Tiến sĩ Nghiêm Thị Minh Hòa nằm trong số ít người Việt Nam có công trình nghiên cứu được công bố trên tạp chí Vật lý hàng đầu thế giới Physical Review Letters. Để có được thành quả đó, chị đã đổ không ít mồ hôi, nước mắt suốt quãng thời gian dài học tập, nghiên cứu ở trong và ngoài nước. Nhìn lại chặng đường đã qua, chị xúc động nói: “Bốn năm học ở Marie Curie là bước khởi đầu cho thành công hiện tại của mình”.
Nuôi dưỡng ước mơ
Tháng 2/2017, chị Minh Hòa (CHS I, 95 - 99) trở về Việt Nam và làm việc tại Viện Tiên tiến Khoa học và Công nghệ (AIST), ĐH Bách khoa Hà Nội. Tháng 10/2017, công trình nghiên cứu của chị: “Time evolution of the Kondo resonance in response to a quench” được đăng trên tạp chí quốc tế hạng nhất. Do 5 năm gần đây, tỷ lệ được đăng ở tạp chí này chỉ khoảng 30%, tức là cứ 10 bài gửi đi thì có tới 7 bài bị loại nên thành quả này không chỉ mang đến niềm hạnh phúc cho chị mà còn cả sự tự hào cho cộng đồng nghiên cứu Vật lý Việt Nam.
Theo chị Minh Hòa, thời học trò MC chính là khởi nguồn cho những thành công hiện tại. Thời ấy, Marie Curie tuy mới thành lập nhưng có nhiều thầy cô dạy tốt và trường đi theo hướng giáo dục hiện đại khi học sinh được tiếp cận tiếng Anh một cách bài bản từ sớm. Hơn nữa, trường còn tổ chức mô hình bán trú, có xe buýt đưa đón học trò. “Năm ấy thi vào trường, bố “dọa” mình: “Tỷ lệ chọi không kém gì thi Đại học đâu!”. Trường ở cơ sở Khương Đình, tuy khuôn viên nhỏ nhưng lại rất đặc biệt. Vui nhất là học một chỗ, ở bán trú một chỗ và có giờ tự học buổi chiều. Cảm giác được học, ăn, ngủ, vui chơi cả ngày tại trường thật thích! Từ ngày ấy, chúng mình đã được học tiếng Anh 7 tiết/tuần. Bên cạnh sách giáo khoa, chúng mình còn được tiếp cận giáo trình Stream Line và học bổ trợ với người nước ngoài”, chị Minh Hòa cho biết.
Những hoạt động ngoại khóa ở MC thực sự để lại cho chị rất nhiều kỷ niệm và ấn tượng sâu sắc. Cứ mỗi dịp Trung thu, cả trường lại được nghỉ học buổi chiều để thi trưng bày mâm ngũ quả giữa các lớp. Hay lần thầy Khang tổ chức cho học sinh toàn trường đi dã ngoại hai ngày ở hồ Đại Lải cũng đáng nhớ vô cùng. Chị cho rằng, thầy Khang rất tâm lý khi luôn tạo điều kiện để học sinh vừa học vừa chơi. Đặc biệt, trong bất cứ hoạt động ngoại khóa nào, thầy luôn hết mình với học trò nên ai cũng cảm thấy thật gần gũi, ấm áp.
Chia sẻ về cô học trò nhỏ năm nào, cô Yến Thơ (Cựu GV Sinh học) nói: “Lớp I ngày ấy có nhiều bạn giỏi lắm, hội tụ toàn học sinh giỏi Quốc gia như: Xuân Tân, Đức Hiệp, Xuân Hùng, Hương Ly... Sau này ra trường, đa phần đều tự kiếm học bổng đi học nước ngoài và giờ rất thành đạt. Trong số đó, Minh Hòa giỏi các môn tự nhiên; học rất nghiêm túc, chăm chỉ. Về tính cách, Hòa thẳng tính và rất tốt với bạn bè”.
Với chị Minh Hòa, cô Yến Thơ là một trong những người thầy để lại nhiều dấu ấn nhất. “Hồi lớp 6, khi cô là giáo viên bộ môn, mình thấy cô nghiêm khắc lắm! Đến lúc cô chủ nhiệm, mình nhận ra, cô cũng rất gần gũi, tâm lý và luôn theo sát học trò. Những bài giảng của cô không chỉ gói gọn trong sách giáo khoa mà còn mở rộng ra những kiến thức thú vị của đời sống như: ghép cây thế nào, các hiện tượng tự nhiên ra sao… Mình nhớ nhà cô có vườn rất rộng. Cứ mỗi dịp 20/11 đến thăm cô, tụi mình tha hồ hái ổi, khế”, chị Minh Hòa kể.
Tình yêu với Vật lý
Lớp 7 bắt đầu tiếp xúc với môn Vật lý, chị chưa yêu nó vì thích học Toán hơn. Đến cuối năm lớp 9, khi phân vân thi chuyên Lý hay chuyên Toán Tổng hợp, chị nhận được lời khuyên của người bác làm bên Viện Vật lý. Bác nói: “Một viên bi đi vào ống mà khi đi ra vẫn là nó thì đó là Toán, còn nếu ra cái khác thì là Vật lý. Vật lý có rất nhiều sự biến đổi trong quá trình”. Hình ảnh ví von ấy đã thôi thúc chị quyết định đi theo con đường nghiên cứu Vật lý.
Càng tiếp xúc với những nhà Vật lý, chị càng thấy ngành này hấp dẫn, thú vị. Chính chị ruột Nghiêm Thị Dịu (CHS M, 92 - 95) tốt nghiệp Tiến sĩ Vật lý tại Mỹ là người có ảnh hưởng lớn nhất đến đam mê nghiên cứu của chị.
Học chuyên Lý Tổng hợp rồi khoa Lý, ĐH Khoa học Tự nhiên, chị dần định hướng rõ ràng con đường mà mình sẽ đi. Trước một sự vật hay hiện tượng, chị luôn đặt câu hỏi: “Tại sao nó xảy ra?” và cố gắng tìm kiếm câu trả lời xác đáng nhất. Đó là một trong những điều khiến lĩnh vực Vật lý có sức hấp dẫn, lôi cuốn lớn đối với chị.
“Trong kỳ thi vấn đáp ở bậc Đại học, khi giáo sư người Pháp - Pierre Darriulat hỏi: “Khoảng năng lượng nào là chủ đạo trong nghiên cứu của bạn?”, mình đã không trả lời được. Lúc đó, thầy nói: “Ở bất cứ mảng nào trong Vật lý, bạn phải hiểu được khoảng năng lượng giữ vai trò chủ đạo. Mỗi hiện tượng vật lý đều có một năng lượng đặc trưng và lý thuyết phù hợp để mô tả”. Chính câu nói đó đã giúp ích rất nhiều cho các nghiên cứu sau này của mình”, chị Minh Hòa kể.
Con đường nghiên cứu khoa học
Năm cuối Đại học, chị Minh Hòa bắt đầu làm quen với nghiên cứu khoa học. Đối với chị, lúc đó chỉ là “học nghề” bởi: “Mình chỉ làm lại cái người khác đã làm. Còn nghiên cứu là phải tìm tòi những thứ mới, là của mình”.
Khi học Thạc sỹ tại Nhật, chị chính thức bắt tay vào nghiên cứu khoa học thực sự. Công trình nghiên cứu đầu tiên của chị là về hiện tượng Kondo và đã được đăng trên tạp chí của Nhật. Ban đầu, chị gặp không ít khó khăn do chưa có nhiều kinh nghiệm. Nhiều lần việc nghiên cứu ra được kết quả nhưng mấy tháng sau, chị lại thấy nghi ngờ về độ tin cậy và phải tiến hành kiểm chứng, tính toán lại…
Thời gian nghiên cứu trung bình của một dự án kéo dài 1 - 2 năm. Không chỉ đòi hỏi khả năng tìm ra và giải quyết vấn đề, người làm nghiên cứu còn phải có kỹ năng viết báo cáo bằng tiếng Anh. Điều đó đòi hỏi trình cao hơn rất nhiều so với viết luận tiếng Anh để xin học bổng. Nhờ có sự giúp đỡ của các thầy giáo, bạn bè người Philippines và tự sửa đi, sửa lại nhiều lần, chị đã thành công với nghiên cứu đầu đời.
Chị Minh Hòa tâm sự: “Nghiên cứu có tính đào thải do đòi hỏi về tính mới mẻ và ý nghĩa khoa học. Nghiên cứu khoa học không giống như sản xuất hàng hóa thông thường, sản phẩm của nghiên cứu khó có thể định giá. Những người làm nghiên cứu chủ yếu vì đam mê, vì mong muốn cống hiến. Điều quan trọng là công trình có ý nghĩa như thế nào cho khoa học.
Tính cách của mình dường như phù hợp với công việc nghiên cứu. Đó là luôn đặt câu hỏi, luôn nghi ngờ, kiên trì và tự học. Có nhiều lần mình làm mãi không ra kết quả, thấy nản nhưng khi tìm ra thì rất hạnh phúc. Điều này giống như sở thích giải các bài Toán khó thời phổ thông của mình, dù mất rất nhiều thời gian, thậm chí lúc ngủ còn mơ về nó, thế mà đến sáng hôm sau lại chợt nảy ra lời giải”.
Thời gian tới, chị Minh Hòa hy vọng các quỹ phát triển nghiên cứu như Nafosted (Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ Hà Nội) sẽ đầu tư nhiều hơn để ngành nghiên cứu ở Việt Nam phát triển mạnh mẽ hơn. Đặc biệt sẽ có thêm nhiều bạn trẻ đam mê và dấn thân vào con đường này giống như chị.