Trường mầm non Cánh Hạc Bay được rất nhiều cha mẹ học sinh đánh giá tốt và gửi gắm con em theo học. Họ yêu thích ngôi trường này không chỉ bởi phương pháp giáo dục khác biệt mà hơn hết là cách quản lý của cô Hiệu trưởng Nguyễn Hiền Sa, vốn là cựu học sinh lớp M, 97 - 00 của Marie Curie.
Học được nhiều điều từ MC
Chị Hiền Sa đến với MC qua lời giới thiệu từ một người bạn thân của mẹ. Khi đó, ấn tượng ban đầu của chị về ngôi trường là: “Tại sao mình lại đi học xa tới vậy? Tại sao mình lại không học những trường trên phố mà lại học ở nơi vắng vẻ giống ngoại thành?”. Vì nhà ở tận Hàng Ngang nên chị chưa bao giờ đi ra xa khỏi khu vực trung tâm mà quen với những con phố đông đúc, tấp nập. Nhưng sau này, chị luôn thầm cảm ơn việc được trở thành một thành viên của ngôi nhà Marie Curie với rất nhiều điều tuyệt vời.
Chị nhớ mãi hồi cấp hai ở cơ sở Khương Đình. Một buổi chiều giờ tự học, chị đang ở phòng bán trú làm bài tập thì cô Lệ Anh dẫn chị xuống gặp thầy Khang. Thầy hỏi: “Học một năm ở trường rồi, con thấy có gì đặc biệt hơn so với các bạn không?”. Chị trả lời: “Con không có gì khác, thầy ạ. Mỗi tên của con là hình như hơi đặc biệt”. Thầy cười, bảo: “Thế thì tốt vì thầy không muốn con nghĩ con khác các bạn ở trường. Có thứ mà đa số các bạn có thì con lại không có. Nhưng thầy tin, con có cái mà nhiều bạn không có nên con không bao giờ được nghĩ là cuộc đời bất công với mình hay đổ lỗi cho số phận nhé! Tất cả là do mình. Con hiểu không?”.
Thú thực lúc đó, chị chỉ nghĩ điều thầy nói chị có mà nhiều bạn không có là được miễn 100% học phí, chứ không nghĩ được gì hơn. Nhưng càng lớn, chị càng ngẫm ra nhiều điều từ những lời thầy nói. Đúng là tất cả do mình và không bao giờ được đổ lỗi cho số phận. Tất cả những bài học quý giá mà chị nhận được trong bốn năm học cấp hai Marie Curie cùng hình ảnh thầy Khang luôn in đậm trong tâm trí của chị. Cũng nhờ đó mà dù thiếu tình cảm của bố mẹ từ rất sớm nhưng chị luôn biết cách tự tìm thấy niềm vui trong cuộc sống và chưa bao giờ lấy đó làm lý do cho bất cứ thất bại nào của bản thân.
Mỗi lần nhắc đến MC, chị còn nhớ tới cô Hoa (GV Toán). Chị bồi hồi kể lại: “Cô rất nghiêm khắc và luôn đưa ra yêu cầu cao đối với học sinh. Cô thường giao nhiều bài tập về nhà theo kiểu “combo”: làm hết các bài trong SGK hay làm hết sách bài tập. Lúc đầu, cả lớp nhìn nhau, nghĩ làm sao có thể giải quyết được khối lượng bài “khủng” như vậy. Nhưng cuối cùng, điều tưởng chừng không thể ấy lại trở thành có thể.
Sau này tới nhà cô chúc Tết, cả lớp nhắc lại chuyện cũ, cô cười và bảo: “Khổ thân các bạn, sao hồi đấy không ai nói với tôi?”. Nhưng chúng mình hiểu, không phải tới lúc ấy mà từ ngày làm chủ nhiệm, dù nghiêm khắc nhưng cô rất thương học trò. Vài năm sau đến thăm cô, biết mình bị viêm phổi, cô đã tặng mình cuốn sách dạy hít thở đúng cách và dặn: “Con nhớ về học theo sách, phải khỏe thì mới làm các việc khác được”. Tới tận bây giờ, mình vẫn giữ gìn và nâng niu cuốn sách mà cô tặng”.
Ngoài ra, những kỷ niệm khó quên không kém khác là những bữa trưa “tem phiếu”. Chị rất nhớ cảm giác sau mỗi giờ học, chạy thật nhanh về phòng bán trú cất ba lô rồi lên nhà ăn để kịp lấy những món “hot” như: mỳ tôm nấu bò, sốt vang, trứng tráng... Những hoạt động ngoại khóa như: thi trang trí mâm cỗ Trung thu, thi thiết kế logo trường, các buổi dã ngoại Sóc Sơn, Thác Đa hay những buổi chiều đi bơi ở bể Thái Hà... cũng là những nét riêng của MC, để lại cho chị ấn tượng sâu đậm. Chị luôn cảm thấy rất tự hào về những điều “khác lạ” ấy, về thời học sinh được vừa học vừa chơi ở MC mà không phải trường nào cũng có được.
Học cách làm những điều không thể
Chính những năm tháng được rèn giũa dưới mái trường MC mà chị Hiền Sa đã hình thành được thói quen “nghiêm khắc với bản thân” và ý thức trách nhiệm với tập thể. Điều đó đã giúp chị vượt qua giới hạn của mình và không ngừng cố gắng để thực hiện những dự định đặt ra.
Chị cho biết: “Sau khi tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm TW, mình không theo nghề mà dành thời gian làm những công việc yêu thích như: dịch truyện tiếng Anh, làm gia sư dạy tiếng Việt cho sinh viên nước ngoài... Sau đó, mình chính thức bước vào lĩnh vực nhà hàng, khách sạn. Khởi đầu với vị trí sale - marketing ở một công ty chuyên cung cấp dịch vụ lưu trú cho khách nước ngoài làm việc tại Hà Nội, mình tự mò mẫm học hỏi, tìm tòi bằng những kiến thức thu lượm trên mạng Internet. Sau gần hai năm dành toàn bộ tâm trí và thời gian cho công việc, mình đã được Ban quản trị của công ty cất nhắc lên vị trí Giám đốc điều hành - điều vượt xa mong đợi của mình khi bắt đầu làm việc tại đây. Nếu trước đó, mình cố gắng 6, 7 phần thì khi nhận vị trí mới, mình phải cố gắng 8, 9 phần để hoàn thành những mục tiêu đặt ra, cũng như không phụ lòng tin của các cổ đông. Có những lúc công việc gặp khó khăn, tưởng chừng không thể vượt qua nhưng chính sự nghiêm khắc với bản thân đã giúp mình từng bước tìm được cách khắc phục và xoay xở được tình thế”.
Đặc biệt hơn, tính kỷ luật với bản thân đã giúp chị Hiền Sa có đủ sự quyết đoán để thành lập trường mầm non Cánh Hạc Bay. Chị đã tạo dựng một môi trường làm việc lành mạnh cho giáo viên, luôn đặt lợi ích của học trò lên hàng đầu và gây dựng được lòng tin, sự yêu mến của rất nhiều bậc cha mẹ. Nhiều dự án hay các hoạt động trải nghiệm ở trường dành cho trẻ, khi chị chia sẻ ý tưởng nghe có vẻ táo bạo và điên rồ, một số người đã cười và nói “chẳng giống ai”, “làm sao làm thế được”... nhưng chị tin vào bản thân, đồng nghiệp và những đứa trẻ.
Trong quá trình xây dựng và hoàn thiện trường, chị luôn cố gắng đặt mình vào vị trí, hoàn cảnh của các đồng nghiệp trẻ để lắng nghe, thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng của họ; từ đó có cách thức đào tạo phù hợp nhất. Nhờ đó, có bạn thay đổi tư duy, cách nhìn nhận sự việc và trở thành những đồng nghiệp vô cùng tuyệt vời. Và chính việc chị luôn nghiêm khắc, kỷ luật với bản thân là chìa khóa đem lại cho chị sự tôn trọng, yêu mến từ các nhân viên.
Khó khăn tiếp theo mà chị thường xuyên gặp phải chính là “sự đa dạng” đến từ phía các bậc cha mẹ học sinh. Chị tâm sự: “Mình rất may mắn khi có được nhiều vị cha mẹ trở thành những người bạn thân thiết có chung quan điểm giáo dục. Mình luôn dành thời gian tìm hiểu hoàn cảnh gia đình của họ để dễ dàng tiếp cận nói chuyện. Chính sự chân thành là yếu tố cốt lõi để các vị cha mẹ học sinh mở lòng đón nhận những giá trị mà mình muốn mang lại cho họ, cũng như những đứa trẻ”.
Chị Hiền Sa luôn thấy mình là người cực kỳ “giàu có” và hạnh phúc. Bởi chị đang có tới hơn 50 đứa con. Chị có thể hiểu rõ thói quen, tính cách của từng bé. Chị không chỉ giàu con mà còn giàu tiếng cười, niềm vui.
Mỗi ngày đến lớp được nghe tụi trò nhỏ ríu rít gọi: “Con chào cô Sa!” hay được nghe các bạn ấy “nhỏ to tâm sự”, chị cảm thấy hạnh phúc biết bao. Bởi mỗi ngày trôi qua, cuộc sống của chị lại càng thêm ý nghĩa và trọn vẹn hơn nhờ những điều giản dị ấy.
Chị Vân Ngọc (CHS 97 - 04) không ngừng khen ngợi cô bạn thân gắn bó 20 năm. Chị tâm sự: “20 năm chơi thân, mình thấy Sa còi còi thế thôi nhưng lúc nào cũng tràn đầy năng lượng và rất nhân hậu. Ước mơ từ những năm cấp hai trở thành cô giáo dạy Văn của Sa nay đã phần nào được hiện thực hóa khi công việc giờ đây cũng gắn liền với trẻ nhỏ. Sa rất nhiệt huyết, nghiêm túc trong công việc và sống rất tình cảm, luôn quan tâm đến bạn bè”. |