm của các nước phát triển là Mỹ và Canada và trường triển khai 2 - 3 năm nay. Chi phí đầu tư thấp, chỉ 1 triệu đồng/xe nhưng hiệu quả rất tốt.
Trong bối cảnh dịch Covid-19 thì hệ thống xe bus của trường Marie Curie đưa đón học sinh theo đúng tinh thần phòng, chống dịch; nào là khử khuẩn, chuẩn bị bình rửa tay khô và yêu cầu các em đeo khẩu trang.
Qua trao đổi có thể thấy, việc chỉ phụ thuộc vào ý thức của lái xe và người đưa đón trẻ thôi thì chưa đủ an tâm. Chính vì thế, việc lắp các thiết bị hỗ trợ, giám sát hay như còi phía sau xe là rất cần thiết và nên nhân rộng triển khai.
Theo Giáo dục