MCER MẠNH DẠN LIÊN HỆ NHÀ THƠ ĐỂ TÌM HIỂU TÁC PHẨM

“Tôi thấy rất vui khi các con chủ động liên lạc với tác giả để hỏi nội dung bài thơ. Đây là sự tương tác thú vị!” là chia sẻ của nhà thơ Bình Nguyên Trang về việc nhóm học sinh 11E0 liên hệ để tìm hiểu tác phẩm, phục vụ cho bài thuyết trình trên lớp.

Để học trò có cơ hội tiếp cận nhiều ngữ liệu văn học, cũng như thực hành kỹ năng nghiên cứu tác phẩm một cách chuyên nghiệp và trực quan, cô Lê Hường (GV Ngữ văn) đã phân lớp 11E0 thành 14 nhóm, thực hiện 14 đề tài khác nhau.

Trong buổi tổng kết, cô rất bất ngờ khi xem sản phẩm của học trò. Các bạn đều làm rất tốt và sáng tạo. Đặc biệt, nhóm của Nguyệt Linh, Quang Minh, Minh Đạo và Trà My để lại ấn tượng sâu sắc khi có cách tiếp cận độc đáo.

Cô Hường cho biết: “Phần thuyết trình của các con đảm bảo yêu cầu mà đề bài đặt ra. Các con đưa ra nhiều ý kiến, quan điểm với góc nhìn thú vị về tác phẩm. Đó là nhờ trong quá trình làm, các con đã chủ động liên hệ với tác giả để tìm hiểu sâu cội nguồn của tác phẩm. Cách học, cách làm ấy rất đáng được nhân rộng”.

Theo Nguyệt Linh, sau khi nhận được đề tài là bài thơ “Đi qua đời con” của tác giả Bình Nguyên Trang, nhóm đã bắt đầu tìm kiếm thông tin trên mạng internet và cùng thảo luận cách phân tích khổ thơ. Cụ thể, Quang Minh tra cứu tài liệu về tác giả, tác phẩm. Nguyệt Linh và Trà My phụ trách phân tích cấu tứ và các hình ảnh trong khổ thơ. Còn Minh Đạo tóm tắt nội dung và thông điệp mà tác giả muốn gửi đến trong bài thuyết trình.

Các bạn cho biết: “Khi thực hiện bài tập, chúng mình tìm được rất nhiều thông tin về hoàn cảnh ra đời của tác phẩm. Do đó, chúng mình quyết định liên hệ trực tiếp với nhà thơ qua trang Facebook cá nhân. Thật may là nhà thơ sẵn sàng trả lời! Chúng mình không chỉ được trò chuyện với một tác giả đáng yêu mà còn nghe cô kể về tuổi thơ của bản thân. Việc tìm hiểu bài thơ như vậy giúp cả nhóm thấy yêu tác phẩm và hào hứng học văn hơn”.

Nhà thơ Bình Nguyên Trang rất vui mừng khi được MCer chủ động liên hệ. Nhà thơ bày tỏ: “Qua mạng xã hội, các bạn có thể kết nối với các nhà văn, nhà thơ là tác giả của tác phẩm được học ở trường. Những gợi mở từ họ về hoàn cảnh sáng tác, thông điệp gửi gắm có thể giúp ích cho các bạn hoàn thiện bài thuyết trình. Mình đánh giá cao cách làm của học sinh trường MC. Qua cuộc trao đổi, mình thấy các bạn rất đáng yêu. 

Sau khi hoàn thành bài làm, các bạn đã gửi cho mình xem. Mình khá bất ngờ bởi bài thuyết trình hiểu rất sát nội dung bài thơ và phân tích rất trúng các thủ pháp nghệ thuật, ngôn ngữ thể hiện của tác giả. Ngoài ra, các bạn còn biết mở rộng vấn đề với thông điệp rất rõ ràng”.

Cô Lê Nguyệt (mẹ của Nguyệt Linh) rất hài lòng với môi trường giáo dục MC khi luôn tạo cơ hội cho học trò trải nghiệm những điều mới mẻ. Cô cho hay: “Các gen Z rất dũng cảm, sáng tạo và xông xáo. Thay vì ngồi “đoán già, đoán non” hay vận dụng hết tế bào mộng mơ, con gái cùng các bạn đã liên hệ với tác giả để trao đổi trực tiếp. May sao các con gặp được một tác giả “cute hột me” nên không chỉ làm thành công bài thuyết trình mà còn có nhiều kỷ niệm đáng nhớ! Mình cảm thấy hãnh diện khi câu chuyện của các con đã được nhà thơ chia sẻ lên trang FB cá nhân. Việc đó khích lệ các con rất nhiều để tiếp tục chủ động, sáng tạo hơn nữa trong học tập”.