Nhằm giảm thiểu nhu cầu sử dụng các sản phẩm từ động vật hoang dã, nâng cao nhận thức của người dân, nhất là giới trẻ, Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam phối hợp cùng các đơn vị liên quan tổ chức chuỗi sự kiện “One Million Footprints” tại nhiều trường học ở Việt Nam.
Nhân vật trung tâm của sự kiện chính là các bạn học sinh trẻ trung của trường Marie Curie chúng mình
Sự kiện chiều nay tại trường Marie Curie Hà Nội cũng không nằm ngoài mục đích ấy, với rất nhiều các hoạt động thiết thực, những con số biết nói, những nụ cười vui và thông điệp “Không sử dụng-Không Tặng quà và Không chấp nhận” (việc mua bán và sử dụng sừng tê giác, rộng hơn, là các loài động vật hoang dã) đã được các bạn nhỏ lĩnh hội theo những cách rất riêng.
Có bạn ấn tượng bởi sự xuất hiện (trên đôi chân trần-để chuẩn bị cho màn nhúng chân vào các ô màu sắc, ký tên xác nhận lĩnh hội thông điệp sau đó) của cô Lisa (Phụ trách bộ phận báo chí ĐSQ Hoa Kỳ) cùng nhiều tin tức về các hoạt động bảo vệ động vật hoang dã, bảo vệ tê giác trên phạm vi toàn cầu.
Bạn thì hào hứng đua nhau giơ tay giải câu đố của Thảo, điều phối viên của ENV, ra câu đố về cá thể tê giác Java một sừng cuối cùng còn sót lại ở Việt Nam đã không còn nữa vào năm 2010 tại vườn quốc gia Cát Tiên. Bạn thì ồ lên bất ngờ khi bết ngày 22/9 hàng năm là ngày tê giác thế giới. Và tất cả đều hiểu và cùng nhau chia sẻ: Sừng Tê giác có cấu tạo và công dụng như móng chân, móng tay con người, nghĩa là rất bình thường mà thôi.
Ngoài việc được thông tin kèm video clip minh họa, teen mình được tham gia nhiều hoạt động truyền thông và vận động hữu ích như: In dấu chân màu tham gia chiến dịch “One Million Footprints”, thi gấp giấy thành hình các chú tê giác xinh xắn, xem video với các thông điệp nổi bật về bảo vệ các loài động vật hoang dã.
Teen cần làm gì để chuyển tải thông điệp ý nghĩa này?
Rất đơn giản thôi, cô Lisa bật mí: Tối nay, bạn hãy về nhà và đọc cuốn sách “Cuộc phiêu lưu cả chú tê giác Bongi” (Cuốn sách là những câu chuyện giáo dục mang ý nghĩa nhân văn từ Châu Phi) cho những người mà bạn yêu thương. Thầy Hiệu trưởng Nguyễn Xuân Khang thì chia sẻ: “Các con hãy đọc và học để thêm hiểu biết và hạn chế lòng tham, hãy hành động ngay bây giờ đừng chần chừ nhé!”
Dẫu không còn tê giác để bảo vệ ở Việt Nam, hơn 200 học sinh trường Marie Curie tham dự sự kiện cũng cùng có chung quan điểm như bạn Hà My, Thành Hưng và Minh Trí (Lớp 6M1) thổ lộ khi được báo Hoa Học Trò phỏng vấn, đó là: “Tớ cho rằng dẫu tê giác không còn ở Việt Nam song nhiệm vụ vẫn còn nhiều, đó là phải làm sao chuyển tải thông điệp bảo vệ động vật hoang dã đến thật nhiều người, từ lời nói phải biến thành hành động cụ thể”.
Được biết, các hoạt động hưởng ứng chiến dịch “One Million Footprints” để chuyển tải thông điệp bảo vệ tê giác, bảo vệ động vật hoang dã sẽ còn được tiếp diễn trong thời gian tới.
Bạn có biết?
Việt Nam và Hoa Kỳ cùng hợp tác chính thức trong chương trình Cùng hành động tạo sự thay đổi (OGC), nhằm nâng cao nhận thức cho công chúng, làm giảm nhu cầu sử dụng các sản phẩm từ động vật hoang dã, đồng thời cải thiện quan hệ song phương trong lĩnh vực an ninh môi trường.
OGC nhận được sự ủng hộ từ các cơ quan chính phủ, các tổ chức xã hội dân sự và khối doanh nghiệp tư nhân ở cả hai quốc gia cũng như các quốc gia khác trên thế giới.
Tùng Anh
Link bài viết: http://hoahoctro.vn/teen-ha-noi-tham-du-su-kien-one-million-footprints-voi-thong-diep-bao-ton-dong-vat-hoang-da/