Dù biết đó là chuyến bay "một đi không trở lại" nhưng anh Vũ Xuân Linh (Cựu MC2, niên khóa 1994-1998 và MC3, niên khóa 1998-2001) vẫn quyết định nộp đơn với mong muốn trở thành 1 trong 4 người được sống nốt phần đời còn lại trên sao Hỏa để khám phá hành tinh này. Lúc còn học tại trường Marie Curie, anh luôn là ngôi sao sáng khi sở hữu bảng thành tích học tập đáng nể…
Anh Vũ Xuân Linh.
Anh Vũ Xuân Linh vừa trở về Việt Nam sau khoảng thời gian dài học tập, làm việc ở Mỹ, Singapore và Chile. Hiện anh làm về lĩnh vực marketing cho một công ty ở TP.HCM. Anh là 1 trong 9 người Việt có tên trong danh sách dự tuyển và được chọn đi tiếp vào vòng 2 của chương trình sao Hỏa số 1 (Mars One Program). Mars One là dự án phi lợi nhuận của một công ty tại Hà Lan, đứng đầu là Bas Lansdrop. Mục đích của chương trình là đưa 4 người đầu tiên lên định cư tại sao Hoả vào năm 2023 trên chiếc phi thuyền "một đi không trở lại", tức là dành cho những người có ý định sống nốt phần đời còn lại trên sao Hỏa. Chi phí cho chuyến bay đầu tiên là 6 tỷ USD.
Dự án đã đi qua nhiều chặng đường từ việc nghiên cứu tính khả thi, kêu gọi nhà đầu tư đến thiết kế chương trình du hành. Ngay từ khi kế hoạch tuyển phi hành gia được công bố vào tháng 4/2013, đã có hơn 200.000 ứng viên từ 107 quốc gia, lãnh thổ nộp hồ sơ.
Anh Xuân Linh cùng thầy cô, bạn bè lúc học cấp 2.
Anh Xuân Linh cùng cô chủ nhiệm và bạn bè cấp 3.
Ở Vòng 1, anh đã thuyết phục ban tổ chức về lý do tham gia chương trình bằng clip ngắn thể hiện rõ sự quyết tâm, lòng can đảm của mình...
Vào vòng 2, anh sẽ cùng 1.057 đối thủ trải qua các bước kiểm tra về sức khỏe, chiều cao, cân nặng tim phổi, mắt, vận động tay chân, các bệnh truyền nhiễm... "Tôi tự tin và hy vọng mình sẽ vượt qua tất cả các vòng kiểm tra của Ban tổ chức để thực hiện ước mơ một lần lên sao Hỏa" – anh Xuân Linh cho biết.
Hình ảnh đời thường của anh Xuân Linh.
Thích khám phá và làm những điều táo bạo nên khi biết thông tin tuyển phi hành gia lên sao Hỏa, chàng trai quê Thái Bình này đã không ngần ngại nộp đơn. “Có tới 99,9% bạn bè nói tôi bị điên và đang có hành động vớ vẩn. Nhưng tôi vẫn kiên trì thuyết phục mọi người bởi đây là cơ hội ngàn năm có một" – Anh nói thêm.
Anh Xuân Linh cùng bạn bè tại Mỹ.
Bên cạnh khả năng kinh doanh, thiên văn là lĩnh vực mà anh đam mê. Từ nhỏ, anh đã tự mày mò thiết kế kính thiên văn để ngắm nhìn các ngôi sao trên bầu trời. Do vậy, việc tham gia chương trình đưa người lên sao Hỏa này là cơ hội để anh khám phá hành tinh mới. "Trở thành nhà du hành vũ trụ hay đơn giản là được du hành vũ trụ là ước mơ của nhiều người, trong đó có tôi" – anh cho hay.
"Từ lâu tôi đã biết rằng, chỉ công dân Mỹ mới được làm việc cho NASA và các dự án vũ trụ. Người Việt chúng ta thường ít có cơ hội. Trong khi đó, chương trình sao Hỏa nhận người không phân biệt quốc tịch, dân tộc. Vì thế sau khi tìm hiểu, tôi đã quyết định tham gia".
Trở ngại lớn nhất trong hành trình lên sao Hỏa đó là các ứng viên sẽ chỉ có tấm vé một chiều tới hành tinh này. Bởi chi phí cho chuyến đi rất đắt đỏ, tức là người tham gia sẽ mãi mãi ở sao Hỏa, không được quay về Trái đất. Nhưng với Quốc Anh, đây lại là yếu tố thuyết phục anh tham gia vì nó thể hiện rằng, chỉ những người can đảm, có ý chí khám phá mới dám ghi tên vào tờ đăng ký.
Theo anh, lên sao Hỏa giống như hành trình tìm ra miền đất châu Mỹ mới. Nếu trở thành 1 trong 4 người có cơ hội du hành sao Hỏa, anh sẽ cùng các thành viên còn lại đảm bảo cuộc sống của bản thân, chăm sóc hệ sinh thái nhân tạo trên hành tinh mới, thực hiện các nghiên cứu khoa học và tìm khoáng sản, nguồn năng lượng...
Cũng giống như ở Trái đất, trên sao Hỏa, con người vẫn có thể liên lạc với gia đình và bà con xa xứ, thậm chí nếu ai có công ty riêng vẫn điều hành được. "Tại sao Hỏa, việc tăng cường giao tiếp với trái đất chắc chắn sẽ càng được thúc đẩy. Có thể nhiều người sẽ nói chúng tôi là chuột bạch. Nhưng chúng tôi là những con chuột biết suy nghĩ và dám làm điều mình muốn" - anh nói thêm.
Tại Vòng 2, anh Xuân Linh sẽ cùng 1.057 ứng viên nỗ lực gây quỹ cho dự án đầu tiên của chương trình. Dự án sẽ nghiên cứu chế tạo phi thuyền đổ bộ tư nhân không người lái đầu tiên lên sao Hoả vào năm 2018.
Điều kiện tối thiểu để một người có thể lên sao Hỏa là phải đáp ứng hai tiêu chí: Thể chất (cơ thể khỏe mạnh, đương đầu nhiệm vụ điều khiển tàu vũ trụ và chịu điều kiện khắc nghiệt ngoài Trái đất) và tinh thần (chịu được sự cô độc khi sinh hoạt trên phi thuyền và sinh sống trên sao Hỏa khi chỉ có 4 người). Ngoài ra còn có nhiều yếu tố khác như: tài chính, gia đình...
Giới chuyên gia đánh giá, nếu thực hiện thành công thì đây sẽ là bước tiến vĩ đại nhất của loài người. Bởi từ trước đến nay, các quốc gia mới chỉ đưa người lên mặt trăng thám hiểm hay phóng tàu vũ trụ ra ngoài không gian để nghiên cứu khoa học rồi về Trái đất. Ngay cả Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) cũng chỉ mới đưa robot lên sao Hỏa và từ bỏ ý định đưa người lên vì ngân sách không cho phép. Do đó, sứ mệnh đưa người lên sao Hỏa trở thành sứ mệnh chung của nhân loại khi chương trình sao Hỏa số 1 khởi động.
Theo VnExpress
Link bài viết: http://vnexpress.net/tin-tuc/khoa-hoc/chang-trai-viet-muon-song-tren-sao-hoa-2939497.html