Cuộc sống đổi thay
Du học là cơ hội tuyệt vời để các MCer tiếp cận với nền giáo dục tiến tiến, giao lưu văn hóa, và tích lũy kinh nghiệm cho cuộc sống. Nói một cách khác, du học mở ra cho bạn một cuộc sống mới, nhiều màu sắc hơn, thú vị hơn.
Huyền Lê, cựu MCer khóa 2005-2008, hiện đang theo học thạc sĩ ngành Marketing
tại Aston University Birmingham, nước Anh.
“Lần đầu tiên đặt chân đến nước Anh, mọi thứ đều mới mẻ với mình. Từ con người, phong cách sống, tới môi trường giáo dục, tất cả tạo nên một bức tranh đầy niềm vui và nhiều điều bí ẩn đang chờ đón mình khám phá. Mỗi ngày mình hiểu thêm một điều mới về con người, đất nước Anh, mình không nuối tiếc vì quyết định du học”, bạn Huyền Lê, cựu MCer khóa 2005-2008 chia sẻ. Hiện tại, Huyền Lê đang theo học thạc sĩ ngành Marketing tại Aston University Birmingham, nước Anh.
Sinh sống tại một quốc gia mới, nghĩa là bạn sẽ hòa mình vào một nền văn hóa mới. Đây là động lực lớn nhất giúp các MCer cần mẫn theo đuổi giấc mơ du học. “Thời gian đầu, khi mới sang New Zealand, mình ngao du khắp nơi để tận hưởng những điều mới lạ, cảnh đẹp nơi đây. Tất cả đều mới mẻ, mình luôn hào hứng muốn khám phá về đất nước này”, Quốc Trung, cựu MCer khóa 2004-2007 nhớ lại thời du học đầy kỷ niệm.
“Cuộc sống bình dị và thân quen ở Việt Nam dần trở thành một kỷ niệm đẹp trong cuộc đời du học sinh. Mình có những người bạn mới, hình thành thói quen sinh hoạt mới, làm quen với các món ăn mới và học tập theo phương pháp mới. Mất một thời gian ngắn để thích nghi, bạn sẽ thấy cuộc sống mới thú vị hơn”, Diệu Linh, cựu MCer khóa 2007 - 2010, hiện là sinh viên năm thứ ba, cử nhân quản trị khách sạn và du lịch, Học viện William Anglis, Úc, chia sẻ.
Vượt qua khó khăn
Để giấc mơ du học thành hiện thực, các MCer nên chuẩn bị tinh thần và nghị lực vượt qua một danh sách dài những khó khăn. Ngay từ những ngày đầu tiên, vấn đề chọn trường và hình thức du học cũng là một bài toán cần các MCer cân nhắc thật kỹ.
Ngọc Ánh, cựu MCer khóa 2005-2008, hiện là sinh viên năm thứ ba, ngành Ngân hàng, tại Malaysia.
“Hãy ưu tiên chọn ngành bạn yêu thích trước khi chọn trường. Điều quan trọng mà các bạn cần nhớ rằng mỗi trường có một thế mạnh về ngành nghề riêng, không nên chạy theo tâm lý cố gắng vào một trường thật danh tiếng”, Diệu Linh cho biết.
Tài chính là một trở ngại mà bất kỳ du học sinh nào cũng phải trải qua. Dù bạn đi du học theo diện học bổng hay tự túc, việc chi tiêu ở nước ngoài vẫn rất đắt đỏ so với sinh viên Việt Nam. Vậy nên, việc chọn thành phố và trường phù hợp với khả năng tài chính của gia đình là rất cần thiết. Đặc biệt, bạn hãy lên kế hoạch cụ thể cho việc chi tiêu hàng ngày.
“Tớ thường xuyên rơi vào tình cảnh “cháy túi” trong giai đoạn đầu mới sang Malaysia. Do chưa biết lên kế hoạch chi tiêu, bỏ quá nhiều tiền vào việc mua sắm, đi du lịch, ăn uống, hậu quả là tớ phải ăn mỳ tôm thay cơm vào cuối tháng”, Ngọc Ánh, cựu MCer khóa 2005-2008, hiện là sinh viên năm thứ 3 ngành Ngân hàng, tại Malaysia, chia sẻ.
Quan trọng hơn cả, việc hòa nhập với nền văn hóa mới luôn là rào cản lớn đối với tất cả du học sinh, hay còn gọi là sốc văn hóa. Tâm lý bất ngờ, ngại ngùng hay sợ hãi trước sự khác biệt về lối sống là điều không thể tránh khỏi, ví như văn hóa xếp hàng, văn hóa mặc cả.
“Mình quyết định ở homestay để tiết kiệm tiền nhà. Mình chọn ở cùng một cặp vợ chồng cao tuổi. Bà chủ nhà có một danh sách dài những quy tắc trong gia đình. Đặc biệt, bà căn dặn phải tiết kiệm điện và nước, vì giá điện nước ở New Zealand rất đắt đỏ. Mỗi lần tắm, mình đều cảm thấy lo lắng, thậm chí phải đặt chuông đồng hồ hẹn giờ. Có lần, khi mình đang tắm, bà chủ gõ cửa nhắc nhở. Sợ quá, mình quên cả xả xà phòng mà chạy ra”, Minh Ngọc, cựu MCer khóa 2008-2011, hiện đang là sinh viên năm 2 ngành quản trị kinh doanh ở New Zealand, kể lại.
Bí kíp bỏ túi cho các MCer
Chìa khóa đầu tiên để mở cánh cửa du học là bạn hãy chuẩn bị khả năng ngoại ngữ tốt và một bộ hồ sơ cá nhân thật nổi bật. Bạn cần thể hiện cá tính, khả năng và mục tiêu rõ ràng, thuyết phục trong hồ sơ của mình. Vì sau điều kiện cơ bản về IELTS/TOEFL, bảng điểm, đó là yếu tố quyết định bạn có được nhận vào trường hay không.
“Để tránh rơi vào tình trạng sốc văn hóa, trước khi sang một đất nước mới, bạn nên tìm hiểu về văn hóa của đất nước đó. Hãy hỏi bất kỳ điều gì bạn chưa hiểu, nhất là chuyện bài vở. Thầy cô quan tâm tới việc bạn hiểu bài như thế nào qua những lần phát biểu và thắc mắc về bài giảng”, Huyền Lê tâm sự.
Cởi mở và kết bạn, tham gia các cậu lạc bộ và hoạt động ngoại khóa ở trường cũng là các bước đệm không thể bỏ qua cho các MCer. Ngoài ra, Hội sinh viên Việt Nam ở nước ngoài là nơi rất tốt để bạn học hỏi kinh nghiệm sống, học tập của các “tiền bối”.
Hầu hết các bạn du học sinh đều đi làm thêm. Đây là cách hữu ích để nâng cao trình độ ngoại ngữ, cọ xát với môi trường làm việc thực thụ và có thêm tiền để trang trải cuộc sống. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn cả là biết cách cân bằng giữa trải nghiệm thực tế và nhiệm vụ học tập ở trường.
Lời kết
Không thể phủ nhận du học là cơ hội tốt cho một tương lai sán lạn, dù nó cũng có nhiều thử thách. Hãy chuẩn bị hành trang cho mình thật tốt, tự tin và đừng bao giờ bỏ cuộc, các MCer nhé!
Huy Nghĩa