Ngoài là một giáo viên Tiếng Anh, cô Bích Phượng còn đam mê công việc cứu hộ động vật hoang dã. Cô chia sẻ rằng: “Khi đến trường học và rừng xanh, tôi được thoải mái là chính mình, trao đi yêu thương chân thành và nhận được thương yêu chân thật. Tôi rất hạnh phúc khi được đóng góp cho sự nghiệp trồng người và bảo tồn thiên nhiên”.
Chào cô! Từ khi nào, cô bắt đầu tham gia các hoạt động cứu hộ động vật?
Cô Bích Phượng: Câu chuyện cứu hộ - chữa bệnh - chăm sóc động vật bắt đầu từ khi tôi học Tiểu học. Lúc nhỏ, tôi thường gặp những chú chó, mèo ốm bị bỏ rơi ngoài đường; có hôm còn thấy những chú chim bị thương rơi xuống đất... Những lần như thế, tôi đều mang về nhà cứu chữa và dành thời gian tìm hiểu tâm sinh lý của chúng. Tôi từng nuôi nhiều loài vật như: rùa, rắn, thỏ, gà, vịt, chim, cá, chuột và một số loài côn trùng như: kiến, sâu, bướm. Mỗi người bạn nhỏ mang một câu chuyện thú vị, khiến tình yêu thiên nhiên của tôi lớn lên từng ngày.
Khi là sinh viên, tôi gia nhập mạng lưới tình nguyện viên của Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên Việt Nam (ENV). Từ đây, tôi bắt đầu có thêm hiểu biết về tầm quan trọng của hệ sinh thái rừng. Tôi tham gia nhiều chuyến đi thực tế bảo vệ động vật có nguy cơ tuyệt chủng. Trong đó, có thể kể đến hoạt động điều tra các chợ đầu mối và nhà hàng đặc sản xem có lưu trữ, mua bán thú quý hiếm không để báo cáo, xử lý. Đó là dự án khá mạo hiểm nhưng tôi sẵn sàng góp sức đến cùng.
Gần đây, dịch bệnh kéo dài, ảnh hưởng tới mọi mặt đời sống, kể cả rừng và các hoạt động bảo tồn thiên nhiên. Tôi đã quyết định vào rừng Quốc gia Cúc Phương ở 1 tháng, vừa để thấu hiểu cuộc sống của các cán bộ kiểm lâm vừa góp phần bảo tồn động vật hoang dã, truyền bá thông điệp về rừng tới mọi người, đặc biệt là các học trò. Tôi vẫn mang theo laptop, tài liệu giảng dạy và thiết bị mạng 3G để đảm bảo việc dạy online hằng ngày.
Các chuyến đi ấy đã đem đến cho cô những kỷ niệm đáng nhớ nào?
Cô Bích Phượng: Mỗi chuyến đi đều để lại cho tôi nhiều cảm xúc và kỷ niệm sâu sắc.
Năm 2019, tôi tới khu bảo tồn voi ở Chiang Mai, vùng đất xanh mướt nằm ở phía Bắc của Thái Lan. Tôi rất ấn tượng với một gia đình voi được giải cứu khỏi rạp xiếc 6 năm trước đó. Tôi trực tiếp chăm sóc voi mẹ, voi anh 6 tuổi và voi em 1 tuổi. Bé voi út tên là Elly vô cùng hiếu động, hồn nhiên và thích đồ chơi. Voi anh khá lạnh lùng. Còn voi mẹ đôi khi có những biểu hiện hung hăng, sẵn sàng tấn công, luôn dè chừng lúc tôi chơi với Elly. Cơ thể voi mẹ có rất nhiều thương tích như: rách một bên tai, chân có vết trầy sâu... do trải qua nhiều năm bị ngược đãi ở rạp xiếc, bị ép diễn trò tiêu khiển, bị cướp mất con sau khi sinh. Voi anh khi nhỏ đã bị tách khỏi mẹ và cũng bị bạo hành. May mắn là hai mẹ con đã được giải cứu và đưa về khu bảo tồn để điều trị! Sau hơn 6 năm trị liệu và chăm sóc đặc biệt, voi mẹ đã nguôi đi sự giận dữ và khủng hoảng. Vết thương da thịt có thể lành nhưng những ám ảnh tâm lý vẫn tác động tới hành vi của voi mẹ nhiều năm về sau. Từ chuyến đi đó, tôi hoàn toàn phản đối xiếc thú. Bởi đằng sau những màn biểu diễn ngoạn mục là những khoá huấn luyện tàn nhẫn, khiến các loài thú tổn thương, thậm chí không còn khả năng sống sót khi có cơ hội trở lại môi trường tự nhiên. Theo tôi, thế hệ trẻ chúng ta cần nâng cao hiểu biết và chấm dứt việc sử dụng động vật hoang dã trong ngành công nghiệp giải trí.
Năm 2022, tôi được chứng kiến nhiều khoảnh khắc đẹp ở rừng Quốc gia Cúc Phương và thu hoạch rất nhiều điều. Tôi đã tham gia hành trình tái thả cầy vòi mốc được giải cứu từ một vụ vận chuyển - nuôi động vật hoang dã trái phép. Sau 7 tháng hồi phục sức khỏe ở khu bảo tồn, chúng đủ điều kiện được thả về tự nhiên. Tôi đã trực tiếp đưa cầy vòi mốc trở về nhà và đi tuần rừng đêm để đảm bảo chúng hoà nhập tốt với môi trường.
Công việc bảo tồn thú rừng rất vất vả, làm từ sáng sớm tới đêm, nhiều khi còn bị thương do các bạn thú cào cắn. Tuy nhiên, các nhân viên chăm sóc vẫn luôn làm việc cần mẫn, hào hứng suốt nhiều năm. Không chỉ vậy, các cô chú luôn kể về từng cá thể động vật với đầy tình thương yêu. Tôi cảm nhận được điều đó rất rõ qua ngôn từ, ánh mắt của họ.
Cuộc sống ở trạm kiểm lâm nằm sâu trong rừng rất đơn sơ; không có điện, mạng Internet, sóng điện thoại. Hằng ngày, các bác kiểm lâm cắt cử nhau đi tuần rừng liên tục để kiểm tra tình trạng động - thực vật và đề phòng lâm tặc. Tôi rất ngưỡng mộ các bác đã công tác ở rừng hàng chục năm; coi rừng là nhà, không ngại hiểm nguy, gian khó.
Tôi thực sự ấn tượng với cuộc sống thường ngày sinh động ở rừng. Buổi đêm, nhiệt độ xuống rất thấp; sương rơi ướt lạnh những tán lá, ngọn cỏ; mùi đất bốc lên thơm nồng; bầu trời đầy sao lấp lánh và xung quanh có rất nhiều đom đóm bay. Khi bình minh, tiếng chim hót và vượn hú rộn ràng như một bản nhạc đầy sức sống, đánh thức mọi giác quan. Hơi nước bảng lảng trên mặt hồ, trông thật kỳ ảo! Không gian trong lành đó khiến tôi thêm yêu thiên nhiên và mong muốn lan toả cảm giác ấy tới bạn bè, người thân và học trò. Hy vọng mọi người sẽ có dịp trải nghiệm thực tế, hoà vào thiên nhiên để thấy mình thật khoẻ mạnh và yêu đời!
Những hoạt động cứu hộ động vật hoang dã đã mang lại cho cô những chiêm nghiệm nào về cuộc sống?
Cô Bích Phượng: Với tôi, những tháng ngày chu du nhiều nơi và tham gia các hoạt động về thiên nhiên là vô cùng quý giá.
Trước hết, tôi nhận ra, sức khoẻ rất quan trọng. Để có thể khám phá nhiều vùng đất mới và làm được nhiều việc ý nghĩa, tôi cần rèn luyện thể lực. Tôi tạo cho mình thói quen ăn uống lành mạnh, uống nhiều nước và tập thể dục hằng ngày để giúp cơ thể dẻo dai, tránh bệnh tật và tinh thần tràn đầy năng lượng.
Càng đi nhiều, tôi càng tự hào về đất nước Việt Nam với vẻ đẹp thiên nhiên duyên dáng và những con người tâm huyết. Khi tiếp xúc với nhiều loài động vật, tôi cảm nhận được ở chúng tình mẫu tử, tình thân, tình bạn và cả tình cảm với con người, đặc biệt là với ân nhân cứu mạng. Rất nhiều loài thú đáng yêu, đáng thương có nguy cơ tuyệt chủng đang rất cần chúng ta giúp đỡ.
Tôi học được tính kiên trì, dũng cảm của các cô chú, anh chị làm công tác cứu hộ, bảo tồn động vật. Tôi cũng nhận ra, dù mọi người rất nỗ lực thì việc giải cứu, chăm nuôi từng cá thể hoang dã không phải là biện pháp bảo tồn hiệu quả nhất. Bởi việc này đòi hỏi chi phí đắt đỏ và tiềm ẩn nhiều rủi ro cho người - thú - quần thể tự nhiên. Sự hiểu biết của cộng đồng; việc không ăn, sử dụng những sản phẩm từ động vật hoang dã mới chính là giải pháp tối ưu nhất. Vì vậy, tôi mong muốn các học sinh cùng nâng cao ý thức và lan toả thông điệp bảo vệ môi trường thiên nhiên.
Làm thế nào để MCer có thể tham gia những hoạt động ý nghĩa như cô?
Cô Bích Phượng: Các bạn có thể tìm hiểu về những tổ chức phi chính phủ như: ENV, WildAct, WildAid, WWF Vietnam, CHANGE, AFEO, Let’s Do It... Đây là những cộng đồng quy tụ nhiều bạn trẻ yêu thiên nhiên và có nhiều dự án, chương trình hướng tới môi trường như: tái chế rác, dọn sạch bãi biển, trồng cây, tổ chức giờ Trái đất, cuộc thi đạp xe, chạy bộ, vẽ tranh, triển lãm ảnh, làm viral clip...
Ngay tại trường, các bạn có thể thành lập câu lạc bộ để cùng tìm hiểu và sáng tạo các hoạt động kêu gọi bảo vệ thiên nhiên, cứu trợ động vật. Chắc chắn, các thầy cô luôn ủng hộ và sẵn sàng hỗ trợ, tư vấn cho các bạn.
Ngoài ra, tôi có một gợi ý thú vị dành cho các bạn và gia đình. Đó là thực hiện chuyến picnic, camping hoặc homestay ở vườn Quốc gia Cúc Phương vào ngày nghỉ hoặc dịp hè. Các bạn sẽ được vào khu bảo tồn để gặp gỡ thú rừng, tham quan bảo tàng để mở mang kiến thức; được các bác kiểm lâm, chuyên viên chăm sóc động vật hoang dã trực tiếp trò chuyện và dẫn đi thăm rừng. Các bạn có thể tham khảo thêm thông tin tại website: http://cucphuongtourism.com.vn.
Mỗi hành động của chúng ta, dù là thảo luận kiến thức online, thực hiện chiến dịch trực tiếp hay du lịch trải nghiệm... đều góp phần tác động tích cực đến nhận thức cộng đồng về môi trường thiên nhiên. Tôi tin, các bạn sẽ lựa chọn được những tổ chức, hoạt động phù hợp để tham gia.