Không chỉ khuấy động sân khấu với khả năng hát rap cuốn hút, Nguyễn Anh Đạt (12E4) và Đinh Viết Duy (12I) còn có tài sáng tác nhiều bản nhạc “gây sốt” trong cộng đồng MC.
Ở lễ hội Bánh chưng 2024, cả sân trường bật đèn “flash”, đung đưa theo giai điệu của bài hát “Ánh mắt” - ca khúc do Anh Đạt, Viết Duy viết lời chung.
“Chúng mình rất bất ngờ và hạnh phúc khi được mọi người hưởng ứng và phản hồi tích cực. Lúc có cảm xúc, ý tưởng, chúng mình ngay lập tức xây dựng bố cục bài, viết và sửa lời; sau đó thu nhạc, hòa âm, phối khí. Chúng mình làm trong 2 ngày là xong. Ban đầu, chúng mình sáng tác ca khúc này chỉ đơn thuần muốn ghi lại cảm xúc, kỷ niệm ở MC nhưng không ngờ được ủng hộ đến vậy. Hiện trên “soundcloud”, “Ánh mắt” đạt gần 10 nghìn lượt nghe”, cả hai vui mừng chia sẻ.
Hai bạn bắt đầu chơi thân từ hồi vào lớp 6 MC. Vì có chung sở thích nghe nhạc nên các bạn “bắt sóng” nhau rất nhanh: hay nghe nhạc chung, thường “update” bài mới và chia sẻ về chủ đề âm nhạc. Thấy “hợp gu” về tư duy âm nhạc nên lên lớp 7, cả hai đã cùng sáng tác ca khúc ở thể loại Indie Pop đầu tay mang tên “Gặp em chốn đông người”.
“Chúng mình mất hơn 1 tháng để hoàn thành bài hát. Lúc nghe thử, mình có cảm giác như bị “nghiện” thứ âm nhạc này. Thật kỳ diệu!”, Anh Đạt nhớ lại.
Việc sáng tác chung dễ gây ra xung đột vì mỗi người có tư duy âm nhạc riêng. Vì thế, hai bạn sẽ dựa vào thế mạnh riêng để phân chia mỗi người viết một đoạn. “Nếu xảy ra tranh luận thì trước tiên, chúng mình sẽ lắng nghe đối phương rồi nhờ người trong nghề nhận xét. Từ đó, chúng mình cùng sửa lại cho hợp lý”, Viết Duy kể.
Hiện hai bạn đã cho ra mắt nhiều bản rap bày tỏ suy nghĩ, cảm xúc của bản thân. Khi “đắm chìm” vào rap, hai bạn cảm thấy không dứt ra được. Đặc biệt, MC là một trong những cảm hứng để các bạn viết nhạc. “Đó là sân khấu đầu tiên của chúng mình. Mỗi lần biểu diễn, chúng mình cảm thấy rất thoải mái, tự tin; khán giả giống như người thân trong gia đình. MC thực sự là môi trường giúp học sinh phát triển mọi mặt. MC cũng có nhiều sân chơi để mỗi đứa trẻ tỏa sáng theo cách riêng”, hai bạn tâm sự.
Anh Đạt nhớ mãi lần tham gia Hội diễn văn nghệ 2023, được cô chủ nhiệm tin tưởng giao nhiệm vụ biểu diễn 1 tiết mục. Trước đó, cậu gặp biến cố nên 6 tháng không viết được ca khúc nào. Thế nhưng tối ấy, cậu đã viết liền một mạch và làm nhạc đến 4h sáng. Bài hát “Bọn họ cứ nghĩ” do cậu tự sáng tác đã lọt vào vòng Chung khảo.
“Hôm đó, mình rất run, hồi hộp. Tuy nhiên, các bạn đã đập vào vai, động viên mình trước khi lên sân khấu. Lúc mình bắt đầu hát rap, khán giả ở dưới bật đèn "flash" hưởng ứng, khiến mình như sắp khóc vì xúc động. Nhưng ngay lập tức, mình đã lấy lại bình tĩnh để hoàn thành ca khúc.
Ở khúc phiêu giữa đoạn 1 và đoạn 2, mình đã ngẫu hứng đọc tên những người mà mình yêu quý. Mình có cảm giác như được "chìm đắm" trong thế giới riêng. Kết thúc màn trình diễn đầy cảm xúc, mình bước xuống cánh gà. Duy cùng nhiều bạn khác đã chạy lại ôm mình. Lúc ấy, mình đã khóc như một đứa trẻ khi xung quanh tràn ngập lời khích lệ: “Đạt ơi, cậu làm được rồi!”. Mình cảm thấy đã thực sự vượt qua chính mình”, cậu tâm sự.
Anh Đạt kể thêm, thời gian đầu, gia đình phản đối khi biết cậu muốn theo đuổi nhạc rap.
“Bố mẹ không có ấn tượng tốt về thể loại này và nghĩ đó chỉ là sở thích tạm thời của mình. Nhưng mình đã chứng minh cho bố mẹ thấy bằng các sáng tác, những lần đi biểu diễn… Hôm lễ hội Bánh chưng, bố mẹ còn đến xem mình diễn.
Bố kể ngày xưa cũng mê nghệ thuật, ước mơ làm ca sỹ nhưng không được ủng hộ. Vì thế, khi thấy mình đứng trên sân khấu, bố nói mình đã thực hiện được ước mơ của bố. Thực sự lúc nghe câu đó, mình rất xúc động và hạnh phúc”, cậu chia sẻ.
Duy cho biết: “Với mình, rap có thể thể hiện đầy mạnh mẽ cảm xúc của con người. Ban đầu, bố mẹ mình cũng không ủng hộ vì nghĩ thể loại nhạc này bắt nguồn từ văn hóa đường phố, thường dùng ngôn từ mạnh. Tuy nhiên, mình đã đi diễn nhiều nơi, học hỏi thêm kiến thức, kinh nghiệm để làm nhạc hay hơn. Dần dần, bố mẹ tiếp nhận và hiểu ra rằng, nhạc rap cũng sử dụng ngôn từ tinh tế, mang tính nghệ thuật”.
Không chỉ vậy, để nhận được sự ủng hộ của bố mẹ, hai bạn luôn cố gắng cân đối việc học và làm nhạc. Cả hai sắp xếp thời gian hợp lý để không chểnh mảng chuyện học. Trong năm cuối cấp này, với việc sở hữu chứng chỉ 7.0 IELTS, cơ hội vào các trường đại học rất rộng mở với Anh Đạt. Còn Viết Duy có năng khiếu vẽ từ nhỏ, là lợi thế khi thi vào ĐH Mỹ thuật công nghiệp để theo đuổi ước mơ trở thành nhà thiết kế.